Thể chế hóa xe công

Khi thảo luận Nghị quyết về phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2016, giải pháp tiết kiệm chi tiêu bằng việc giảm xe công một lần nữa làm nóng diễn đàn Quốc hội (kỳ họp thứ X). Ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội cho thấy sự cần thiết phải thể chế hóa các quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tình trạng sử dụng, mua sắm xe công lãng phí, sai mục đích.



Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy, cả nước hiện có gần 40.000 xe công và chi phí từ ngân sách Nhà nước hằng năm cho việc sử dụng xe công khoảng 13.000 tỷ đồng (mỗi năm, một xe công ngốn khoảng 320 triệu đồng tiền ngân sách, bao gồm trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…). Thật phản cảm với số tiền khổng lồ từ ngân sách chi cho xe công, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội còn rất nhiều bất cập và tình trạng này đang làm xói mòn lòng tin của người dân vào bộ máy công quyền.

Vấn đề day dứt lâu nay là xe công không chỉ phục vụ cho mục đích chung, mà còn vì lợi ích cá nhân. Xe công phục vụ người có chức, có quyền sử dụng đã đành, đôi khi xe công còn phục vụ vợ con họ. Lâu nay, tình trạng xe công sử dụng sai mục đích khá tràn lan: Dùng xe công đi chơi tennis, đi lễ chùa, đưa đón con đi học, về quê, đi nghỉ mát, ăn nhậu, đưa người nhà đi tham quan, cưới hỏi… Mới đây, tại Đắk Lắk, báo chí phản ánh một lãnh đạo sở thuộc tỉnh này sử dụng xe cơ quan đi đám cưới, đồng thời huy động thêm 2 xe biển xanh khác đi rước dâu con một đồng nghiệp, gây bức xúc dư luận. Chưa hết, việc sử dụng xe công vượt tiêu chuẩn, giá trị cũng như sử dụng xe công đưa đón cán bộ sai mục đích, dùng vào việc riêng hiện nay khá phổ biến. Theo quy định, có một số chức danh không thuộc đối tượng được sử dụng xe công để đưa đón từ nơi ở đến cơ quan làm việc hằng ngày. Thế nhưng, không ít lãnh đạo không thuộc diện, vẫn có xe công sáng đón đến cơ quan, tối đưa về nhà.

Thấy rõ những mặt trái của việc sử dụng xe công, đã có nhiều cuộc họp cấp bộ, ngành, địa phương coi đây là việc bức xúc, cần được giải quyết, nhưng tình hình kéo dài nhiều năm vẫn không được cải thiện, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Có thực tế, xe công gần như đã trở thành đặc quyền đặc lợi và chẳng ai muốn từ bỏ nó. Đề xuất thay đổi từ hình thức xe công sang thuê xe dịch vụ đưa đón cán bộ từng được đưa ra, cái lợi cũng được phân tích minh bạch rõ ràng, nhưng đến nay vẫn không được thực hiện. Có nhiều lý do được biện minh, không có xe công thì công việc không chạy, việc quản lý điều hành (đơn vị, tổ chức) sẽ gặp khó khăn, lãnh đạo phải họp hành nhiều, tham gia phương tiện công cộng sẽ mất nhiều thời gian di chuyển, ảnh hưởng đến công việc chung… Tuy nhiên, đó chỉ là sự ngụy biện bởi ở nhiều quốc gia phát triển, họ rất hạn chế sử dụng xe công, nhưng không vì thế mà công việc của họ đình trệ, hoặc việc quản lý của họ gặp khó khăn, kém hiệu quả.

Vấn đề đặt ra, không thể tiếp tục kêu gọi sự tự giác, tự nguyện của các đối tượng đang được hưởng chế độ xe công, mà vấn đề sử dụng, mua sắm xe công phải được thể chế hóa. Cùng với siết chặt bằng các quy định, cần sự giám sát của người dân và khi phát hiện vi phạm cần phải xử lý nghiêm. Chỉ khi người lãnh đạo cơ quan, đơn vị thật sự nghiêm túc trong việc quản lý, sử dụng xe công, thì khi đó xe công mới hết bị “xài chùa”.
Yến Nhi
Siết chặt mua sắm và sử dụng xe công
Siết chặt mua sắm và sử dụng xe công

Tại buổi họp báo của Bộ Tài chính diễn ra ngày 23/10, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Thời gian qua vẫn còn hiện tượng mua xe công vượt tiêu chuẩn, định mức; điều chuyển xe ô tô giữa các đơn vị không đúng thẩm quyền; mua sắm xe chuyên dùng chưa được quản lý chặt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN