Kỳ vọng ở những 'đặc khu'

Chiều qua 10/11, các đại biểu kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14 đã thảo luận về Dự thảo Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, liên quan trực tiếp tới ba khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Nội dung này được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi chủ trương và chiến lược phát triển đặc khu kinh tế hành chính đã được đề cập nhiều lần trong các kỳ đại hội gần đây của Đảng ta. Bản thân từ “đặc khu” đã bao hàm ý nghĩa về một khu vực có những điểm đặc biệt, thậm chí có thể khác biệt, những vùng miền khác. Sự khác biệt ở đây, theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, là vị trí địa lý, chính trị chiến lược; có chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng với ngành, nghề ưu tiên và có lợi thế vượt trội; Môi trường đầu tư kinh doanh và chính sách ưu đãi; Có sự hỗ trợ ban đầu của Chính phủ để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng và phát triển nguồn nhân lực; Bộ máy quản lý hành chính tinh gọn và hiệu quả….


Việc hình thành các “đặc khu” cũng là yêu cầu khách quan đối với nước ta trong tình hình thế giới mới, khi tự do hoá thương mại và làn sóng đầu tư toàn cầu đã lan mạnh mà môi trường đầu tư trong nước đang mất dần tính hấp dẫn, cần một mô hình phát triển mới vượt trội. Việc thành lập các đặc khu kinh tế - hành chính được kỳ vọng sẽ tạo bước cởi trói cho địa phương, thu hút đầu tư, mang lại hiệu quả cao cho kinh tế đất nước, khắc phục tình trạng khá nhiều các khu công nghiệp, khu kinh tế mở hiện nay chưa phát huy được vai trò như mong muốn. Và hơn hết, những đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt này sẽ như “môi trường thực tế” đầy giá trị, để tìm tòi, thể nghiệm những đường hướng phát triển cho tương lai.


Trên thực tế, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khi triển khai mô hình “đặc khu” đã thành công, mà gần gũi nhất là đặc khu Thâm Quyến (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc)… Tuy nhiên cũng có không ít những quốc gia, khi triển khai mô hình này, đã không đạt được kết quả như kỳ vọng, thậm chí có thể nói là thất bại. Bài học của Pakistan, một số đặc khu kinh tế của Ấn Độ, một số quốc gia ở châu Phi, Ukraine, Moldova… để lại kinh nghiệm quý báu về những thất bại khi xây dựng mô hình đặc khu kinh tế, mà nguyên nhân là vị trí không thuận lợi khiến chi phí đầu tư lớn; Chính sách cạnh tranh chỉ dựa vào ưu đãi thuế, lao động cứng nhắc; Giá thuê và các dịch vụ mang tính bao cấp; Mô hình quản lý và tổ chức bộ máy cồng kềnh, có quá nhiều cơ quan tham gia vào việc quản lý đặc khu…


Cũng vì vậy, những lo ngại, cân nhắc về một mô hình “đặc khu” trên lãnh thổ nước ta là sự thận trọng cần thiết. Nhưng trong tình hình hiện nay, vấn đề không còn là “làm hay không làm”, mà là làm như thế nào, tháo gỡ ra sao những vướng mắc để kịp thời nắm bắt đúng cơ hội “điểm giao cắt” của xu thế trong và ngoài nước. Song song với sự nhanh chóng, kịp thời, cũng cần có những nghiên cứu, khảo sát, lấy ý kiến bài bản, để xác định được đúng điểm cần đột phá, tạo nên sức bật thật sự, chưa từng có của các đặc khu. Thậm chí, ở mức độ nào đó, những đề xuất có thể vượt lên trên các luật định hiện hành.


Điều quan trọng trước mắt là kịp thời xây dựng những mô hình phù hợp, linh hoạt, hiệu quả, thành lập các đặc khu, tạo ra những thể chế tốt nhất, vượt trội so với hệ thống pháp luật trong nước, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế để xây dựng nên một “sân chơi” mới cho các nhà đầu tư. Đồng thời, phải tranh thủ được mô hình tốt, xu hướng phát triển tốt, tạo nên các cực tăng trưởng mạnh mẽ, đột phá, táo bạo, lôi kéo, lan toả cho cả nền kinh tế trong nước.


Muốn được như vậy, bên cạnh sự đồng hành, tham gia của Chính phủ, mỗi địa phương phải thực sự lắng nghe các doanh nghiệp, người dân, đồng hành cùng doanh nghiệp và nhân dân , tìm tòi nghiên cứu, phát huy tính sang tạo của mỗi địa bàn, phát huy được vai trò của cá nhân người đứng đầu và tập thể. Song song với đó, là một nhận thức đúng đắn cùng bản lĩnh chính trị vững vàng, để nền kinh tế của mỗi đặc khu nói riêng và đất nước nói chung được tiếp tục đi đúng hướng của sự phát triển.

Thùy Hương
Bàn về đặc khu kinh tế, đại biểu Quốc hội nói gì?
Bàn về đặc khu kinh tế, đại biểu Quốc hội nói gì?

Chiều nay (10/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trao đổi bên lề hành lang, các đại biểu cho rằng việc thành lập các đặc khu là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề nhạy cảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN