Do không có nguồn điện dự phòng và hiện phải tải khoảng 11% lượng điện từ miền Bắc vào nên các tỉnh thành phía Nam có thể sẽ bị cắt điện trong năm 2013.
Công nhân Công ty Truyền tải Điện 3 vận hành điện tại trạm biến áp 500kV khu vực Đắc Nông, Tây Nguyên. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN. |
Đây là thông tin được Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh công bố tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm của ngành công thương.
Theo ông Thanh, hiện các nhà máy điện khu vực phía Nam không vận hành kịp tiến độ để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng phụ tải của các tỉnh phía Nam trong khi hai đường dây 500 kV truyền tải điện từ Bắc vào Nam cũng đang trong tình trạng quá tải.
Để tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện phía Nam, EVN đang tập trung triển khai xây dựng thêm đường dây truyền tải 500 kV thứ ba và đường dây 220 kV để đưa điện từ Bắc và Nam trong khi các nguồn điện mới chưa vào kịp. Dự kiến cuối năm 2012 sẽ đóng điện đường dây 220 kV và cuối năm 2013 sẽ đóng điện đường dây 500 kV. Tuy nhiên, các dự án này đang có nguy cơ chậm tiến độ bởi ngoài chuyện thu xếp vốn khó khăn, khâu giải phóng mặt bằng cũng bị vướng ở cả địa bàn 6 tỉnh, thành mà đường dây đi qua, gồm: Gia Lai, Đắk Lắc, Đắk Nông, Bình Dương, Bình Phước và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, trong khi miền Nam được dự báo sẽ thiếu điện và phải truyền tải điện từ miền Bắc vào, một số tỉnh biên giới lại ký các thỏa thuận mới bán điện cho Campuchia sẽ khiến tình trạng cung ứng điện cho các tỉnh miền Nam vào năm tới càng khó khăn hơn.
Vì vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho EVN thu xếp đủ nguồn vốn phục vụ các dự án điện cấp bách, các địa phương có dự án đường dây truyền tải đi qua cần phối hợp chặt chẽ với EVN để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cần đảm bảo việc cung ứng đủ khí cho các nhà máy nhiệt điện ở phía Nam hoạt động, hạn chế đến mức thấp nhất việc các nhà máy này phải chạy dầu phát điện với chi phí rất cao mà hoạt động lại không ổn định, ông Thanh nhấn mạnh.
Ghi nhận những khó khăn của EVN trong việc cung ứng điện cho miền Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chỉ rõ: Việc bán điện cho Campuchia được thực hiện theo sự chỉ đạo của Chính phủ; trong đó EVN được giao trực tiếp thực hiện. Vì vậy, qua kiểm tra nếu địa phương nào tự ý bán điện là trái với quy định và EVN có thể tính toán để cắt bớt sản lượng điện cho các địa phương này.
Nguyễn Kim Anh