Chưa nên bàn đến?
Từ trước đến nay, việc thành lập khu “phố đèn đỏ”, hay nói cách khác là hợp pháp hóa mại dâm có hai luồng quan điểm trái ngược: Một bên ủng hộ, bên kia kịch liệt phản đối. Quan điểm nào cũng đều có những lý lẽ riêng.
Khu "phố đèn đỏ" Sow Cowboi ở Bangkok, Thái Lan. |
Bên ủng hộ cho rằng, cần lập “phố đèn đỏ” để đáp ứng nhu cầu bản năng của con người, nhất là người cô đơn. Thực tế, mô hình này đã diễn ra tại các nước như Thái Lan, Hà Lan… và thể hiện được một số hiệu quả nhất định: Thứ nhất, giúp giải tỏa nhu cầu tình dục. Thứ hai, bảo vệ những người bán dâm, giúp họ tránh bị đối xử bạo lực từ hoạt động chăn dắt mại dâm của các “tú ông, tú bà”. Thứ ba, giảm bớt những hệ lụy xã hội khác như bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Phía bên phản đối cũng có lý riêng. Họ cho rằng, với văn hóa của người Á Đông, nhất là văn hóa Việt Nam, thì chuyện lập “phố đèn đỏ” là không nên vì nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Tuy vậy, trước việc Việt Nam có thể lập những đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà gọi nôm na là đặc khu kinh tế trong tương lai gần thì vấn đề này trở nên sát sườn hơn. Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng: Đây là vấn đề lớn, phải nghiên cứu rất cẩn thận. Lập “phố đèn đỏ” bản chất là việc có cho phép làm mại dâm không. Mà hiện chúng ta chưa có luật đó.
“Dù không có luật nhưng thực tế vẫn diễn ra. Tôi đã đến phố đèn đỏ ở Hà Lan, Hàn Quốc, Thái Lan nhưng họ có thể chế và văn hóa khác. Tôi không nghĩ là đặc khu của chúng ta phải thu hút đến mức có mại dâm. Vì đặc khu chủ yếu là để phát triển tài chính, dịch vụ, thương mại, sản xuất…”, ông Lưu Bích Hồ nói.
Theo vị chuyên gia này, vấn đề này chưa nên đặt ra ở thời điểm này. Hãy đặt ra những vấn đề lớn hơn như tự chủ, quản lý hành chính của đặc khu. Còn những vấn đề kia đợi đến khi đặc khu đi vào hoạt động thì ta cân nhắc nên hay không.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, đây là vấn đề không quá quan trọng, không cần phải tranh luận nhiều vì vấn đề của các đặc khu lớn hơn rất nhiều.
“Quốc hội nên dành thời gian thảo luận về vai trò của đặc khu cũng như những vấn đề quan trọng hơn. Đặt ra câu hỏi đặc khu đó có mấu chốt gì, tư pháp và hành pháp ra sao. Những vấn đề về “phố đèn đỏ” cũng như sòng bài… không quá quan trọng”, chuyên gia nêu quan điểm.
Nên cho phép và quản lý chặt chẽ
Trong khi đó, một số chuyên gia kinh tế khác thì đồng tình với việc tạo nhiều cơ chế cởi mở, thông thoáng cho đặc khu, trong đó có việc lập “phố đèn đỏ”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh với phóng viên Tin Tức: Đặc khu kinh tế là nền kinh tế tự do. Lại nằm ở những khu như Phú Quốc thì có thể áp dụng được mô hình “phố đèn đỏ” nhưng phải có quy chế để kiểm soát.
Theo ông Phong, ngay ở Thái Lan cũng đã phải kiểm soát chặt chẽ hơn vì hệ lụy về mặt xã hội có khi còn lớn hơn lợi ích kinh tế đạt được.
Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng: Đã là đặc khu kinh tế thì phải thông thoáng về cơ chế, chính sách để kêu gọi được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cho nên, việc các dịch vụ như casino, phố đèn đỏ… tạo khu vui chơi giải trí đặc biệt cho người dân thì cũng nên làm.
“Tuy nhiên, sẽ có những hệ lụy về mặt xã hội, văn hóa nên nếu có hình thành thì phải có quy định cụ thể để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục”, ông Hòa đề nghị.
Trên thực tế, hoạt động mại dâm đang bị cho là bất hợp pháp tại Việt Nam nhưng nó vẫn núp bóng dưới dạng một số dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí khiến cho tình trạng mại dâm rất khó kiểm soát. Nếu muốn công khai, hợp thức hóa hoạt động mại dâm sẽ cần thay đổi rất nhiều vấn đề.
Các chuyên gia đề nghị: Nếu muốn thành lập đặc khu thu hút khách bằng việc lập “phố đèn đỏ” thì cần phải lấy ý kiến đánh giá, phân tích nhiều chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý. Đặc biệt, cần lắng nghe dư luận để xem thái độ, quan điểm của cộng đồng, xã hội ra sao rồi mới nên cân nhắc các bước tiếp theo.