Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam với nhân dân Vĩnh Phúc là một tặng phẩm tinh thần quý giá của tình cảm Bắc Nam, của đạo lý nghĩa tình mà dân tộc ngàn đời lưu giữ như báu vật và phát huy qua mọi thời kỳ phát triển.
Gần 65 năm trước, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, với tầm nhìn sáng suốt, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã chủ trương thành lập các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc để chuẩn bị đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là xây dựng lại miền Nam khi nước nhà hòa bình, thống nhất.
Từ chủ trương đúng đắn đó, những con em miền Nam ra miền Bắc ở nhiều thời kỳ khác nhau và bằng nhiều con đường khác nhau, tổng số học sinh miền Nam trên đất Bắc từ năm 1954-1975 với hơn 32.000 người sống và học tập trong hệ thống hàng chục trường miền Nam nội trú đóng trên nhiều tỉnh, thành miền Bắc.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh của miền Bắc có trường học sinh miền Nam trú đóng trong 7 năm với khoảng 4.000 học sinh. Trong thời kỳ gian khó khăn, học sinh là con em người dân miền Nam đã được người dân Vĩnh Phúc chăm sóc, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ với tình cảm yêu thương như con em của mình…
Sau những năm tháng học tập ở miền Bắc nhiều học sinh đã trở về miền Nam công tác, lao động, cống hiến to lớn cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, góp sức xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp. Nhiều người đã trở thành tướng lĩnh, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước...
Từ những kỷ niệm, dấu ấn tươi đẹp đọng lại trong tâm trí, ký ức của những người con đồng bào miền Nam đã từng sinh sống, học tập trên đất miền Bắc, trong đó có Vĩnh Phú xưa, nay là Vĩnh Phúc, Ban Liên lạc học sinh miền Nam Vĩnh Phúc đã tổ chức sáng tác và thi công tại Thành phố Hồ Chí Minh biểu tượng tri ân của học sinh miền Nam với nhân dân Vĩnh Phúc theo đúng mẫu đã được UBND tỉnh phê duyệt. Việc làm này còn thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta…
Biểu tượng bằng chất liệu đá hoa cương của vùng Bửu Long (thành phố Biên Hòa), cao 3,5 m, nặng 15 tấn. Tác giả của biểu tượng này là điêu khắc gia Nguyễn Thành Thi - một cựu học sinh miền Nam Vĩnh Phú.
Biểu tượng mang tên “Lòng Mẹ” được sáng tác trên cảm hứng từ hình ảnh của hai người mẹ miền Bắc và miền Nam ôm những đứa con miền Nam bé bỏng trên vai mình; trong lòng mẹ là hạt giống thế hệ tương lai được ươm mầm trên những trang sách và trên bệ đỡ của hai tấm lá (lá cọ Vĩnh Phú và lá sen Nam Bộ) thể hiện cách điệu. Hình tượng và ngôn ngữ thể hiện tình nghĩa Bắc Nam gắn bó keo sơn và tình người nhân ái.
Trong ngày, Bảo tàng Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng những học sinh miền Nam, học viên Trường đào tạo cán bộ An ninh miền Nam E 1171 Triển lãm ”Học sinh miền Nam Vĩnh Phú 50 năm ký ức và nghĩa tình” với hơn 250 bức ảnh và hiện vật lưu giữ từ 50 năm qua…