Thưa Cục trưởng, Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) là một bước tiến bộ quan trọng so với Pháp lệnh lực lượng CSBVN năm 2008. Khi được Quốc hội thông qua, Luật CSBVN có vị trí, ý nghĩa như thế nào đối với CSBVN?
Việc Quốc hội thông qua Luật CSBVN là một bước quan trọng trong thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước; cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013; hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về biển, đảo Tổ quốc.
Luật CSBVN là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất và có vị trí, ý nghĩa quan trọng đối với CSBVN; thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong giai đoạn hiện nay;
Khẳng định vị trí, vai trò của CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển của nhà nước Việt Nam;
Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho CSBVN thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam. Tạo hành lang pháp lý thông thoáng để nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của CSBVN với Cảnh sát biển các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, hòa bình và ổn định vùng biển.;
Thể chế quan điểm, chủ trương của Đảng về ưu tiên nguồn lực xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bổ sung quy định để CSBVN chủ động nguồn nhân lực; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại tương xứng với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CSBVN trong tình hình mới. Tạo thuận lợi cho CSBVN bảo vệ, giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân làm ăn hợp pháp trên biển; đồng hành cùng ngư dân hoạt động trong vùng biển Việt Nam và trên vùng biển quốc tế.
Sự ra đời của Luật CSBVN sẽ nâng tầm nhiệm vụ CSBVN lên một vị thế mới. Vậy việc đào tạo cán bộ, chiến sĩ CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo Việt Nam trong tình hình mới sẽ được tiến hành ra sao, thưa Cục trưởng?
Một trong những chủ trương lớn của Đảng về xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại tiếp tục được xác định tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp tục xác định: “Chú trọng đào tạo nhân lực, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và tăng cường khả năng hiệp đồng, tác chiến của các lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đất nước”.
Trên thế giới, các quốc gia đều xác định Cảnh sát biển là một nghề mang tính đặc thù, cán bộ Cảnh sát biển phải hội tụ nhiều kiến thức, kỹ năng trong nhiều chuyên ngành như: Chính trị, quân sự, đối ngoại; pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế; kỹ năng hàng hải, tàu thuyền, cứu hộ, cứu nạn; kỹ năng sử dụng vũ khí, phương tiện, thiết bị kỹ thuật trên biển; trình độ ngoại ngữ; sức khoẻ…
Biên chế, tổ chức của Cảnh sát biển, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước đều có cơ sở đào tạo để chủ động xây dựng nguồn nhân lực và là cơ sở hợp tác đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực thi pháp luật trên biển với các lực lượng Cảnh sát biển quốc gia khác.
Hiện nay, CSBVN có Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Cảnh sát biển, nhưng nội dung, chương trình, quy mô và khả năng đào tạo còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ, chiến sĩ CSBVN đều được tuyển dụng từ các trường đại học trong và ngoài quân đội hoặc điều động từ các lực lượng khác như: Biên phòng, Hải quân, Công an…
Mặt khác, việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ CSBVN chưa được pháp luật về giáo dục Việt Nam quy định là một ngành đào tạo, phải phụ thuộc vào các bộ, ngành và nhà trường khác, dẫn tới việc CSBVN chưa chủ động được việc xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Do đó, việc quy định về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ CSBVN tại Điều 36 Luật CSBVN là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng tạo tiền đề cho việc xây dựng CSBVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.
Thời gian qua CSBVN đã được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện hiện đại. Vậy trong thời gian tới, lực lượng CSBVN cần tiếp tục được đầu tư, trang bị gì để tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của CSBVN?
Trong 20 năm xây dựng và trưởng thành, CSBVN đã được Đảng, Nhà nước ưu tiên quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng; đóng mới nhiều tàu thuyền, phương tiện và trang thiết bị hiện đại. CSBVN thực sự là chỗ dựa vững chắc cho tổ chức, cá nhân làm ăn trên biển, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển và thềm lục địa của Tổ quốc.
CSBVN đang tiếp tục tích cực chủ động triển khai thực hiện Đề án xây dựng lực lượng CSBVN đến năm 2020 và những năm tiếp theo; thực hiện nhiều dự án đóng mới tàu thuyền; tiếp nhận nhiều tàu, thuyền hỗ trợ của các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… góp phần nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Việt Nam có vùng biển rộng hơn 1 triệu km2, có bờ biển dài 3.260 km có vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng trong chiến lược phòng thủ và phát triển kinh tế đất nước; tình hình tội phạm, vi phạm có phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tàu thuyền, phương tiện của CSBVN vẫn còn thiếu so với nhu cầu bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển trong tình hình mới.
Do đó, để phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển cần được Đảng, Nhà nước ưu tiên đầu tư, trang bị như: Đóng mới tàu thuyền tải trọng lớn, hiện đại, có khả năng hoạt động dài ngày trên biển; trang bị máy bay tuần thám, trực thăng cứu hộ cứu nạn, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại để giám sát tình hình mặt biển, tàu thuyền phương tiện hoạt động trên biển…
Nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của CSBVN nhằm bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn trên biển. Xây dựng cơ sở hạ tầng, cầu cảng, nơi neo đậu cho tàu thuyền của CSBVN; nơi neo đậu tạm giữ tàu thuyền, phương tiện vi phạm trên biển...
Xin trân trọng cảm ơn Cục trưởng!