Thanh lý theo giá thị trường
Trước dư luận Bộ Tài chính đã thanh lý 246 xe công nhưng lại chưa công bố được giá trị thanh lý. Bà Tạ Thanh Tú giải thích: Việc thanh lý tài sản công sẽ được xác định tài sản theo thị trường, hạch toán đầy đủ về nguyên giá, khi đủ điều kiện sẽ thanh lý theo quy định.
Về số tiền thanh lý 264 xe công, bà Tú cho biết cần có thời gian để tổng hợp bởi các xe công được thanh lý đều nằm rải rác ở các đơn vị, địa phương. Cục Quản lý công sản phải có thời gian tổng hợp các báo cáo ở các đơn vị gửi về mới có số liệu chính xác.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng cho biết thêm, các xe công khi được mua sắm hay thanh lý hoặc khi có biến động về điều chuyển đều phải định kỳ báo cáo Bộ Tài chính. “Với 264 xe công này, thanh lý phải có quy trình và thời gian, chứ không phải khi thống kê ra là có thể thanh lý được ngay. Bộ Tài chính sẽ tổng hợp và công bố thông tin sau khi có kết quả”, Thứ trưởng Mai nói.
Việc thanh lý xe công phải có quy trình và thời gian. |
Để minh bạch quản lý xe công, theo Quyết định số 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 159/2015 hướng dẫn, trong đó có quy định các đơn vị phải báo cáo việc rà soát, sắp xếp lại xe công và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài chính trước ngày 21/3. Tuy nhiên đến ngày 30/6, mới có 37/43 bộ, ngành và 49/63 địa phương gửi báo cáo rà soát, sắp xếp xe ô tô về Bộ Tài chính. Điều này dẫn đến việc tổng hợp số liệu chưa đầy đủ, không phản ánh được số liệu chính xác về số xe ô tô dôi dư hiện có trên cả nước.
Trong trường hợp số xe công dôi dư, Bộ Tài chính sẽ điều chuyển nội bộ các bộ, ngành cho các đơn vị chưa được trang bị xe theo tiêu chuẩn và tiếp tục chuyển đến các bộ, ngành, địa phương khác còn thiếu, nếu có nhu cầu. Số còn lại sau điều chuyển sẽ thanh lý.
Thực hiện nghiêm định mức xe công
Tại Hội nghị sơ kết ngành tài chính diễn ra mới đây, một số tỉnh, địa phương đã kiến nghị tăng gấp đôi định mức xe công. Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết quy định các cấp sở, ngành chỉ được dùng 2 xe nhưng Hà Nội có địa bàn rộng, khối lượng công việc lớn, đi lại phục vụ công việc nhiều trong khi hiện chỉ có 2 xe cho mỗi sở, ngành là khó khăn. Do đó, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính cho Hà Nội cơ chế đặc thù, tăng số xe được sử dụng từ 2 lên 4 xe cho mỗi sở, ngành. Tuy nhiên, ông Toản cũng cho biết, khi có cơ chế đặc thù thì cũng sẽ phấn đấu khoán xe công. Hà Nội đang tính toán về tiêu hao, chi phí sử dụng xe công để xem xét chọn thời điểm thích hợp sẽ thực hiện khoán xe công cho phù hợp.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tài sản nhà nước là ô tô 6 tháng đầu năm nay đã tăng 171 chiếc, nguyên giá 156 tỷ đồng (trong đó, mua mới 56 chiếc). Về giảm tải sản thì ô tô giảm 384 chiếc, nguyên giá 175,20 tỷ đồng (trong đó thanh lý 264 chiếc). |
Đồng tình với ý kiến của thành phố Hà Nội, ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, địa bàn Hà Nội có nhiều taxi còn gặp khó thì với tỉnh lẻ như Quảng Nam, phương tiện công vốn hạn chế thì việc điều chỉnh định mức càng cần thiết.
Tuy nhiên, bà Tạ Thanh Tú, Phó cục trưởng Cục quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết thêm: Theo quy định hiện nay của Chính phủ, chỉ các chức danh Phó Chủ tịch TP Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh mới có tiêu chuẩn được bố trí xe. Đối với các chức danh phó chủ tịch ở các tỉnh thành khác thì chỉ được bố trí xe đi công tác mà không có xe đưa từ nơi ở đến nơi làm việc. Theo Quyết định 32, đối với các lãnh đạo tổng cục có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên mới có tiêu chuẩn được trang bị xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu Đề án thực hiện khoán xe công với lộ trình phù hợp. Đối với các xe công dôi dư sau khi thực hiện rà soát, sắp xếp, sẽ tổ chức thanh lý theo quy định của pháp luật.