Trong đó, 5 người chết do lũ cuốn (Quảng Trị: 2, Thừa Thiên - Huế: 1, Quảng Nam: 1, Bình Định: 1); 4 người mất tích do lũ cuốn (Quảng Nam: 1, Quảng Ngãi: 1); 23.126 nhà bị ngập nước, 1.830 hộ phải di dời khẩn cấp, 9 điểm trường bị ảnh hưởng; 6.965 ha lúa bị hư hại, ngập; 2.222 m đê bao, bờ bao bị sạt lở; 10.080 m bờ biển, bờ sông sạt lở; 278,2 ha thủy sản bị ngập, thiệt hại; 64.624 m đường giao thông địa phương bị hư hại, sạt lở; đường sắt Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Bình Định bị sạt lở tại 3 điểm, hiện đã thông tuyến.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng, tập trung huy động các nguồn lực khẩn trương khắc phục hậu quả mưa, lũ, ngập úng, tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ người dân sửa chữa, dọn dẹp nhà cửa, trường học; khẩn trương phục hồi các tuyến đường giao thông huyết mạch.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp để chủ động các biện pháp phòng tránh; sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn ở những khu vực có nguy cơ cao bị ngập sâu, chia cắt, lũ quét, sạt lở đất; bố trí lực lượng canh gác tại những vị trí ngầm, tràn, giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiểm soát chặt chẽ các bến đò ngang, đò dọc, khu vực đường bị ngập… để hướng dẫn người, phương tiện qua lại.
Các tỉnh, thành phố vùng mưa lũ triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; vận hành công trình tiêu chống úng, chống ngập lụt khu vực đô thị, đảm bảo hạn chế thấp nhất thiệt hại. Rà soát việc chuẩn bị theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ), chú trọng việc dự trữ lương thực, nước uống, thuốc men, nhu yếu phẩm… để sẵn sàng ứng phó với các tình huống.
Căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Đài Phát thanh - Truyền hình các cấp thường xuyên đưa tin về diễn biến và công tác chỉ đạo ứng phó với mưa lũ.
Trước tình hình mưa, lũ, ngập lụt còn diễn biến phức tạp, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường cán bộ, phương tiện để nâng cao hiệu quả công tác trực ban, tham mưu ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên cập nhật thông tin, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Trước tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường và dự báo sẽ tiếp tục trong những ngày tới, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng đã quyết định thay đổi thời gian tổ chức Kỳ họp thứ IX HĐND thành phố Khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 trong các ngày từ 11-13/12 để chủ động tập trung cho công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục kịp thời tình hình mưa, ngập úng trên địa bàn.
Tại bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng có hơn 20 điểm sạt lở, trong đó tuyến đường Tiên Sa đến ngã ba Bãi Bắc là điểm sạt lở nặng nhất với 16 điểm. Cụ thể, mưa lớn đã làm tuyến đường Tiên Sa đến Suối Ôm bị sạt lở 10 điểm, đất đá rơi vãi xuống đường, gây sụt lún mương thoát nước và hộ lan bảo vệ. Tuyến đường từ ngã ba Tiên Sa về Bãi Bắc có 6 điểm sạt lở, nhiều cây gãy đổ chắn ngang đường. Hiện xe ô tô không thể lưu thông được trên tuyến đường này.
Mưa lớn đã làm 7 điểm trên tuyến Yết Kiêu đến ngã ba Bãi Bắc bị sạt lở, đất đá tràn xuống đường, gây nhiều khó khăn cho phương tiện khi lưu thông trên tuyến đường này. Hiện Ban Quản lý đã khẩn trương phối hợp với lực lượng kiểm lâm xử lý cây đổ, dọn dẹp mặt bằng tại vị trí phía trước trạm phát sóng DRT. Trên tuyến Hồ Xanh đến Cây đa bị sạt lở tại đầu lối lên chùa Linh Ứng, hiện nhà chùa đã cử người dọn dẹp đất, đá và khắc phục hậu quả. Ngoài ra, trên tuyến đường nhánh Suối Đá cũng có 1 điểm sạt lở, đất đá và cây to chắn ngang đường, ô tô không thể lưu thông.
Trước diễn biến mưa lũ trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục cho hơn 15.000 học sinh của 41 trường được nghỉ học cho tới khi lũ rút để đảm bảo an toàn.
Liên quan đến sự cố kẹt cửa đập Lại Giang, tỉnh Bình Định, do ảnh hưởng của mưa to, khoảng 4 giờ sáng 10/12 đã xảy ra lũ lớn trên sông Lại, đơn vị quản lý đã vận hành thoát lũ, song do nước lên nhanh đã gây kẹt cửa (2 cửa bị kẹt không mở được). Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đoàn công tác vào tỉnh Bình Định để phối hợp với địa phương khắc phục sự cố.
Ngày 11/12, Văn phòng thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, lúc 9 giờ ngày 11/12, tại tọa độ 15026'N (Bắc) - 110026'E (Đông), cách phía Đông đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 80 hải lý, một tàu cá bị hỏng máy không khắc phục được, thuyền trưởng đề nghị hỗ trợ (khu vực này hiện có gió Đông Bắc cấp 6-7).
Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam tiếp tục phát thông báo hàng hải, duy trì liên lạc với tàu bị nạn, điều tàu SAR đi cứu nạn; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng chỉ đạo cơ quan chức năng xác minh thông tin, duy trì liên lạc với tàu bị nạn, phối hợp với Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam, hỗ trợ cứu nạn tàu bị nạn.