Bàn về đặc khu kinh tế, đại biểu Quốc hội nói gì?

Chiều nay (10/11), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trao đổi bên lề hành lang, các đại biểu cho rằng việc thành lập các đặc khu là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề nhạy cảm.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau): Mừng vì mới có chủ trương về đặc khu, vốn đầu tư đã tăng mạnh

Quốc hội chuẩn bị thảo luận Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt dành cho Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Tôi đánh giá cao trách nhiệm và quyết tâm chính trị của 3 địa phương này.

Tôi đã đi cùng đoàn khảo sát đến các nơi này thì thấy các tỉnh đã vào cuộc rất quyết liệt, lập dự án, chủ động mời gọi thu hút đầu tư. Như Vân Đồn đã thu hút hơn 50.000 tỷ đồng. Một Tập đoàn cũng đầu tư đến hơn 17.000 tỷ đồng vào Phú Quốc. Mới bàn thảo mà họ đã mạnh dạn đầu tư, nếu chúng ta đưa ra chính sách một cách cụ thể, thông thoáng hơn, tôi nghĩ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư. 

Để các đặc khu này hoạt động, mang lại hiệu quả thì hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo tôi, nên có cơ chế đặc thù, nghĩa là từ trình tự thủ tục, nghiên cứu trả lời, điều hành thủ tục hành chính đều phải nhanh gọn. Thứ hai là các thủ tục cũng như ưu đãi phải được tính toán, rút kinh nghiệm từ các khu kinh tế đã hình thành mà không thành công trước đây. Những khu kinh tế đặc biệt này không chỉ cạnh tranh trong nước mà cả với các nước trong khu vực.

Thứ ba, khi xây dựng Luật cần lồng vào đó các nội dung được tính toán. Khi làm ăn mà có tranh chấp thì phải có trọng tài giải quyết. Vấn đề nữa là Luật phải tính đến yếu tố hồi tố cho nhà đầu tư để đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư... Nếu luật tiếp tục góc nhìn bó hẹp, chính sách không ổn thì chắc chắn nhà đầu tư không mặn mà. Chính sách càng cụ thể, chi tiết bao nhiêu thì họ mạnh dạn đầu tư bấy nhiêu và khả năng thu hút các nhà đầu tư sẽ cao hơn.

Về việc người đứng đầu đặc khu nên được bổ nhiệm như thế nào, tôi cho là chưa nói trước được. Trong quá trình vận hành, phát triển kinh tế của đặc khu, phải tính toán chọn lựa người tốt, kể cả ứng cử viên cá nhân. Bổ nhiệm chưa chắc đã là tốt. Đây là vấn đề mới nên cần tính toán con người sao cho đủ năng lực quản lý, điều hành. Các đối tượng nào được dân bầu, đối tượng nào không thì cũng phải theo pháp luật. Có cơ chế đặc thù cho người đứng đầu. Dự án luật mới sắp xếp khung, còn phụ thuộc quá trình vận hành.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp): Có cơ chế cho phố đèn đỏ

Chúng ta cần cân nhắc vị trí cho thuê. Không để những kẻ có ý đồ xấu lợi dụng thuê đất 99 năm, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phải có giải pháp hữu hiệu bảo vệ tuyệt đối an toàn những khu đất nhạy cảm. Những địa điểm không nhạy cảm về an ninh thì cho thuê được.

Mặt khác, đã là đặc khu kinh tế thì phải thông thoáng về cơ chế, chính sách để kêu gọi được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cho nên, việc các dịch vụ như casino, phố đèn đỏ… tạo khu vui chơi giải trí đặc biệt cho người dân thì cũng nên làm. Tuy nhiên, sẽ có những hệ lụy về mặt xã hội, văn hóa nên nếu có hình thành thì phải có quy định cụ thể để không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Mô hình đặc khu kinh tế có thể tạo ra bứt phá mới về phát triển kinh tế
Mô hình đặc khu kinh tế có thể tạo ra bứt phá mới về phát triển kinh tế

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2017 tại Đà Nẵng, chiều 7/11 đã diễn ra Hội thảo chuyên đề về đặc khu kinh tế và tiềm năng du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN