Long An quyết liệt kiểm soát dịch COVID-19

Thực hiện nhiệm vụ kiểm soát được dịch COVID-19 trước ngày 1/9 theo Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6/8/2021 của Chính phủ, tỉnh Long An đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dù số ca mắc COVID-19 trong ngày còn cao, song nhìn tổng thể, tỉnh vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.

Quyết liệt phòng, chống dịch ở địa bàn có nguy cơ rất cao

Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là địa phương giáp với TP Hồ Chí Minh và là địa bàn có nhiều, khu, cụm công nghiệp. Ngay từ khi bùng phát dịch COVID-19, Đức Hòa là một trong những huyện có số ca mắc COVID-19 cao nhất tỉnh. Đến nay, huyện đã từng bước kiểm soát tình hình dịch bệnh và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Đức Hòa khẩn trương triển khai một số biện pháp cấp bách để thực hiện phong tỏa một số địa bàn trên các xã thuộc “vùng đỏ”. Huyện tập trung đẩy nhanh kế hoạch sàng lọc, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân. Công tác tiếp nhận và điều phối F0 vào các cơ sở thu dung, điều trị theo phân tầng được thực hiện kịp thời; tập trung toàn lực lượng tham gia công tác tiêm vaccine.

Đến nay, huyện đã hoàn thành kế hoạch tiêm vaccine đợt 1 và 2 cho 10 xã, thị trấn thuộc “vùng đỏ” và “vùng vàng”, đạt 100% kế hoạch. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tiêm đợt 3 cho 10 xã, thị trấn còn lại thuộc “vùng xanh”; kết quả đã tiêm được 36.531/55.880 liều được cấp, nâng số người trên toàn huyện được tiêm là 220.755 người/313.472 người (268.472 người trong cộng đồng và khoảng 45.000 công nhân) đạt 70,42% kế hoạch; trong đó, huyện đã tiêm mũi 2 được cho 3.112 người.

Ông Phan Nhân Duy, Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Đức Hòa cho biết, nhìn tổng thể, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn huyện thời gian gần đây đã có dấu hiệu tích cực và lạc quan hơn. Tính đến 18 giờ ngày 31/8 trên địa bàn có 9.667 ca mắc COVID-19. Cụ thể, từ sau ngày 10/8 đến nay, biểu đồ tình hình dịch bệnh đã có xu hướng đi ngang và giảm dần, số ca mắc dưới 300 ca/ngày; số bệnh nhân mắc COVID-19 được điều trị khỏi có xu hướng tăng.

Trong khi đó, Cần Đước cũng là huyện có số ca mắc COVID-19 cao. Từ khi TP Hồ Chí Minh bùng phát dịch, huyện Cần Đước đã chủ động các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn với kế hoạch ứng phó theo các cấp độ và tình huống dịch. Huyện chủ động xét nghiệm sàng lọc nhóm nguy cơ cao là những người buôn bán chợ Bình Điền, công nhân và người đi làm việc tại thành phố… Với biến chủng Delta, khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên từ chợ Bình Điền trong cộng đồng (ngày 1/7) chưa đầy 1 tháng sau, số ca nhiễm của huyện Cần Đước đã tăng vọt từ 1 con số lên trên 500 ca và được đánh giá là vùng nguy cơ rất cao với 8/17 xã “vùng đỏ”. 

Trước tình diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Cần Đước đã tập trung siết chặt việc kiểm soát thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch khác. Tính đến ngày 31/8, Cần Đước đã thực hiện cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho tất cả những người từ 18 tuổi trở lên với 135.864 người.

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cần Đước cho biết, huyện luôn phát huy cao trong toàn dân ý thức tham gia phòng, chống dịch. Cụ thể, huyện kêu gọi, phát động phong trào thi đua và cam kết thực hiện phòng, chống dịch tới từng hộ dân, người dân trên địa bàn; tăng tầng suất chuyên mục tuyên truyền phòng, chống dịch trên hệ truyền thanh từ huyện đến ấp, khu phố 5 lần trong ngày.

Từng xã, thị trấn đều tổ chức phương tiện truyền thông lưu động trên địa bàn; từng ấp, khu phố tổ chức tuyên truyền bằng loa tay, loa di động về tình hình dịch bệnh và khuyến cáo, kêu gọi người dân thực hiện biện pháp phòng, chống dịch cụ thể với tình hình của ấp, khu phố; công bố đường dây nóng tiếp nhận, xử lý, giải quyết kiến nghị phản ánh, của người dân…

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Cần Đước Huỳnh Văn Quang Hùng, với sự quyết liệt lãnh đạo theo tinh thần lấy xã, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp là “pháo đài”; người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch, công tác kiểm soát dịch trên địa bàn huyện đã đem lại hiệu quả.

Cụ thể, từ một huyện “vùng đỏ”, Cần Đước đã chuyển sang “vùng vàng” (từ 8 xã "vùng đỏ", nay chỉ còn một đơn vị “vùng cam”, 4 đơn vị “vùng vàng” và từ 9 xã "vùng xanh", đã tăng lên 12 xã). Đây là kết quả tích cực để Cần Đước tiếp tục phát huy sớm trở thành vùng bình thường mới, sớm khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh và hoạt động bình thường khác; đồng thời, sẵn sàng cho kịch bản vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.  

Thu hẹp “vùng đỏ”, lan tỏa “vùng xanh”

Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Long An, cho biết, đến nay, tình hình diễn biến dịch bệnh của địa phương có chuyển biến tích cực. Dù số ca mắc trong ngày còn cao, song nhìn tổng thể, tỉnh Long An vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh đúng theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Long An phải kiểm soát dịch bệnh trước ngày 1/9.

Tính đến 18 giờ 30 ngày 1/9, tỉnh Long An đã ghi nhận 23.812 ca, trong đó, 7.033 ca mắc trong cộng đồng, 1.762 ca trong khu cách ly, 14.468 ca trong khu phong tỏa; 33 ca nhập cảnh và điều trị khỏi 15.815 ca (chiếm tỉ lệ khoảng hơn  67% so với tổng số ca mắc). Về mức độ nguy cơ theo Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện toàn tỉnh có 4 huyện "vùng đỏ" (Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức, Tân An); 2 huyện "vùng cam" (Thủ Thừa, Châu Thành); 2 huyện "vùng vàng" (Tân Trụ, Cần Đước); 6 huyện "vùng xanh" (Đức Huệ và 5 huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười).

Về chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, đến nay tỉnh đã triển khai được 843.135 mũi tiêm, gồm 788.061 mũi 1 và 55.074 mũi 2. Đối với công tác an sinh xã hội, Long An đã hỗ trợ cho 390.036 người thuộc các nhóm đối tượng, với tổng kinh phí gần 235 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho 91.530 người với số tiền 125,6 tỷ đồng.

Đạt kết quả trên, tỉnh Long An đang nỗ lực, quyết tâm cao nhất cho nhiệm vụ phòng, chống dịch với tinh thần “Hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và khôi phục phát triển sản xuất bền vững trong dài hạn”. Nhiều giải pháp được triển khai một cách mạnh mẽ, quyết liệt với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự hỗ trợ nghĩa tình của các tỉnh,thành trong cả nước và cộng đồng doanh nghiệp.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Được, với quyết tâm khống chế, dập dịch “vùng đỏ”, bảo vệ “vùng xanh” và tiến tới đẩy lùi dịch bệnh, nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, tỉnh Long An đã, đang triển khai thực hiện đồng bộ, khá hiệu quả 3 mũi giáp công để phòng, chống dịch COVID-19. Cụ thể là xét nghiệm tầm soát, sàng lọc trong cộng đồng; thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho người dân.

Đây là các biện pháp mang tính hiệu quả, bền vững và quyết định trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường huy động tối đa nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ y, bác sĩ để tập trung cho công tác điều trị và tiêm vaccine. Với quyết tâm tiêm nhanh nhất, sớm nhất số vaccine được Bộ Y tế phân bổ, nhằm sớm trang bị cho người dân “áo giáp chống dịch”, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; qua đó, tỉnh cũng đảm bảo tỷ lệ bao phủ, tiến tới miễn dịch cộng đồng.

Song song đó, Long An khẩn trương xét nghiệm, truy vết, xét nghiệm, truy vết, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly, khoanh vùng, dập dịch hiệu quả; tăng cường huy động các nguồn vận động xã hội hóa, ủng hộ đóng góp cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, tuyên truyền kịp thời số điện thoại đường dây nóng cấp tỉnh, huyện, xã, thị trấn và tổ phản ứng nhanh, tổ giúp mua hàng giúp dân, tổ phân phối nhu yếu phẩm,... để người dân liên hệ khi cần thiết; đồng thời, thông tin đường dây nóng của Tổ tư vấn y tế các cấp để người dân biết, liên hệ tư vấn sức khỏe đảm bảo kịp thời.

Ngoài ra, đối với lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, Long An thực hiện quyết liệt các giải pháp để “xanh hóa vùng xanh”, chuyển “vùng vàng” thành “vùng xanh” và khoanh chặt, thu hẹp, triệt tiêu “vùng đỏ”. Theo đó, Long An đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine cho công nhân, người lao động để các doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Đối với việc lưu thông hàng hóa, tỉnh tiếp tục triển khai mô hình “vận tải xanh” với phương án linh hoạt, đảm bảo an toàn cho “vùng xanh”.

Tỉnh đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ, tích hợp hệ thống thông tin của doanh nghiệp vào hệ thống thông tin của Nhà nước để quản lý, phân tích, dự báo diễn biến tình hình dịch bệnh tại từng địa phương, từng doanh nghiệp. Từ đó, tỉnh Long An kịp thời đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, thiết thực, góp phần vừa bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, vừa không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bài và ảnh: Thanh Bình (TTXVN)
Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương tăng tốc tiêm vaccine
Bộ Y tế đề nghị TP Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương tăng tốc tiêm vaccine

Ngày 1/9, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An về việc sử dụng vaccine COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN