Theo Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, hôm nay 5/11 Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các nội dung khác.
Khẳng định chức năng nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới
Theo Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh CSBVN, sau khi kết thúc kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khóa XIV, Bộ Tư lệnh CSB đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Pháp luật của QH, Văn phòng Chính phủ, Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) và các cơ quan liên quan tổng hợp nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH và các đoàn đại biểu QH để hoàn thiện dự thảo Luật CSB Việt Nam.
Góp ý vào Dự thảo Luật, các đại biểu QH cơ bản thống nhất về bố cục, nội dung của dự thảo, đồng thời tập trung góp ý một số vấn đề cần bổ sung, sửa đổi như: Vị trí, chức năng của CSBVN, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSBVN, nhiệm vụ của CSBVN…
Theo ông Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, đại biểu QH tỉnh Thừa Thiên - Huế, việc xây dựng Luật CSBVN dựa trên cơ sở cụ thể hóa các nghị quyết của BCH Trung ương Đảng.
Các đại biểu QH cũng cho rằng, việc qui định như dự thảo Luật CSBVN đảm bảo tính thống nhất với Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật biển Việt Nam năm 2012… đáp ứng yêu cầu về quản lý, bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới.
Thực tiễn 20 năm qua, CSBVN đã thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong quản lý, bảo vệ biển, đảo như: Thường xuyên hiện diện, tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia (điển hình như vụ HD 981 năm 2014). Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển trong đó bắt giữ, xử lý hàng nghìn vụ vi phạm về an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển Việt Nam. Tổ chức hàng trăm lượt tìm kiếm, cứu nạn hàng ngàn ngư dân trên biển. Bên cạnh đó CSBVN còn là đầu mối liên lạc thực hiện Hiệp định chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tại Châu Á (ReCAAP); Hiệp định hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ.
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa cũng cho rằng, hiện nay tình hình Biển Đông tiềm ẩn nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp khó lường liên quan đến chủ quyền, quyền chủ quyền và an ninh, trật tự, an toàn trên biển, có tác động trực tiếp đến vùng biển Việt Nam. CSBVN có vị trí, vai trò hết sức quan trọng và là một trong những lực lượng tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền an ninh trên biển, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trong tình hình mới.
Tham gia xử lý tình huống quốc phòng - an ninh
Theo Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh CSBVN, thực tiễn hiện nay, vùng biển Việt Nam tiếp giáp với nhiều nước, luôn có tính nhạy cảm, phức tạp, khó lường; còn nhiều vùng biển có tranh chấp, chồng lấn chưa được phân định. Tình hình Biển Đông diễn biến ngày một phức tạp, do yêu sách của các quốc gia trong khu vực; các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển thường xuyên xảy ra. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng hoạt động trên biển nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để xử lý nhanh chóng, hiệu quả, đúng đối sách, chủ trương của Đảng và nhà nước.
Trước thực tiễn trên, CSBVN luôn phải tổ chức lực lượng, phương tiện theo dõi, giám sát liên tục, để không bị động, không bị xâm phạm bất ngờ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; hoặc tổ chức bảo vệ hoạt động thăm dò, hạ đặt dàn khoan tại các lô dầu khí của Việt Nam.
20 năm qua, CSBVN đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh kết hợp giữa biện pháp pháp luật, ngoại giao, chính trị; thực hiện đúng đối sách đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán Việt Nam trên biển, phù hợp với pháp luật quốc tế, góp phần quan trọng trong xử trí các tình huồng quốc phòng - an ninh trên biển.
Dự thảo Luật CSBVN gồm 8 chương, 48 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của CSBVN; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với CSBVN...
Hôm nay Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận Luật CSBVN tại hội trường. Báo Tin tức sẽ cập nhật chi tiết về buổi thảo luận này.