Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết, tỉnh Quảng Ninh mong muốn quản trị, điều hành ở “đặc khu” hành chính - kinh tế Vân Đồn theo hướng mô hình quản trị doanh nghiệp, tức là phải lấy hiệu quả làm đầu, một cá nhân phải chịu trách nhiệm đến tận cùng để khắc phục những bất cập trong hệ thống hiện nay.
Thành viên tổ soạn thảo đề án xây dựng “đặc khu” Vân Đồn, Phó Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh Hoàng Trung Kiên cho biết, tỉnh Quảng Ninh đề xuất 2 phương án hệ thống chính trị và bộ máy chính quyền “đặc khu” hành chính - kinh tế Vân Đồn.
Đảo Cái Bầu, đảo trung tâm của Vân Đồn, có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái chất lượng cao. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Phương án 1, tổ chức chính quyền địa phương đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn gồm có: Trưởng Đặc khu hành chính - kinh tế và các Trưởng Khu hành chính là những người đại diện hành chính của Trưởng Đặc khu hành chính - kinh tế (không tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân cấp huyện tại Đặc khu và cấp xã tại các Khu hành chính).
Phương án 2, tổ chức một cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân tại Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn; tổ chức Khu hành chính với tính chất là cơ quan hành chính đại diện của Ủy ban Nhân dân Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn, không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại các Khu hành chính.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, “đặc khu” hành chính - kinh tế cần có một nền hành chính hiện đại, một bộ máy tinh gọn, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả và đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ông Thành diễn giải thêm, với đặc khu, phải có một bộ máy đủ thẩm quyền nhưng tinh gọn nhất, xử lý nhanh nhất và hiệu quả nhất tất cả những vấn đề phát sinh của xã hội, đặc biệt là những vấn đề đặt ra của các nhà đầu tư.
Trên cơ sở ưu tiên lựa chọn phương án 1, Quảng Ninh đã đề xuất thay vì có trên 15 phòng, ban của Huyện ủy và UBND huyện như hiện nay, thì đặc khu trong tương lai chỉ còn 8 phòng, ban (Văn phòng, Ban Tổ chức và quản lý nhân lực, Ban Kinh tế, Ban Phát triển hạ tầng, Ban Tài nguyên - Môi trường, Ban Thanh tra - Kiểm tra, Ban Chính sách xã hội và Ban Tuyên truyền - Vận động), hướng tới nhất thể hóa cả chức danh cấp ủy và chính quyền.
Ngoài ra, đặc khu còn có 12 Khu hành chính dựa trên địa lý hành chính của các xã, thị trấn hiện nay. Tất cả các hoạt động liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như việc giải quyết các thủ tục hành chính về khai sinh, kết hôn, khai tử, chứng thực… đều được phân cấp, ủy quyền cho Khu hành chính thực hiện.
Quảng Ninh cũng đề xuất nhất thể hóa chức danh Bí thư Đảng bộ đồng thời là Trưởng Đặc khu Vân Đồn. Trưởng Đặc khu Vân Đồn được phân cấp, giao thẩm quyền đột phá, vượt trội, có các cơ quan chuyên môn và bộ máy giúp việc tinh gọn, gắn với việc thành lập mới một số đơn vị đặc thù nhằm đảm bảo thuận lợi trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp như Trung tâm dịch vụ hành chính công, Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch hay Trung tâm quản lý đô thị thông minh.
Trưởng Đặc khu chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát bởi các cơ quan Trung ương và tỉnh được giao chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và được quy định cụ thể trong Hiến pháp, Điều lệ Đảng và các văn bản pháp luật hiện hành đó là: Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh và các sở, ngành của tỉnh thực hiện theo thẩm quyền được giao.
Quảng Ninh kỳ vọng với mô hình tổ chức quản trị mang tính đột phá, “đặc khu” hành chính - kinh tế Vân Đồn sẽ sớm trở thành khu vực tăng trưởng cao với phương thức quản lý mới, có môi trường sống hiện đại, tạo ra được giá trị mới và gia tăng cao; qua đó, góp phần đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm giao lưu quốc tế, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.