Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia, đại diện cộng đồng Việt kiều, các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Campuchia và lưu học sinh.
Sau khi đọc tóm tắt thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về lễ tang nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, trong không khí đau buồn và tiếc thương, Đại sứ Vũ Quang Minh cùng các đại biểu đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Trong bài phát biểu tại lễ viếng, Đại sứ Vũ Quang Minh nhấn mạnh đối với địa bàn Campuchia và quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam và Campuchia, Đại tướng Lê Đức Anh có nhiều đóng góp trực tiếp to lớn. Từ năm 1976-1980, Đại tướng Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu 9; Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, kiêm Chỉ huy trưởng Cơ quan tiền phương của Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980.
Từ năm 1981-1986, ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; được Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V bầu vào Bộ Chính trị (năm 1982); được thăng quân hàm Đại tướng năm 1984; được giao giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam năm 1986. Đại tướng Lê Đức Anh cũng đảm nhận vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trong thời điểm lịch sử quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia năm 1989.
Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin đã dẫn đầu Đoàn Ủy ban Thường vụ Quốc hội Campuchia đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Thay mặt Quốc hội Campuchia và nhân danh cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất đến Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về sự ra đi của Đại tướng; nhấn mạnh sự ra đi của Đại tướng là sự mất mát một lãnh đạo, một nhân sĩ tài ba của nhân dân Việt Nam.
Trong lời chia buồn ghi vào Sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Samdech Heng Samrin xúc động viết: “Đại tướng Lê Đức Anh là một người bạn gần gũi thân thiết của Campuchia, đã góp phần to lớn giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot, giúp đỡ khôi phục, xây dựng và hồi sinh phát triển đất nước Campuchia. Cầu mong linh hồn Đại tướng siêu thoát nơi miền cực lạc”.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Hoàng cung Campuchia Kong Samol cũng đã đến viếng và trao thư chia buồn của Quốc vương Campuchia về sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh.
Tham dự lễ viếng còn có Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum - dẫn đầu đoàn Thượng viện và Đảng Nhân dân Campuchia; Phó Thủ tướng Campuchia kiêm Chủ tịch Hội đồng Khôi phục và Phát triển lĩnh vực Nông nghiệp và Nông thôn Vương quốc Campuchia Yim Chhay Ly…, cùng nhiều đoàn thể, cơ quan ban ngành Campuchia và đại diện Đại sứ quán các nước tại Phnom Penh.
Cũng trong sáng 3/5, đoàn Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia do Đại biện Michael Newbill dẫn đầu đã đến viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Lời chia buồn của Đại biện Michael Newbill có đoạn viết: “Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia xin gửi tới Nhân dân Việt Nam lời chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, người đã có cống hiến đặc biệt cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tạo nền móng cho mối quan hệ đối tác và hữu nghị mà chúng ta có được tới ngày hôm nay”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia treo cờ rủ, tổ chức lễ viếng và mở Sổ tang tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trong hai ngày 3 - 4/5, buổi sáng từ 9 tới 11h, buổi chiều từ 14h30 đến 17h.