Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên

ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 1/1/1997, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái lập.

Ngày 27/12, tại thành phố Thái Nguyên, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên (01/01/1997 - 01/01/2017), tổng kết thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ, tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2016, phát động phong trào thi đua năm 2017.

Dự lễ kỷ niệm có đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Thu Hằng/TTXVN

Diễn văn kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên trình bày đã ôn lại lịch sử thành lập tỉnh Thái Nguyên. Ngày 4/11/1831, tỉnh Thái Nguyên được thành lập, đến năm 1901, Toàn quyền Đông Dương có Nghị định về điều chỉnh địa giới, cắt một phần diện tích đất của Phú Lương (Thái Nguyên) về Bạch Thông (Bắc Kạn). 

Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 1/1/1997, tỉnh Thái Nguyên chính thức được tái lập.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước đã chúc mừng những thành tựu tỉnh Thái Nguyên đạt được trong 20 năm tái lập tỉnh. Đồng chí đề nghị tỉnh Thái Nguyên cần xây dựng chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phù hợp để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững dựa trên tiềm năng, lợi thế đã có; chú trọng khơi dậy nguồn vốn trong tỉnh với các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân trong nước, trong tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh;

Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống chính trị và tầng lớp nhân dân; tập trung xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó làm tốt công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”. Củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Sự kiện 20 năm tái lập tỉnh là một mốc son đáng nhớ, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên. Sau 4 kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa XV, XVI, XVII, XVIII và 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên ước đạt 15,2%. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh từ 2,5 triệu đồng năm 1997 đã tăng lên 52 triệu đồng năm 2016. Thu ngân sách năm 1997 là hơn 200 tỷ đồng và năm 2016 là 8.500 tỷ đồng. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, vững mạnh về mọi mặt. Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên hiện có 19 đảng bộ trực thuộc với 721 tổ chức cơ sở đảng, trên 86.000 đảng viên, tăng gấp gần 2 lần số lượng đảng viên so với năm 1997.

Tại Lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho 03 tập thể và 02 cá nhân; trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho 12 cá nhân; trao Huân chương Lao động hạng Ba cho 9 cá nhân; truy tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho 1 cá nhân và truy tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 1 cá nhân.

Cũng tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 28 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực công tác; trao tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho 2 cá nhân. Ngoài ra, tỉnh Thái Nguyên cũng đã trao tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước.

Hoàng Nguyên (TTXVN)
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm người dân vùng lũ Quảng Ngãi
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm người dân vùng lũ Quảng Ngãi

Sáng 20/12, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm và tặng quà cho đồng bào bị thiên tai tại tỉnh Quảng Ngãi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN