Lặng thầm sau những dòng tin - Bài 4: Không ngừng lớn mạnh giữa chiến trường

Trong điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, lực lượng của Thông tấn xã Giải phóng vẫn ngày càng lớn mạnh, được tôi luyện qua từng trận đánh, khắp các chiến trường, nhất là khối kỹ thuật. 

Chú thích ảnh
Trong hơn 15 năm ra đời và phát triển dưới bom đạn kẻ thù (1960–1975), TTXGP phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần những vẫn luôn duy trì “mạch máu” thông tin và có mặt ở hầu hết các mặt trận, điểm nóng trên chiến trường miền Nam. Trong ảnh: Điện báo viên B8 TTXGP đang thu phát tin. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Cùng với việc tổ chức bộ máy hoạt động ngày đêm tại căn cứ, Thông tấn xã Giải phóng lúc nào cũng có lực lượng phóng viên tin, ảnh và điện đài sẵn sàng lên đường đi các mặt trận, các chiến dịch đánh lớn của Quân giải phóng để kịp thời thông tin nhằm cổ vũ, động viên quân dân ta hăng hái chiến đấu. 

Củng cố hệ thống phương tiện kỹ thuật

Từ lúc ra đời chỉ có một số máy phát 15 W, Thông tấn xã Giải phóng không ngừng nỗ lực vượt khó, cải tiến phương tiện kỹ thuật tại chỗ và tiếp nhận các phương tiện kỹ thuật mới được tăng cường, hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau. Nhờ vậy mà Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng trở thành cơ quan thông tấn báo chí có phương tiện kỹ thuật tốt và có tính bảo mật cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng ở miền Nam lúc bấy giờ. 

Năm 1965, Thông tấn xã Giải phóng đã chủ động hoàn toàn kỹ thuật làm ảnh trong vùng kháng chiến. Năm 1966, hệ thống tín hiệu điện đàm chuyển phát tin, ảnh và nhận tin, ảnh báo chí đã phục vụ tốt công tác thông tin trong toàn miền Nam cũng như nhận - chuyển cho Hà Nội. Cuối năm 1967, để chuẩn bị cho bước phát triển mới, cơ quan cử nhiều cán bộ đi các địa phương tuyển hàng chục tân binh về cho các bộ phận. Riêng Phòng Kỹ thuật được bổ sung một lực lượng khá hùng hậu như đồng chí Dương Văn Kênh (sau này làm Phó Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh), Trần Thị Thu Hồng, Nguyễn Văn Tao, Nguyễn Minh Hưng, Nguyễn Thu Duyên, Đặng Văn Sinh... Sau đó, một số người mới được tuyển từ phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn; từ các trại an dưỡng thương binh; một số Việt kiều sống ở Thủ đô Phnôm Pênh, tỉnh Kongpong Chàm (Campuchia) cũng về Thông tấn xã Giải phóng.  

Đặc biệt năm 1973, Thông tấn xã Giải phóng đã nhận 3 bộ thiết bị teletype, telephoto hiện đại nhất lúc bấy giờ do Cộng hòa Dân chủ Đức sản xuất riêng để tặng cho Thông tấn xã Giải phóng, cùng việc đào tạo một đội ngũ kỹ sư, nhân viên kỹ thuật chuyên cơ - điện tử sử dụng thành thạo các thiết bị này. 

Chú thích ảnh
Năm 1972, VNTTX đã mở lớp đào tạo cấp tốc hơn 150 cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật (lớp đó gọi là GP 10), sau đó, cuối tháng 3/1973 được đưa vào các chiến trường từ Quảng Trị tới Nam Bộ, do đồng chí Phó Tổng biên tập VNTTX Trần Thanh Xuân dẫn đầu, để tăng cường kịp thời cho các chiến trường. Trong ảnh: Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng tại cơ sở thu phát Teletype của Thông tấn xã Lào tại chiến khu Vieng xay (Sầm Nưa) thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: Tư liệu VNTTX

Sẵn sàng cho trận chiến cuối cùng

Nhiều cán bộ, kỹ thuật viên cũng được cử vào Thông tấn xã Giải phóng như Đinh Mẫn, Trương Văn Hoa, Đỗ Thanh Chất, Chu Văn Biện, Vũ Anh Tuấn. Sau 3 tháng chuẩn bị, đầu tháng 9/1973, từ rừng rậm của chiến khu R, Thông tấn xã Giải phóng bắt đầu chuyển phát tin ra Thủ đô Hà Nội bằng công nghệ  teletype và telephoto. 

Mỗi tấm ảnh phát, thu trên máy telephoto kéo dài 15 đến 20 phút. Kỹ thuật thời kỳ này thuộc thế hệ cơ-điện tử. Ảnh phát được cuốn vào rulo quét từng dòng, cảm biến xung điện chuyển tải thành dạng sóng radio. Chất lượng truyền phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vật cản hay từ trường trái đất. Ảnh nhận ngược lại, phải qua công đoạn hiện hình trong phòng tối. Tổng phụ trách khâu kỹ thuật thu - phát của Thông tấn xã Giải phóng lúc này là Phạm Tấn Thành, Tổ trưởng telephoto là Phan Văn Quý, người thu phát telephoto đầu tiên là kỹ thuật viên Đỗ Thanh Chất, còn những điện báo viên thu-phát teletype đầu tiên là Vũ Anh Tuấn, Hà Huy Hiệp và Hoàng Thị Bích.

Ông Đỗ Thanh Chất, là một trong những kỹ thuật viên được đào tạo bài bản nhất về telephoto (vô

Chú thích ảnh
Các phóng viên TTXGP tại căn cứ Trà Nô của Khu V, tháng 10/1974. Ảnh: Tư liệu TTXGP

tuyến truyền ảnh) của Phòng Kỹ thuật Việt Nam thông tấn xã, được tăng cường cho Thông tấn xã Giải phóng nhớ lại: “Năm 1971, thời điểm đó cả Hà Nội ngổn ngang như một đại công trường cho một mục tiêu duy nhất là hộ đê chống lũ. Giữa lúc đang bộn bề, tôi được lệnh bàn giao mọi công việc để nhận nhiệm vụ mới là tham gia đoàn chi viện sức người, sức của qui mô nhất của Tổng xã cho Thông tấn xã Giải phóng, nhằm đáp ứng những chuyển biến quyết định của chiến trường”. Ba người được chọn đi đợt đầu gồm: Trương Văn Hoa - cán bộ miền Nam tập kết, Đinh Đăng Huấn - kỹ thuật buồng tối ảnh và Đỗ Thanh Chất - kỹ thuật Telephoto. 

Ông Đỗ Thanh Chất kể: “Ông Đỗ Phượng, khi ấy là Phó Tổng biên tập Việt Nam thông tấn xã đã gặp riêng tôi và nói rằng, từ trước đến nay tin tức từ chiến trường chuyển ra bằng điện báo rất kịp thời, chỉ riêng khâu ảnh phải chuyển phim qua từng binh trạm nên rất chậm. Do đó lần này lãnh đạo cơ quan quyết định đưa Telephoto vào B2 nên em cố gắng hết sức nhé. Lời nhắn nhủ thật nhẹ nhàng nhưng tôi cảm nhận được sức nặng. Tôi không lo dặm đường bom đạn đầy chông gai trước mắt, mà lo làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến trường”.

Sau mấy tháng chuẩn bị, cuối năm 1971, đoàn lên đường. Tổ công tác của Việt Nam thông tấn xã hành quân cơ giới trong đoàn xe quân sự đầu tiên chạy thẳng vào chiến trường B2 (miền Nam – PV) mà không trung chuyển qua các binh trạm đường dây 559 như trước đây. Để phân tán tổn thất, người và hàng hóa của khối dân sự cũng xé lẻ biên chế vào từng trung đội, đại đội khác nhau.

Năm 1973, thêm đoàn chi viện của Tổng xã tiếp tục vào căn cứ. Thông tấn xã Giải phóng đã được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Một lực lượng hùng hậu phóng viên, kỹ thuật, điện báo viên đã sẵn sàng. Tin chiến thắng từ các mặt trận dồn dập đổ về, quân ta đã giải phóng toàn bộ miền Trung và Tây Nguyên, tất cả các cánh quân đang thần tốc tiến vào Sài Gòn. Bộ máy Thông tấn xã cũng đang vận hành hết công suất. Tháng 4/1975, lãnh đạo họp với Telephoto quyết định cử anh Phan Văn Quý - tổ trưởng mang theo chiếc máy phát ảnh chạy bằng bán dẫn nhỏ gọn của Nhật Bản đi với cánh quân hướng Tây Nam, với phương án tiếp quản Việt tấn xã sẽ dùng máy phát sóng ở đó để phát ảnh.

Phương án hai ở căn cứ hàng ngày lên sóng 24/24 giờ với Hà Nội, và vì lý do nào đó mũi đi Sài Gòn không phát được thì sẽ đưa ảnh ngược về căn cứ.

Chú thích ảnh
Phóng viên của Thông tấn xã Giải phóng có mặt trên mọi trận đánh, hướng tiến công để thông tin kịp thời về những chiến công của quân dân ta. Trong ảnh: Tổ điện báo TTXGP điện tin từ mặt trận về căn cứ. Ảnh: Tư liệu TTXGP

Ông Đặng Văn Thiều nhớ lại: Khi chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi đang là Phó Chánh văn phòng Thông tấn xã Giải phóng. Lúc đó hàng hóa, nhu yếu phẩm, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ nghiệp vụ cơ Hà Nội gửi vào tập kết cho chiến dịch rất nhiều, không còn thiếu thốn như giai đoạn trước đó. Là đơn vị đầu mối thông tin, nên anh em nắm rất rõ, rất sớm nhưng diễn biến trên các mặt trận. Tin chiến thắng dồn dập đưa về càng làm cho công tác chuẩn bị thêm sôi động. Các phóng viên, kỹ thuật viên nhận nhiệm vụ đi các mũi tấn công đều được trang bị đầy đủ thiết bị cần thiết và nhu yếu phẩm phục vụ cá nhân để đảm bảo tốt nhất cho việc luồn thông tin thông suốt từ mặt trận đến với quân dân cả nước.

Với sự chi viện liên tục và hiệu quả từ Việt Nam thông tấn xã và hậu phương lớn miền Bắc, Thông tấn xã Giải phóng đã phát triển mạnh mẽ, trưởng thành nhanh chóng, trở thành một đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các đơn vị của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Vào đầu năm 1975, quân số của Thông tấn xã Giải phóng đã lên đến 441 người, với đầy đủ các phòng ban tin, ảnh, văn phòng, kỹ thuật, báo vụ. Trong số này có hàng trăm cử nhân, kỹ sư, cao đẳng kỹ thuật cùng với những thiết bị truyền thông hiện đại nhất thời bấy giờ như  máy phát điện 27 KVA, máy phát sóng 1 KW, máy thu phát teletype, telephoto. 

Hệ thống kỹ thuật của Thông tấn xã Giải phóng thu-phát được tin, ảnh nhanh nhất, chất lượng cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng tại miền Nam. Cán bộ, nhân viên kỹ thuật Thông tấn xã Giải phóng nhanh chóng triển khai lực lượng, thiết lập một hệ thống thiết bị kỹ thuật mạnh, mở ra bước ngoặt mới mang tính đột phá, đáp ứng tốt nhất cho yêu cầu thu phát tin ảnh thông suốt, nhanh nhạy và chính xác từ căn cứ Trung ương Cục miền Nam với Việt Nam thông tấn xã ở Thủ đô Hà Nội. Thông tấn xã Giải phóng và các lực lượng trên toàn miền Nam đã sẵn sàng cho nhiệm vụ quan trọng, cho bước ngoặt mới của cuộc chiến tranh trường kỳ: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bài cuối: Duy trì làn sóng điện những ngày giải phóng

Anh Tuấn – Xuân Khu – Thanh Vũ – Thành Chung (TTXVN)
Lặng thầm sau những dòng tin - Bài 3: Luôn bám sát trận địa
Lặng thầm sau những dòng tin - Bài 3: Luôn bám sát trận địa

Là một phần không thể thiếu trong bộ ba thông tin của Thông tấn xã Giải phóng giữa chiến trường, những người kỹ thuật viên, điện báo viên cũng luôn xông pha, bám sát các cánh quân, trận địa để kịp thời, khắc phục mọi khó khăn để có thể truyền thông tin về căn cứ một cách nhanh nhất có thể. Ở căn cứ, họ cũng luôn sẵn sàng di chuyển, vừa thu phát tin, đảm bảo mạch thông tin vô tuyến luôn thông suốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN