Khu vực có lượng phương tiện đông nhất là các tuyến đường cửa ngõ thành phố, từ các tỉnh miền Tây lên TP Hồ Chí Minh. Tại các đoạn Quốc lộ 1 giao với đường Dương Đình Cúc, Đoàn Nguyễn Tuấn, cầu vượt nút giao Bình Thuận… thường xuyên rất đông, nhiều thời điểm dồn ứ, phương tiện lưu thông qua khu vực này khó khăn.
Tại phà Cát Lái, tuy không đông nghẹt như một số kỳ nghỉ lễ trước đây, nhưng phương tiện cũng phải xếp hàng dài bên phía huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để chờ lên phà về TP Hồ Chí Minh. Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Xí nghiệp quản lý phà Thanh niên xung phong, lưu lượng phương tiện khả năng đạt trên 75.000 lượt qua phà Cát Lái, gấp đôi ngày thường.
Cũng ở khu vực phía Đông TP Hồ Chí Minh, lối ra đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây thông thoáng trong chiều Mùng 5 Tết. Đoạn nút giao An Phú vốn là "điểm nóng" do đang thi công nút giao lớn, cũng không xảy ra ùn tắc giao thông.
Ga Sài Gòn trong ngày cuối nghỉ Tết Nguyên đán 2024 có 18 đoàn tàu về ga. Các đoàn tàu đều gần như lấp đầy số ghế, số giường, đặc biệt là các chặng từ các tỉnh miền Trung vào TP Hồ Chí Minh như Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Nha Trang…
Theo ông Nguyễn Ánh Luyện, Phó Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, cơ bản đợt phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã hoàn thành. Đến giờ này, tất các chuyến tàu đi đến gần như đúng giờ do sự chuẩn bị vật tư, trang thiết bị chu đáo cùng may mắn là sự cố dọc đường không đáng kể.
Trong khi đó, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đón tới 148.000 lượt hành khách trong ngày 14/2, mức cao nhất từ đầu cao điểm Tết năm nay. Cụ thể, sân bay có 934 chuyến bay, với hơn 147.900 khách. Do là ngày cuối kỳ nghỉ, nên người dân quay trở lại thành phố rất đông trên các chuyến bay quốc nội, lên tới hơn 66.000 người.
Đây là ngày thứ 2 liên tiếp, sân bay Tân Sơn Nhất đón lượng khách qua cảng đạt mức rất cao. Trong ngày 13/2, sân bay có 843 chuyến bay với 136.500 hành khách. Dù lượng người đến đông nhưng hoạt động tại sân bay tương đối ổn định.