Hà Nội viếng Đại tướng

Tôi những tưởng sẽ gặp một Hà Nội ủ ê, một Hà Nội nhiều nước mắt. Nhưng sáng 12/10, Hà Nội lại đẹp như một ngày kỷ niệm Quốc khánh mọi năm. Nắng rất vàng. Người ra đường rất đông. Cuộc sống rất thường nhật.

Có đám cưới của nhà nọ, có lễ khai trương của nhà kia, có cuộc triển lãm l du lịch làng nghề vẫn đang diễn ra ở sân thể thao Quần Ngựa. Những cặp vợ chồng đèo nhau ra phố, những gia đình bố mẹ vừa kịp đón con ở lớp học thêm về. Có cả một gia đình đang ăn bữa cơm trưa chuẩn bị cho lễ tang chiều của người thân trên phố Thụy Khuê...


Hà Nội đã qua giây phút đau thương rồi sao? Người ta đã có thể bình thường trở lại?

Không phải vậy, triệu người con Hà Nội sẽ nói thế. Cuộc sống vẫn phải tiếp diễn, nhưng những gì đã đến, đã làm lay động trái tim thì vẫn sẽ là điều không thể mất đi. Những lá cờ rủ treo dọc con phố Kim Mã Thượng, của những gia đình người dân, và không ai trong số đó treo vì "quy định". Tất cả hoàn toàn tự nguyện, nên có đôi chút lộn xộn nhưng là chân thành. Có nhà đã kịp chạy lên phố Hàng Bông, mua một dải lụa đen để buộc lên lá cờ Tổ quốc, nhưng cũng có những gia đình chỉ đơn giản là dùng một sợi dây buộc lá cờ lại, để cờ rủ để tang Đại tướng. Quan trọng không phải là hình thức nào, quan trọng là cái tình cảm chứa chan trong đó, nên nhìn vào cứ thấy rưng rưng...

Sáng 12/10/2013, rất đông người dân Thủ đô tập trung tại khu vực vườn hoa Pasteur, trước Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), để xem truyền hình trực tiếp Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN


Tim tôi rất đau, khi đi qua ngôi nhà 30 phố Hoàng Diệu. Cái vẻ thanh bình của con phố nhiều cây và tĩnh lặng bậc nhất Hà Nội đã trở lại rồi. Đôi chiếc lá vàng rơi. Gió rất dịu, nắng cũng dịu. Và đầu phố Hoàng Diệu- Điện Biên Phủ, một bóng cây lá đã kịp đổi màu đỏ rực tự bao giờ. Nhân dân bảo, giống như một trái tim thổn thức vì giấc ngủ ngàn thu của vị "Đại tướng của nhân dân".


Không có những hàng người dài lặng lẽ xếp hàng, chỉ là một nhóm thôi, rất lặng. Một người đàn ông trung niên lặng lẽ níu lấy hàng rào, kiễng chân ngó vào bên trong, lặng lẽ suốt cả giờ đồng hồ. Những cô bé sinh viên, đã thay chiếc áo xanh tình nguyện bằng chiếc áo đen, đứng và nhìn chăm chăm vào phía trong. Những em bé được bố mẹ dẫn tới đây, rủ rỉ kể cho câu chuyện về cuộc đời của Đại tướng. Và những người nước ngoài, cũng tựa mình vào cánh cổng nhà Đại tướng, ngó vào phía bên trong...

Căn nhà số 30 giờ cũng lặng lẽ rồi, nắng rơi vàng thềm, và hoa xếp thành hàng trên dọc đường, sạch sẽ, tinh tươm, ngày mai sẽ đón Đại tướng về qua nhà trước khi bước vào hành trình trở về với quê hương Quảng Bình. Một chiếc xe của truyền hình Việt Nam đã đậu sẵn trong sân, phía cổng sau, chuẩn bị cho lễ truyền hình trực tiếp. Tất cả, chỉ là chuẩn bị, và tất cả, chờ giây phút ngày mai tiễn Người...


Lăng Bác Hồ vẫn tràn ngập nắng, những chiến sĩ cảnh vệ đang nghiêm trang thay ca, những bước chân bước đều vẫn đầy vững vàng. Ở những chốt gác, những chiến sĩ cảnh vệ trẻ vẫn đang trong giờ làm việc, họ sẽ từ đây bái vọng về vị tướng của mình... Ngày mai, xe tang cũng sẽ qua đây, Bác Giáp sẽ qua chào Bác Hồ, chào người Thày vĩ đại, để trở về khúc ruột miền Trung nơi ấy.

Tôi đi trên đường Hà Nội nhiều nắng và nhớ tới Quảng Bình đã tạnh mưa, sau những ngày tầm tã. Cơn bão đang đổ vào miền Trung, nhưng những con đường xẻ núi để ngày mai xe tang Đại tướng đi qua và nơi đặt di quan của Đại tướng... tất cả đều đã sẵn sàng. Nhìn sức dân, lại nhớ tới những ngày Điện Biên năm xưa, khi cũng vì sự đồng lòng với quyết tâm của Đại tướng, mà "những chị, những anh" đã xẻ núi, băng rừng để đưa pháo ra chiến trường đúng hẹn, đem lại thắng lợi lẫy lừng Điện Biên Phủ 1975.

Hà Nội đang sống những ngày cuối cùng với Người. Hà Nội nắng nhưng nhiều màu áo đã đổi sang đen. Nhiều trang mạng, trang báo cũng đã đổi màu để tưởng niệm. Nơi góc đường, những chiến sĩ công an ăn vội chiếc bánh mì và chai nước, không ai rời vị trí...

Thế nên không phải vì Hà Nội lại bắt đầu hối hả, mà nghĩ Hà Nội không đau. Nơi phía trái của ngực áo mỗi người, dường như đã cài một chiếc băng tang đen vô hình, để tưởng nhớ Người và để tự nhắc nhở mình về những điều cao đẹp!


P.V

Các đoàn đại biểu cấp cao viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Các đoàn đại biểu cấp cao viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ngày 12/10/2013, Lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử hành trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN