Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều lần thứ 154

Ngày 27/12, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp (ở xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười), UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Lễ giỗ Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều lần thứ 154 và khánh thành tượng Thiên hộ Võ Duy Dương.

Chú thích ảnh
 Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thắp hương tại Lễ giỗ hai vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều.

Phát biểu tại lễ giỗ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Ngọc Thương nhấn mạnh: Hai vị Anh hùng dân tộc Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã chọn địa thế hẻo lánh hiểm trở của Gò Tháp thuộc vùng Đồng Tháp Mười để xây dựng căn cứ lãnh đạo nghĩa quân kháng Pháp. Lực lượng nghĩa quân dưới sự chỉ huy của hai ông đã làm dậy sóng vùng Đồng Tháp Mười huyền thoại, khiến giặc Pháp bao phen khiếp vía.

Tháng 4 năm 1866, sau 10 ngày kiên cường chiến đấu trước sức mạnh tấn công áp đảo của giặc Pháp, đại đồn Tháp Mười bị vỡ, Thiên hộ Dương ra lệnh rút lui về biên giới và Cái Thia (Cái Bè) để bảo toàn lực lượng. Đốc binh Kiều cũng bị trọng thương trong trận quyết chiến bảo vệ đại đồn. Sau khi đại đồn Tháp Mười thất thủ, ông uất lên mà chết và được nhân dân chôn cất tại Gò Tháp. Tháng 11, trên đường vượt biển về Kinh, Thiên hộ Võ Duy Dương đã bất ngờ tử nạn ở cửa biển Thần Mẫu (Cần Giờ).

Chú thích ảnh
Nhân dân đến thắp hương tưởng niệm hai vị Anh hùng dân tộc lập Bảng danh chống Pháp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Nhân dân Tháp Mười - Đồng Tháp nói riêng, nhân dân cả nước nói chung mãi mãi ghi tạc công trạng của hai vị Anh hùng, đã lập miếu, xây đền, dựng tượng thờ hai cụ tại nơi đặt bản doanh năm xưa. Tên tuổi và sự nghiệp kháng chiến, cứu nước của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã đi vào lịch sử dân tộc, viết nên những trang sử hào hùng của nhân dân vùng Đồng Tháp Mười, gắn liền với những tên đất, tên làng, trường học, đường phố khắp cả nước.

Lễ giỗ lần thứ 154 được tổ chức theo nghi thức tín ngưỡng văn hóa dân gian truyền thống. Chương trình Lễ giỗ gồm phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ gồm: Thỉnh sắc thần, cúng cầu an tại đền thờ Đốc binh Kiều và Thiên hộ Dương; cúng cơm chay các ngôi thờ tự… Phần hội có các hoạt động như: Triển lãm ảnh nghệ thuật về Sen, di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, làng nghề, quê hương Đồng Tháp; biểu diễn võ thuật, biểu diễn thể dục dưỡng sinh…

Chú thích ảnh
Nhân dân đến với lễ giỗ hai vị Anh hùng dân tộc lập bảng danh chống Pháp ở vùng Đồng Tháp Mười.

Lễ giỗ nhằm thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với công lao của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau cũng như phát huy giá trị lịch sử, văn hóa di tích Quốc gia đặc biệt gắn với phát triển du lịch, giới thiệu bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương, con người, thiên nhiên và các sản phẩm đặc trưng đất Sen hồng đến du khách.

Nhân dịp này, tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp tổ chức khánh thành tượng Thiên hộ Võ Duy Dương. Tượng được đặt trên diện tích khu đất sân Đền rộng 700 m2, toàn bộ thân tượng được đúc bằng đồng, cao 3,8 mét, ngang 1,8 mét, dày 1,2 mét; trọng lượng đồng sử dụng hơn 3,5 tấn.

Chú thích ảnh
Tượng Thiên hộ Võ Duy Dương tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

Lễ giỗ lần thứ 154 của Thiên hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 27 - 29/12/2020 (nhằm ngày 14 - 16 tháng 11 năm Canh Tý) tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Gò Tháp.

Tin, ảnh: Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Lễ Giỗ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lễ Giỗ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 11/12, tại Khu Di tích Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ lần thứ 91 cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN