Ngày 11/7, phát biểu tại kỳ họp thứ 15 của Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, từ nay đến cuối năm thành phố sẽ tiến hành tổng rà soát hoạt động xây dựng nhà ở tại các địa phương để chấn chỉnh kịp thời. Ngoài ra, HĐND thành phố cũng sẽ tiến hành giám sát lĩnh vực xây dựng đô thị, trong đó có cả nội dung xây dựng không phép và sai phép tại các quận huyện để cử tri có thông tin rõ ràng hơn.
Theo đại biểu Đặng Thị Hồng Liên, tình hình xây dựng sai phép và không phép xảy ra xuất phát từ nhu cầu tất yếu của người dân. Cụ thể, nhà ở thương mại xây dựng nhiều nhưng giá cao người thu nhập thấp không mua nổi, tiến độ xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp lại chậm, không thu hút được các nhà đầu tư. Ví dụ, tại Quận 9 có một số trường hợp đã giao đất công cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhưng đã 10 năm nay vẫn bỏ hoang khiến cử tri rất bức xúc. “Thành phố cần có chính sách đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp để giảm tình trạng xây dựng không phép và sai phép”, bà Liên kiến nghị.
Chia sẻ thông tin về tình trạng vi phạm trong xây dựng đô thị tại thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, vừa qua có một số đối tượng “đầu nậu” thu mua đất nông nghiệp của người dân với giá tương đối cao để thu gom đất, sau đó phân lô bán nền, xây dựng không phép, sai phép để bán cho người có thu nhập thấp. Người dân thấy giá rẻ nên tiến hành mua bán, sử dụng, vì cho rằng Nhà nước sẽ hợp thức hóa cho việc này.
“Những khu vực phân lô bán nền do đầu nậu dựng lên không đảm bảo hạ tầng xung quanh, điện, nước, thoát nước, đường sá… đều không có. Sau khi các “đầu nậu” phân lô bán nền rút đi thì cuối cùng nạn nhân chính là những người dân thu nhập thấp, họ phải chịu thiệt thòi. Điều này còn làm phá vỡ quy hoạch chung của địa phương, cụ thể tại huyện Bình Chánh, Hóc Môn đã xảy ra tình trạng này khá nhiều, hiện thành phố vẫn chưa thể xử lý xong”, ông Tuyến cho biết thêm.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, việc xảy ra tình trạng xây dựng không phép, sai phép như vừa qua cũng khiến dư luận đặt vấn đề liệu có sự tiếp tay của chính quyền hay không? Bởi một công trình lớn xây dựng mà chính quyền lại không biết thì rất khó giải thích. Vì vậy, Thành ủy Thành phố cũng đã có chỉ đạo chính quyền thành phố và các quận, huyện tiến hành kiểm tra, đánh giá lại thực trạng và đề xuất các giải pháp giải quyết những tồn tại trong vấn đề xây dựng sai phép và không phép. Bí thư, Chủ tịch các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy về việc để xảy ra tình trạng phân lô bán nền, xây dựng không phép, sai phép tại địa bàn. Trước mắt, Sở Xây dựng và các nơi để xảy ra xây dựng trái phép nhiều như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 9... phải siết chặt công tác cấp phép và xử lý quyết liệt đối với các công trình sai phép, không phép” ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm.
Đồng quan điểm với ông Tuyến, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, TP Hồ Chí Minh là nơi hội tụ lao động các vùng miền với hơn 12 triệu dân, số cư dân địa phương khác gắn bó với thành phố không phải là nhỏ, cùng với đó là nhu cầu thiết yếu về nhà ở để ổn định cuộc sống cũng rất lớn. Do đó, cần rà soát phần quản lý tại các địa phương và phải tìm hiểu có tình trạng chính quyền thỏa hiệp với các đối tượng để xảy ra tình trạng xây dựng không phép và sai phép như vừa qua hay không để chấn chỉnh kịp thời.
Liên quan đến tình trạng vi phạm trong xây dựng đô thị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cũng yêu cầu chính quyền thành phố cần quán triệt tinh thần của Thành ủy về quản lý đất đai và xây dựng.
“Nơi nào xảy ra xây dựng không phép và trái phép mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật thì cấp ủy và chính quyền nơi đó không thể đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Chính quyền các cấp ở các quận, huyện phải vào cuộc quyết liệt để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng cầu, tất cả Đảng viên cần cam kết không vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy định về xây dựng. Ngoài ra, các Bí thư và Chủ tịch UBND của phường, xã cần cam kết lập lại trật tư xây dựng trên địa bàn trước Đại hội Đảng bộ quận, huyện năm 2020. Nếu lãnh đạo các phường, xã không cam kết, ban Thường vụ quận ủy, huyện ủy cần kịp thời xem xét bố trí cán bộ phù hợp.
Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, thành phố đã cấp 21.938 giấy phép xây dựng, với tổng diện tích sàn xây dựng 7.095.256,08m2, tăng 6% so với cùng kì. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm thành phố đã ban hành 4.729 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.136/1.640 trường hợp (tăng 37,6% so với cùng kỳ). Trong đó, xây dựng sai phép có 619 trường hợp; xây dựng không phép 616, vi phạm khác 405 trường hợp… Tình hình xây dựng không phép và sai phép còn diễn biến phức tạp ở một số địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh như: Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Bình Chánh, Thủ Đức, Hóc Môn...