Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn |
Thưa ông, ông nhận xét như thế nào về kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2014?
Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) 2014 cho thấy, về cơ bản, công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành địa phương được tiến hành quyết liệt và nhiều cố gắng. Đặc biệt, với 8 lĩnh vực xem xét các tiêu chí đánh giá về Chỉ số cải cách hành chính, các địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện các nội dung cải cách hành chính, nhất là các nội dung liên quan đến nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức; việc triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông để đảm bảo xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Thứ hai, Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 được xác định có liên quan và gắn bó chặt chẽ với cải cách chế độ công vụ, công chức; các nội dung liên quan đến cải cách công vụ, công chức như: Xác định vị trí việc làm, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức, cũng như nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cán bộ, công chức; tổ chức thí điểm đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, thí điểm thi tuyển lãnh đạo quản lý… Đó là những nội dung ảnh hưởng nhiều đến việc xác định Chỉ số cải cách hành chính ở các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, việc điều tra xã hội học năm nay được tiến hành khách quan, chính xác, cụ thể hơn, thông qua đó đánh giá được Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương chính xác hơn.
Theo ông, vì sao giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ năm 2014 lại thấp hơn năm 2013, phải chăng cải cách hành chính ngày càng khó hay các chỉ số thành phần đã được đánh giá sát hơn?
Điểm số trung bình Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành so với năm 2012 cao hơn nhưng so với 2013 có phần chững lại và thấp, điều đó có thể do ảnh hưởng của việc triển khai xác định vị trí việc làm, hoàn thiện hệ thống chức danh công chức, viên chức, cũng có thể chịu ảnh hưởng của việc xác định mức độ hài lòng của người dân thông qua điều tra xã hội học. Đối với các bộ, ngành, điều tra xã hội học chiếm 40/100 điểm, trong khi, ở các địa phương, mức độ đánh giá thấp hơn, chiếm 38/100. Điều này cho thấy: Yêu cầu đối với các hoạt động tham mưu, hoạch định chính sách, triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng dưới góc độ quản lý nhà nước của các bộ, ngành cũng có khó khăn hơn. Vì vậy, việc đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành chặt chẽ hơn. Các địa phương tập trung chủ yếu vào triển khai mô hình một cửa, một cửa liên thông hoặc đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, mức độ hài lòng của người dân qua việc triển khai cơ chế một cửa cao hơn bởi thông qua đó có thể kiểm soát được hoạt động công vụ của công chức, thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cơ quan hành chính được cải thiện hơn rất nhiều. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến giá trị trung bình Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ thấp so với năm trước.
Qua xếp hạng Chỉ số, theo ông, những vấn đề nào các bộ, ngành, địa phương cần cải thiện hơn nữa trong thời gian tới?
Qua việc xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, việc xây dựng thể chế, xây dựng các quy định phục vụ cho công tác quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực của bộ, ngành là vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó là việc ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Tiếp theo là việc tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Đây là những vấn đề các bộ, ngành cần quan tâm trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, đối với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục - Đào tạo, để có được sự hài lòng của người dân qua điều tra xã hội học là cực kỳ khó khăn, mỗi bộ, mỗi địa phương có đặc thù riêng, cần lập tổ chuyên trách để đánh giá sát thực tiễn, điều kiện, hoàn cảnh. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Xác định Chỉ số cải cách hành chính phải dựa trên các nội dung cải cách hành chính, các nội dung này phải được triển khai đều khắp các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, mỗi bộ, ngành, địa phương có tính đặc thù riêng, điều kiện cụ thể riêng. Khi đánh giá có tính đến những yếu tố liên quan đến đặc thù, đặc điểm riêng của từng ngành, từng địa phương, sẽ đảm bảo khách quan và công bằng. Tuy nhiên, dù có phân nhóm nhưng vẫn phải có một khung thống nhất, các bộ, ngành, địa phương vẫn phải thực hiện chung các nội dung cải cách hành chính theo chỉ đạo thống nhất của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2015, Bộ Nội vụ đổi mới các tiêu chí đánh giá như thế nào đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác?
Qua các ý kiến đóng góp, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các tiêu chí và hoàn thiện phương pháp để xác định bộ Chỉ số tốt hơn. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, bộ triển khai đánh giá mức độ hài lòng của người dân, trong quá trình hoạt động của các cơ quan hành chính. Đây là tiêu chí góp phần cải cách hành chính. Bởi vì, cải cách hành chính dù có được tiến hành trên tất cả nội dung, từ thể chế cho đến tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa nền hành chính, cải cách tài chính công…, yếu tố con người vẫn giữ vai trò quan trọng và hoạt động của đội ngũ công chức trong quá trình phục vụ phải được người dân, tổ chức, doanh nghiệp hài lòng, như vậy mới thể hiện cải cách hành chính tốt. Do đó, thời gian tới, tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính trong quá trình phục vụ là một trong những nội dung khi xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!