Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.
Trong nhiều năm qua, hệ thống chính sách dân tộc miền núi không ngừng được hoàn thiện, phù hợp với định hướng phát triển chung, nhất là hỗ trợ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giảm nghèo bền vững, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Giai đoạn 2016 - 2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, miền núi, hỗ trợ cho đồng bào DTTS ít người. Các cấp các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao trong công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội, không để người nào thiếu đói không được trợ giúp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Đỗ Văn Chiến cho rằng, mặc dù vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật vẫn là thách thức lớn đối với vùng DTTS và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 53% số hộ nghèo cả nước. Thu nhập bình quân của hộ DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực. Vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo. Hơn 54 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, hơn 58 nghìn hộ thiếu đất ở, 223 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt cần được hỗ trợ, chưa được giải quyết thấu đáo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, để hạn chế những bất cập vùng DTTS, miền núi, trong giai đoạn tới cần quan tâm tới các nhóm chính sách chủ yếu. Đó là phân bổ ngân sách thỏa đáng cho vùng DTTS theo nhóm khó khăn và đặc biệt khó khăn. Ưu đãi thu hút đầu tư vào vùng DTTS; phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc; phát triển du lịch; phát triển giao thông nông thôn; đầu tư các cơ sở dạy nghề, giáo dục, y tế; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cho vay ưu đãi, giảm cho không và tăng hỗ trợ có điều kiện...
Người đứng đầu Ủy ban Dân tộc cũng đề xuất: “Chúng ta có 2.139 xã đặc biệt khó khăn, diện thì rộng nhưng đầu tư thì thấp. Mỗi năm một xã chỉ được đầu tư 1 tỷ đồng, mỗi thôn đặc biệt khó khăn chỉ được đầu tư 200 triệu đồng. Với khoản đầu tư như vậy không thể làm được việc gì “ra ngô ra khoai”. Do vậy, số xã khó khăn có thể giảm xuống nhưng mức đầu tư phải tăng lên để làm sao có nguồn lực đầu tư “ra tấm ra miếng”. Đồng thời thu gọn đầu mối quản lý chính sách, phân cấp triệt để đến đối tượng thụ hưởng chính sách, loại bỏ tất cả các khâu trung gian. Trung ương ban hành chính sách khung, phân bổ nguồn lực, hướng dẫn đôn đốc kiểm tra, cấp tỉnh quản lý và tổ chức thực hiện chính sách”.
Tham luận tại hội thảo, các nhà quản lý, chuyên gia về DTTS và miền núi cùng chung quan điểm, hiện hệ thống chính sách còn dàn trải, trùng chéo, nguồn lực thực hiện còn khó khăn, chưa khai thác hết tiềm năng của từng vùng, chưa khuyến khích được đồng bào vươn lên tự thoát nghèo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế.
Nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc trong huy động, phân bố nguồn lực, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của HĐND các cấp, đời sống của một số đồng bào DTTS còn rất khó khăn, thu nhập bình quân hộ đồng bào DTTS nhiều nơi còn thấp so với bình quân trong khu vực.
Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đưa vào chương trình công tác năm 2019 xây dựng đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn theo hướng tích hợp các chính sách, giải pháp nhằm phát triển nhanh, bền vững hơn vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đề nghị Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia giàu kinh nghiệm đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2018. Phân tích đúng thực trạng đời sống, thu nhập, sinh kế và mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế của đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp nhiều ý tưởng, gợi mở những định hướng cho việc xây dựng hệ thống chính sách dân tộc giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.