Lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hoàn thành công việc của công chức​

Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hoàn thành công việc của công chức. Đồng thời lấy đó làm cơ sở để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức thành phố theo Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế đặc thù.

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị triển khai công tác cải cách hành chính năm 2019 do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức, chiều 19/2.

Chú thích ảnh
Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

Hồ sơ trễ hẹn còn cao

Tại hội nghị, ông Huỳnh Công Hùng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2018, tổng số dịch vụ công trực tuyến là 767 dịch vụ, tổng số hồ sơ nộp trực tuyến và trực tiếp đối với các dịch vụ có triển khai dịch vụ công trực tuyến là 852.023 hồ sơ.

Có 100% các văn bản chính thức được trao đổi giữa các cơ quan nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử kết hợp với chữ ký số với hơn 3,6 triệu văn bản. Thành phố đã phát động đợt thi đua cao điểm về cải cách hành chính. Qua đó có 572 sáng kiến, giải pháp của 399 địa phương, cơ quan, đơn vị đăng ký.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thành phố còn một số hạn chế như: Một số cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa có sự quan tâm đúng mức công tác cải cách hành chính, chưa xử lý triệt để hạn chế, thiếu sót, vi phạm của công chức, viên chức, giải quyết hồ sơ bị trễ hạn.

Số hồ sơ trễ hạn còn cao, gây bức xúc cho người dân, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, lý lịch tư pháp. Trách nhiệm giải trình của cơ quan, người đứng đầu đối với các kiến nghị chưa được quan tâm kịp thời và đúng mức, tiến độ xử lý đơn khiếu nại, tố cáo còn chậm.

Đánh giá về kết quả cải cách hành chính trong năm 2018, bên cạnh ghi nhận một số kết quả đã đạt được, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng chỉ rõ nhiều tồn tại cần khắc phục như: Văn phòng UBND Thành phố chưa đăng ký thời gian xử lý, giải quyết hồ sơ, hiện chỉ có 1/3 quận, huyện có hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân qua mạng.

Việc ghi nhận sự hài lòng của người dân thực hiện chưa đều, chưa chuẩn hóa các mức độ đánh giá, chỉ số cải cách cạnh tranh còn chậm, nhiều mô hình về cải cách hành chính chưa phát huy hết.

Cải cách triệt để và tăng tốc

Chú thích ảnh
Bí thư Thành ủy TP Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân và các đại biểu chứng kiến lễ ký kết thi đua về cải cách hành chính trong năm 2019. 

Gợi mở các giải pháp trong năm 2019, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng 2019 là năm thực hiện đột phá về cải cách hành chính nên Thành phố phải làm triệt để, đồng bộ, tăng tốc.

Văn phòng UBND Thành phố phải vào cuộc, đưa ra thời hạn giải quyết hồ sơ đối với một số chỉ tiêu. Cùng với đó là triển khai việc đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cấp quận huyện, phường, xã, đồng thời triển khai đồng bộ hệ thống tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân, kết nối trực tuyến giữa UBND phường, xã với quận huyện, nâng tỷ lệ dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 từ 21% lên 30 - 40% trên toàn Thành phố.

“Đột phá cải cách hành chính phải thực hiện một cách sâu sắc, đụng chạm đến con tim của công chức và người dân. Xem sự hài lòng người dân, doanh nghiệp là thước đo công việc, là cơ sở trả thu nhập tăng thêm. Ngoài ra, cần nghiên cứu mở rộng dịch vụ cho người dân qua mạng, từ việc tra cứu quy hoạch cho đến tra cứu dữ liệu dân cư, doanh nghiệp, bản đồ số”, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố sẽ mời gọi, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp góp ý, tương tác 24/24 với chính quyền; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng khung đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu.

Đặc biệt, Thành phố sẽ tổ chức xin lỗi người dân để hồ sơ trễ hẹn, nói không với thái độ vô trách nhiệm, sợ trách nhiệm đồng thời kiên quyết xử lý cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tiêu cực.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, năm 2019, Thành phố triển khai nhiều giải pháp gắn với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, cơ chế phân cấp, ủy quyền và thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm động lực thúc đẩy.

Về chỉ tiêu cụ thể, Thành phố phấn đấu đưa tỷ lệ từ 30 - 40% số thủ tục hành chính đủ yêu cầu, điều kiện vào cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; phấn đấu chỉ số cải cách hành chính của thành phố trong nhóm 7 địa phương dẫn đầu cả nước.

Thành phố cũng phấn đấu đạt từ 30% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức độ 4; trên 80% ý kiến hài lòng khi thực hiện khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh, năm 2019, Thành phố sẽ tập trung triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo kiến trúc chính quyền điện tử, triển khai kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, đồng thời triển khai cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử.

Chia sẻ mô hình “Ki-ốt khảo sát về sự không hài lòng của người bệnh”, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố cho biết, qua hơn 1 năm triển khai, mô hình này đã góp phần không nhỏ trong hoạt động cải tiến chất lượng tại các cơ sở khám, chữa bệnh, làm chuyển đổi nhận thức của cán bộ, công chức đang làm công tác quản lý bệnh viện. Đây là công cụ thiết thực giúp các bệnh viện chủ động nắm bắt ý kiến phản ánh của người bệnh, thân nhân, từ đó chủ động tìm nguyên nhân, có giải pháp thích hợp.

Mô hình “Ki-ốt khảo sát về sự không hài lòng của người bệnh” được triển khai với màn hình chạm, lắp đặt tại khoa khám bệnh của 53 bệnh viện công lập trực thuộc với 15 nội dung mà bất cứ người bệnh nào khi đến khám bệnh đều trải qua từ khâu gửi xe, sử dụng nhà vệ sinh, cách giao tiếp ứng xử của nhân viên y tế cho đến đăng ký khám, làm xét nghiệm, mua thuốc.

Nếu người bệnh cảm thấy không hài lòng nội dung nào chỉ cần chạm vào nội dung đó trên màn hình, ngay lập tức ý kiến không hài lòng của người bệnh sẽ được chuyển tải về phòng Quản lý chất lượng của bệnh viện và Sở Y tế. Từ đó các bệnh viện chủ động tìm nguyên nhân để cải tiến.

Tin, ảnh: Trần Xuân Tình (TTXVN)
Thủ tướng: Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả chính sách
Thủ tướng: Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo hiệu quả chính sách

Nhân dịp Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn báo The Straits Times (Singapore) về hoạch định chính sách, lập trường của Việt Nam đối với chủ nghĩa bảo hộ, vấn đề cấp thiết của ASEAN và những biện pháp phát triển nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN