Góp ý Dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng:

Làm rõ định hướng phát triển giáo dục - đào tạo

Ngày 12/10, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của cán bộ, giảng viên, trí thức trẻ, giảng viên trẻ và sinh viên góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.


Tại hội nghị, các ý kiến tham gia đóng góp đều khẳng định Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XII của Đảng đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, thể hiện trí tuệ của Đảng cho Đại hội. Chủ đề Đại hội XII của Đảng đã bao quát đầy đủ những vấn đề cốt lõi nhất của Đảng, phù hợp với thực tiễn đặt ra cho đất nước trong giai đoạn tới, văn kiện kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Kết cấu của báo cáo chính trị đã có sự đổi mới, là bước đột phá trong xây dựng báo cáo chính trị của Đảng. Báo cáo trình bày theo từng vấn đề bám sát với tình hình thực tiễn đất nước. Các nội dung nhận định trong báo cáo đầy đủ, bao quát và khoa học. Báo cáo đã đặt đúng vị trí và xác định được cơ sở để đất nước ta phát triển bền vững là đào tạo nguồn nhân lực, chuyên gia khoa học - công nghệ, phát triển văn hóa và quản lý phát triển xã hội.

Các đại biểu đã tập trung góp ý, đề xuất sửa đổi một vấn đề như: Tình hình giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ; thực hiện chính sách xã hội, các vấn đề giải quyết việc làm, văn hóa, sân chơi tri thức dành cho học sinh, sinh viên...

Nhiều ý kiến liên quan đến tình hình phát triển của thanh thiếu nhi hiện nay; hướng nghiệp cho học sinh THPT để các em có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và đúng với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội; chú trọng giáo dục đạo đức lối sống và lịch sử cho các em thiếu niên, nhi đồng; vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên mới ra trường, thu hút nhân tài, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên…

Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng (Hà Nội) đánh giá Dự thảo đã có những định hướng chiến lược nhằm đạt được mục tiêu đổi mới căn bản nền giáo dục, hướng tới tạo ra những sản phẩm giáo dục chất lượng.

"Chỉ có phát triển giáo dục và đào tạo mới nâng cao được dân trí, đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển. Vì vậy, Dự thảo cần cụ thể hơn trong việc đẩy mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất, học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ của khoa học và công nghệ, với nhu cầu của thị trường", cô Lan nhấn mạnh.
 
Đóng góp ý kiến về vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, giảng viên Lục Quang Tấn, Khoa Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng: Xây dựng chiến lược quốc gia nguồn nhân lực cần theo từng ngành, từng lĩnh vực và từng khu vực phù hợp với điều kiện cụ thể. Bởi mỗi ngành, mỗi lĩnh vực sẽ có những đặc điểm khác nhau, thực hiện nhiệm vụ khác nhau.

Xây dựng chiến lược quốc gia nguồn nhân lực cần phải xây dựng ở từng ngành trong tổng thể các ngành, gắn chặt với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Ngoài ra, ở những vùng đặc biệt khó khăn, cần có chiến lược hết sức cụ thể, vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo vấn đề an ninh, quốc phòng.

Đề cập về vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng con người, Phó Bí thư Đoàn thanh niên Học viện Ngân hàng Nguyễn Tiến Hưng cho rằng văn kiện cần đặc biệt tập trung đến phát triển văn hóa trong học sinh, sinh viên. Đây là bộ phận chiếm tỷ trọng lớn, là chủ nhân tương lai của đất nước.

Thực trạng hiện nay, học sinh, sinh viên ngày nay quá chú trọng vào việc học, bằng cấp, mà quên đi những những giá trị tinh thần, đạo đức xã hội truyền thống. Tinh thần tự học, tự tìm tòi, đổi mới, sáng tạo của sinh viên đang bị mai một. Phương hướng về giáo dục của Đảng cần phải chỉ rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một đội ngũ sinh viên mạnh về chất xám, có đạo đức, có lý tưởng cộng sản.

Sinh viên cũng là bộ phận dễ bị các thế lực thù địch kích động. Khi được quan tâm, bồi đắp đạo đức, định hướng về lý tưởng một cách đúng đắn cùng với các chế độ làm việc công bằng không chỉ tại các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, bộ phận học sinh, sinh viên sẽ có thêm hiểu biết, kỹ năng, từ đó, thúc đẩy quá trình học tập, nghiên cứu khoa học để tạo ra những gia trị to lớn cho gia đình và xã hội trong tương lai, là cơ sở để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đất nước phồn thịnh.

Góp ý kiến về nội dung của Dự thảo văn kiện, bạn Ngô Thu Trang, Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện năm 2015, cựu sinh viên khoa Luật, đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: "Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XII của Đảng có nêu ‘‘Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách".

Bạn Ngô Thu Trang cho rằng, Dự thảo cần xem xét lại chỉ tiêu, sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sinh hoạt, xã hội của người dân, phù hợp với các chính sách và các quy định pháp luật hiện hành, sao cho đảm bảo tốt nhất quyền học tập của người dân".

Xuân Tùng (TTXVN)
Hơn 15.600 ý kiến góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM
Hơn 15.600 ý kiến góp ý dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM

Đã có 15.646 ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố TPHCM lần thứ X.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN