TP Hồ Chí Minh 'đòi' lại mảng xanh đô thị cho người dân

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến không gian sống của người dân tại TP Hồ Chí Minh ngày càng ngột ngạt. Trong khi đó, số lượng các công viên đã "đếm trên đầu ngón tay" lại đang bị “xẻ thịt” càng khiến mảng xanh đô thị hiện đã thiếu nay càng thiếu hơn.

Bài 1: Công viên bị ‘xẻ thịt’

Hầu hết các công viên cây xanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đều bị lấn chiếm không nhiều cũng ít để làm nơi kinh doanh, buôn bán… khiến cho mảng xanh ít ỏi của người dân thành phố càng trở nên chật hẹp và ngột ngạt.

Hàng quán bủa vây

 

Chú thích ảnh
Hàng quán "mọc" bên trong công viên Lê Thị Riêng (quận 10).

Sống trong khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh nên ông Hồ Anh Tuấn, ngụ tại đường Âu Cơ (quận Tân Bình) hiểu được cái ngột ngạt như thế nào khi xung quanh khu vực ông sống không có công viên, thay vào đó là nhà cao tầng mọc san sát nhau khiến cho hiệu ứng đô thị tác động rõ đến mỗi người dân. Ông Hồ Anh Tuấn cho biết, vào buổi sáng, nhiều lúc muốn đi bộ tập thể dục cho khỏe nhưng xung quanh khu vực gần nhà thiếu không gian, lại xa công viên nên ông chỉ có thể đi bộ quanh quẩn quanh nhà, không gian chật hẹp khiến tâm lý nhiều khi rất khó chịu, bực bội.

Nhà ở ngay cạnh công viên Lê Thị Riêng (quận 10) nhưng bà Nguyễn Mỹ Oanh, ngụ ở đường Cách Mạng Tháng Tám cũng không thể hưởng thụ trọn vẹn không gian cây xanh tại công viên này. Bà Oanh cho biết, công viên là nơi sinh hoạt chung của tất cả mọi người, là nơi vui chơi, thư giãn, giải trí sau giờ làm việc hoặc các ngày nghỉ cuối tuần... tuy nhiên không gian chung của công viên Lê Thị Riêng bị thu hẹp bởi các hàng quán, khu vui chơi khiến nhiều người dân cảm thấy khó chịu.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức, số lượng công viên trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không nhiều và đây là nơi vui chơi, giải trí thư giãn cho người dân. Tuy nhiên, hiện các công viên này đang bị chia nhỏ, biến đất công viên thành điểm kinh doanh, buôn bán, trông xe, ăn uống…

Chú thích ảnh
Nhiều công viên bị sử dụng sai mục đích khi cho sử dụng một phần mặt bằng để kinh doanh quán ăn, cà phê...

Tại công viên Lê Thị Riêng, nơi đây không chỉ xuất hiện hàng loạt các quầy kinh doanh đồ ăn uống giải khát như nước mía, cà phê, trà sữa, kem… hoạt động từ sáng sớm cho đến đêm khuya mà ngay khu vực mặt tiền đường Cách Mạng Tháng Tám còn tồn tại một khu vui chơi mang tên “Thiên đường giải trí Thỏ Trắng” chiếm diện tích khá lớn. Chưa dừng lại ở đó, một góc của công viên Lê Thị Riêng ở khu vực đường Trường Sơn cũng biến thành nơi kinh doanh, buôn bán cây cảnh với người mua kẻ bán khá tấp nập.

Không riêng công viên Lê Thị Riêng, nhiều công viên khác trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Cụ thể như công viên Phú Lâm (quận 6) vẫn đang tồn tại một trung tâm hội nghị tiệc cưới được xây dựng rất hoành tráng nằm ngay trong chính khuôn viên công viên này. Hay như Công viên Lê Văn Tám nằm ở ngay trung tâm thành phố (quận 1) cũng thường xuyên bị biến thành nơi tổ chức các hội chợ, triển lãm… Vào mỗi dịp tổ chức hội chợ, triển lãm... công viên lại không còn chỗ cho người dân đến thư giãn, vui chơi, tập thể dục...

Đã ít còn bị lấn chiếm

Không chỉ bị xẻ thịt, quỹ đất dành cho công viên tại TP Hồ Chí Minh cũng hạn chế và phân bố không đều. Chẳng hạn, nếu như tại quận 1 có các công viên lớn như Tao Đàn, 23/9, 30/4, Lê Văn Tám thì ngược lại quận 3 lại không có công viên lớn nào. Mặt khác, quỹ đất dành cho công viên ở trung tâm thành phố gần như không còn, nên phần lớn dự án xây dựng công viên trong quy hoạch chủ yếu nằm ở các khu vực xa trung tâm.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh kiên quyết chấn chỉnh tình trạng "xẻ thịt" công viên.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, những khu đất quy hoạch xây dựng công viên tập trung ở các quận 7, 12, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Bình Chánh… Trong đó, riêng quận 12 có 123 ha, quận 7 có 120 ha… đều chưa được xây dựng. Đặc biệt, dự án Công viên Sài Gòn Safari (huyện Củ Chi) có diện tích hơn 456 ha đã bị “treo” 15 năm nay, chưa biết bao giờ mới được xây dựng khi nhà đầu tư vừa tuyên bố rút lui.

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, việc công viên bị "xẻ thịt", lấn chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán là do hiện nay thành phố chưa có quy hoạch tổng thể công viên nên dẫn đến việc khai thác, sử dụng chưa đúng mục đích. Trong khi đó, các quy hoạch trước đây không còn giá trị pháp lý hoặc không còn phù hợp với sự phát triển hiện nay. Cụ thể, các quận, huyện trên địa bàn thành phố khi triển khai quy hoạch chung và chi tiết công viên, vườn hoa trên địa bàn của mình cùng lúc với quy hoạch chung của xây dựng thành phố, song không lồng ghép, cập nhật các chỉ tiêu đồ án quy hoạch của mình vào quy hoạch xây dựng đô thị... dẫn đến tình trạng chồng chéo, quy hoạch không đồng bộ phải chỉnh sửa nhiều lần.

Trong khi đó, Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở được giao nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung, trong đó công viên cây xanh là nội dung quan trọng, cần điều chỉnh phù hợp quy hoạch. Bên cạnh đảm bảo chức năng, công viên cây xanh cũng là điểm nhấn của đô thị.

“Hiện nay, do nguồn ngân sách đang ngày càng hạn hẹp, phải ưu tiên đầu tư các dự án cấp bách hơn như đường giao thông, công trình chống ngập, trường học, bệnh viện... nên nhiều dự án xây dựng công viên dù đã được quy hoạch nhưng phải gác lại”, ông Hoàng Tùng cho biết.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khẳng định: "Công viên cây xanh dành cho người dân thư giãn nhưng thực tế công tác quản lý, sử dụng còn nhiều vấn đề nên một số công viên sử dụng sai công năng, chuyển sang làm quán cà phê, ca nhạc, quán ăn… Ngoài ra, theo quy hoạch chung, mỗi người dân thành phố phải có khoảng 7m2, nhưng thực tế người dân chỉ được hưởng 1/10 so với tiêu chuẩn, quá thấp so với quy hoạch. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của người dân trong việc hưởng thụ, thư giãn không gian xanh sau mỗi giờ làm việc; về lâu dài còn ảnh hưởng đến sức khỏe và mất cân bằng môi trường do thiếu hụt mảng xanh". Để giải quyết tình trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiên quyết ra “tối hậu thư” để giành lại mảng xanh cho người dân thành phố.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, thành phố đã có chủ trương điều chỉnh quy hoạch các công viên cây xanh đến năm 2020 và quy hoạch dài hạn đến năm 2025. Theo quy hoạch này, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh toàn thành phố lên đến hơn 11.400 ha, nhưng đến nay mới thực hiện được 491 ha, chiếm tỷ lệ 4,3%. Tiến độ đầu tư xây dựng công viên cây xanh trong thời gian qua mới đạt trung bình khoảng 9,8 ha/năm, rất nhỏ so diện tích quy hoạch công viên cây xanh. Ngoài ra, tiêu chí đất cây xanh sử dụng công cộng trong khu vực nội thành là 2,4 m2/người; khu vực nội thành phát triển mới là 7,1 m2/người và các quận, huyện ngoại thành là 12 m2/người.

Bài 2: Tìm đất làm công viên

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết- Mạnh Linh/Báo Tin tức
 Bài 2: Tìm đất làm công viên
 Bài 2: Tìm đất làm công viên

Để giành lại đất công viên bị "xẻ thịt", UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan xây dựng đề án di dời toàn bộ các công trình, trụ sở, quán ăn, bãi xe... ra khỏi công viên để trả lại không gian yên tĩnh, thông thoáng cho người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN