Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến từ 70 - 120mm, các tỉnh nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã tăng cường các biện pháp phòng chống nhằm giảm thiểu hậu quả do bão số 2 gây ra.
Thanh Hóa: Chủ động ứng phó với bão và hoàn lưu
Đến 17 giờ ngày 23/6, do ảnh hưởng của bão số 2, địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhất là các huyện ven biển đã bắt đầu có gió và mưa, trời âm u, nhiều mây.
Tàu chở khách du lịch và tàu đánh cá ở Vân Đồn (Quảng Ninh) về bến neo đậu. Ảnh TTXVN. |
Tại xã biển Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc), địa bàn tập trung nhiều phương tiện nghề biển nhất Thanh Hóa, hiện có 306/317 phương tiện đã neo đậu tại cảng cá Hòa Lộc và bến tạm xã Ngư Lộc. UBND huyện Hậu Lộc đang khẩn trương chỉ đạo di chuyển các phương tiện đang còn neo đậu ở bến Ngư Lộc vào nơi tránh trú an toàn tại kênh De hoặc cảng cá Hòa Lộc xong trước 19 giờ tối nay tránh tình trạng va đập giữa các tàu thuyền khi bão đổ bộ vào đất liền.
Tỉnh Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại các địa bàn xung yếu, các đoạn đê xung yếu ở Tĩnh Gia, Nga Sơn và yêu cầu các địa phương tiến hành rà soát, sẵn sàng sơ tán người, tài sản ở vùng mép nước, nội đê khi nước sông, biển dâng cao đến nơi an toàn.
Tỉnh Thanh Hóa vừa có công điện khẩn chỉ đạo tất cả các địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện miền núi phải chủ động kiểm tra và triển khai ngay các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; giao Chủ tịch UBND huyện - Trưởng ban chri huy PCLB các huyện căn cứ tình hình thực tế mưa lũ và các phương án đã lập để chủ động ra quyết định sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm, triển khai các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn. Các địa phương biện pháp tiêu úng, thoát lũ để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu mới gieo trồng khi có mưa lớn xảy ra.
Theo báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ huy PCLB Thanh Hóa, lượng mưa trong chiều 23/6 ở Thanh Hóa phổ biến ở mức 15-25mm, một số địa phương lượng mưa đo được cao hơn như Như Xuân 47mm, Nông Cống 30mm, Tĩnh Gia 43mm; các xã ven biển có gió cấp 5, giật cấp 6, biển động. Dự báo, trong đêm nay và ngày mai, địa bàn Thanh Hóa sẽ có mưa to đến rất to. Các cán bộ chiến sỹ thuộc các đơn vị quân sự, công an, biên phòng đã được điều động sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh.
Hà T ĩnh: Tất cả tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn
Tỉnh Hà Tĩnh có mưa to và rất to, gió tại vùng ven biển từ cấp 6 đến cấp 8 kèm theo sóng lớn. Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh đã nhanh chóng tổ chức các đoàn đi kiểm tra một số vùng biển, cửa biển, chỉ đạo các cấp chính quyền và người dân triển khai các biện pháp phòng chống bão, kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn.
Tiểu ban an toàn nghề cá tỉnh Hà Tĩnh cho biết hiện đã liên lạc được cho tất cả các tàu thuyền và hướng dẫn cho tàu và ngư dân đánh cá trên biển vào nơi trú ẩn an toàn. Đặc biệt, đội tàu xa bờ có 137 tàu với hơn 900 người đánh bắt ngoài khơi đã nắm rõ diễn biến cơn bão số 2 vào nơi trú ẩn an toàn.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có gần 4.000 tàu thuyền với hơn 14.000 người thường xuyên hoạt động trên biển. Trước diễn biến cơn bão số 2, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương vùng cửa biển Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu có tàu đánh bắt xa bờ nhiều liên lạc tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Bên cạnh đó, các đơn vị biên phòng đóng trên tuyến ven biển phối hợp các đơn vị ngăn chặn không cho người dân ven biển ra khơi khi có gió to, sóng lớn.
Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt Hà Tĩnh chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng trực 24/24 giờ trên ngày bố trí lực lượng theo dõi thường xuyên diễn biến cơn bão số 2. Tại các hồ Kẻ Gỗ, đập Kim Sơn, và Sông Rác, cơ quan chức năng đã bố trí lực lượng trực để đối phó khi có sự cố xảy ra./.
Nam Định: Sơ tán 2.000 khách du lịch
Tỉnh Nam định đang tích cực triển khai công tác phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn trước khi cơn bão số 2 đổ bộ vào đất liền. Tính 13 giờ chiều 23/6, công tác gia cố 2 khu vực đê kè xung yếu là mỏ kè xã Nghĩa Phúc và đê Cồn Xanh thuộc xã Nam Điền (cùng huyện Nghĩa Hưng) đã cơ bản hoàn thành. Hiện, hơn 7.000 người dân ở ngoài tuyến đê chính, ở vùng cửa sông, vùng nuôi ngao của 3 huyện ven biển là Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng đã vào nơi trú ẩn an toàn; khoảng 2.000 khách du lịch ở bãi biển Thịnh Long (Hải Hậu) đã kịp sơ tán.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và cứu hộ cứu nạn tỉnh Nam Định, trước cơn bão số 2, mỏ kè xã Nghĩa Phúc và đê Cồn Xanh thuộc xã Nam Điền của huyện Nghĩa Hưng đã bị sạt lở. Trong các ngày 22 và 23/6, hai điểm đê xung yếu này được UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo tập trung gia cố. Đến trưa 23/6, tại đoạn đê Cồn Xanh, Công ty TNHH Xây dựng Xuân Khiêm đã chuẩn bị 20.000m2 vải lọc chống tràn, 2.000 cấu kiện bê tông đúc sẵn, 5.000m3 đất, 2.000 bao tải, 500m3 đá hộc, 400 chiếc rọ đá; nhân lực, phương tiện, máy xúc và ô tô để sẵn sàng xử lý chống tràn. Nhằm tăng cường năng lực ứng phó với tình huống xấu, ngoài lực lượng của xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng đã huy động thêm lực lượng từ 4 xã xung quanh tham gia cứu hộ điểm đê xung yếu này.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định tích cực phối hợp với các địa phương vận động, kêu gọi các tàu, thuyền, ngư dân vào bờ tránh bão.
Nhóm P/v TTXVN