Ngày 12/10, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên phối hợp với chính quyền, nhân dân xã Mường Phăng, Ban quản lý Di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Tỉnh đoàn Điện Biên tổ chức lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (đứng, bên phải) trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Ngay từ sáng sớm, từng dòng người tại các bản làng trên địa bàn xã, người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên và các đoàn khách từ các tỉnh lân cận như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu... lên Điện Biên từ nhiều ngày trước đã vượt hàng chục km từ nơi lưu trú đổ về Mường Phăng dự lễ viếng Đại tướng.
Hơn 6h, khoảng sân của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ đã bị lấp đầy bởi những dòng người trong và ngoài tỉnh Điện Biên tìm về. Hai bên hành lang đường dẫn đến cổng Sở Chỉ huy chiến dịch, các loại phương tiện đổ về đã nêm cứng, người dân địa phương đã phải dỡ bỏ hàng rào vườn, ruộng lúa để nhường không gian cho khách để xe máy, ô tô.
Đúng 7 giờ 30 phút, Lễ viếng Đại tướng trong không khí trang nghiêm, thành kính đã diễn ra trong chính Nhà chờ của Khuôn viên Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Lần lượt, từng dòng người đã nối nhau vào viếng Đại tướng trong không khí trang nghiêm, thành kính và lòng biết ơn sâu sắc. Rất nhiều người không kìm nén được nước mắt đã khóc trước ban thờ Đại tướng. Đặc biệt, có nhiều cụ già gần 100 tuổi cũng tìm về Sở Chỉ huy chiến dịch để viếng Đại tướng trước khi Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng. Rất đông học sinh dân tộc Thái cầm hoa, mang di ảnh Đại tướng trước ngực tới viếng Đại tướng.
Tại đây, khách viếng Đại tướng được xem những thước phim tư liệu kể về cuộc đời và những trận chiến hiển hách, tô thắm trang sử vàng hào hùng của dân tộc Việt Nam . Sau khi viếng, cán bộ, đoàn viên, người dân đã ghi vào sổ tang những dòng chữ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao to lớn của Đại tướng cũng như niềm tiếc thương trước sự ra đi của người.
Trong sổ tang viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam , anh Lò Văn Phương, Bí thư Huyện uỷ huyện Điện Biên hứa với Đại tướng: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên vô cùng đau xót trước sự ra đi của Đại tướng. Chúng cháu nguyện đoàn kết, phấn đấu xây dựng mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng trở thành phên giậu vững chắc trên mảnh đất biên cương của Tổ quốc; để mãi xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của Đại tướng”.
Vượt qua hàng trăm km đến với Điện Biên để mong muốn có mặt trong lễ viếng Đại tướng, chị Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La không giấu được xúc động: “Hôm nay, tôi và mọi người trong đoàn rất may mắn khi được đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trên chính mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Tôi thật sự xúc động trước sự cống hiến lớn lao của Đại tướng. Từ trong sâu thẳm tình cảm của mình, tôi thành tâm kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng. Bản thân tôi nguyện hứa với Đại tướng là sẽ cố gắng phấn đấu công tác để xứng đáng với sự hi sinh lớn lao của người”.
Ngay sau khi viếng Đại tướng, các đoàn người đã cùng đi sâu vào “rừng Đại tướng” thăm lại hệ thống lán, hầm, đường hầm công sự của Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi cách đây 59 năm, Đại tướng cùng các lực lượng đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Như một sự tri ân, tưởng nhớ, lán ở và làm việc của Đại tướng là địa điểm thu hút lượng lớn người dân đổ về đây.
Dưới chân bậc tam cấp dẫn lên Lán Đại tướng, bác Lường Văn Nanh (84 tuổi, cựu chiến binh) ở bản Phăng 2, xã Mường Phăng bùi ngùi: “Hầm Đại tướng không chỉ là niềm tự hào của nhân dân xã Mường Phăng mà là của cả dân tộc Việt Nam . Nhân dân Mường Phăng chúng tôi vô cùng biết ơn Đại tướng, coi Đại tướng như là một người cha, người anh, người chú của mình. Hôm nay, chúng tôi vô cùng xúc động và tiếc thương khi phải chấp nhận một sự thật đau lòng, một niềm mất mát quá lớn là phải tiễn biệt Đại tướng”.
Là xã vùng ngoài của huyện Điện Biên, nằm về phía Đông Bắc, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40 km, Mường Phăng từ lâu không còn xa lạ với người dân Việt Nam mà đã vượt qua giới hạn địa lý trở nên gần gũi với bạn bè quốc tế. Chính tại vùng đất này cách đây 59 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cho xây dựng Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, cơ quan đầu não của quân đội ta dưới chân núi Pú Đồn để chỉ đạo chiến dịch và làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954.
Kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã xem Mường Phăng như quê hương thứ hai của mình và luôn dành sự quan tâm, chăm lo đến Mường Phăng. Với người dân các dân tộc trên địa bàn xã Mường Phăng, Đại tướng trở thành người ông, người cha, người anh của mọi người. Những tên gọi như “trường Đại tướng”, “hồ Đại tướng”, “hầm Đại tướng”…mà người dân các bản, làng quen gọi thân mật các địa danh trên địa bàn đã thể hiện sự thân mật, gần gũi và kính trọng Đại tướng. Lễ viếng Đại tướng được tổ chức tại địa bàn là dịp để chính quyền, đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung, xã Mường Phăng nói riêng tỏ lòng thành kính, sự tri ân và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Xuân Tiến