Ngày 11/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Tổ chức tòa án nhân dân; Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Nhà ở và Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật; Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân và Nghị quyết về việc thi hành Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Đáng chú ý, Luật Căn cước công dân lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay thế cho tên gọi “Chứng minh nhân dân” như hiện nay. Công dân từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân. Thẻ có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam và được dùng thay thế cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.
Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn quy định. Các giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các biểu mẫu đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019…