Đó là chia sẻ của Thượng tướng, Viện sỹ, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, với phóng viên TTXVN khi nhìn lại 45 năm sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Từng chỉ huy một mũi tấn công vào Sài Gòn những ngày tháng Tư năm 1975, Thượng tướng nhớ nhất ký ức nào của thời khắc lịch sử ấy?
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Trung đoàn được lệnh hành quân từ Đông Hà theo đường Trường Sơn tiến về Sài Gòn. Nhiệm vụ là đánh mũi thọc sâu từ cánh Bắc theo trục Đường 13, chiếm cầu Vĩnh Bình, giải phóng Sài Gòn. Lúc đó là mùa khô, Trường Sơn có rất nhiều đơn vị, binh đoàn hành quân. Đường đất đỏ bazan, bụi mù mịt, phủ kín người. Mỗi người lính đều như chỉ có cái miệng và đôi mắt là không bám bụi.
Hành quân nhiều ngày rất mệt nhưng lúc này Trung đoàn nhận được mật lệnh từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Tức khắc chúng tôi truyền đạt lại mệnh lệnh này cho chiến sỹ trong Trung đoàn. Anh em quên hết mệt nhọc, lại bừng dậy và tiếp tục hành quân ngày đêm tiến về Đồng Xoài để huấn luyện bổ sung cách đánh trong thành phố rồi tập kết ở Bầu Cá Trên, Bắc Tân Uyên.
Ngày 26 tháng 4, Trung đoàn nổ súng tiến công Tân Uyên và Bình Chuẩn, đánh vào trục Đường 13 rồi hướng về Sài Gòn. Ngày 29 tháng 4, chúng tôi dừng chân ở chợ Búng cách Bắc Lái Thiêu (Bình Dương) khoảng 10 km. Tin từ Quân đoàn cho biết, ở đây có nhà má Sáu Ngẫu, một cơ sở cách mạng. Tối hôm đó, tôi và tổ trinh sát men theo con đường nhỏ đi vòng qua nghĩa địa gần chợ Búng thì phát hiện có một ngôi nhà lợp lá, bên trong le lói ánh đèn. Tiếp cận ngôi nhà, nhận thấy không có điều bất thường, chúng tôi cho tổ trinh sát áp sát, đứng bên ngoài khẽ gõ cửa và phát tín hiệu theo quy định của mặt trận là “Hồ Chí Minh” ba lần. Một lát, bên trong có tiếng đáp lại “Muôn năm, muôn năm, muôn năm”. Thì ra đúng là nhà má Sáu Ngẫu, má nghe thấy ám hiệu, đã ra mở cửa đưa các chiến sĩ vào nhà.
Dưới ánh đèn dầu, chúng tôi giới thiệu là Quân giải phóng, có nhiệm vụ tấn công từ trục Đường 13 vào Sài Gòn. Nhìn chúng tôi mở tấm bản đồ quân sự đặt lên bàn, má Sáu Ngẫu nói: “Bản đồ này má không có quen, để má lấy bản đồ của má”. Đem ra tấm bản đồ hành chính Sài Gòn, má căn dặn chúng tôi từng đường đi nước bước.
Tối đó, chúng tôi về triển khai và đưa một đội hình luồn sâu vào bên trong Lái Thiêu. Sáng ngày 30 tháng 4, Trung đoàn đánh vào Lái Thiêu theo phương châm chỉ đạo: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Hoả lực của ta bắn cháy 3 xe tăng và thu giữ 1 pháo Vua chiến trường rồi đánh thẳng đến cầu Vĩnh Bình. Phát hiện các ổ tử thủ bên kia cầu, Trung đoàn nổ súng bắn cháy 3 xe tăng của địch. Lúc này, xe tăng của Đại đội trưởng Hoàng Thọ Mạc cũng hư hỏng. Đồng chí Mạc liền nhảy ra khỏi xe tiếp tục chỉ huy tổ B40, B41 chiến đấu và bị thương. Chúng tôi đưa anh lên xe rồi tiến đánh Bộ Tư lệnh thiết giáp của nguỵ quân Sài Gòn ở Gò Vấp và tiếp quản luôn 13 căn cứ, nhà kho của Lục quân công xưởng Gò Vấp, Tổng Y viện Cộng hòa.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, Trung đoàn 27 đã đánh chiếm tất cả các mục tiêu ở Gò Vấp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau đó, chúng tôi nghe tin Tổng thống nguỵ quyền Dương Văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện.
Phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” có vai trò quyết định như thế nào đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh, thưa Thượng tướng?
Phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là không mải đánh địch ở vòng ngoài mà nhanh chóng đánh thẳng vào đầu não địch ở Sài Gòn, đấy là Dinh Độc Lập của chính quyền Sài Gòn, đấy là bộ máy chiến tranh- Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hoà… Phương châm này đã tạo sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân ba thứ quân, nghệ thuật sáng tạo trong tư tưởng chỉ đạo, tổ chức lực lượng tiến công của chúng ta. Phương châm này lấy hoàn toàn chủ động tiến công, với tinh thần táo bạo nhất, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu và giảm thương vong cho bộ đội.
Với tất cả các lực lượng, quân binh chủng, chúng ta đồng thời tổ chức 5 mũi tiến công gồm 4 quân đoàn chủ lực và Quân khu 9 theo phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Ta còn đưa lực lượng đặc công tinh nhuệ luồn sâu vào bên trong, đánh từ bên trong phối hợp với bên ngoài là các mũi tiến công chủ lực. Cách đánh này rất nhanh, rất hiệu quả. Lúc này, không quân ta lại ném bom sân bay Tân Sân Nhất làm địch rối loạn hoàn toàn. Sáng ngày 30 tháng 4, toàn bộ 5 mũi tiến công đã đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng ta làm chủ hoàn toàn và giảm đến mức thấp nhất thương vong cho bộ đội và thực hiện được di huấn của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Đây cũng là lần đầu tiên ta tổ chức các binh chủng hợp thành đánh bằng bộ binh cơ giới, bằng các lực lượng vũ trang ba thứ quân nên sức mạnh tăng lên rất nhiều. Ý nghĩa của thắng lợi này là rất lớn khi ta kết hợp được quân sự, ngoại giao, binh vận để tiến công trên cả ba mặt trận. Thắng lợi này là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, của ý chí, quyết tâm giải phóng miền Nam của cả dân tộc. Đây cũng là thắng lợi của văn hoá, truyền thống và lịch sử Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước, chống đế quốc xâm lược trước kia cũng như hiện nay. Chúng ta đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử của Đảng, nhân dân đã giao phó.
Thưa ông, thời điểm đó chúng ta có tính đến việc Mỹ sẽ quay trở lại Việt Nam và nếu xảy ra thì phương án của chúng ta là như thế nào?
Khi đặt ra mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là chúng ta đã tính tới rất nhiều phương án, kể cả phương án xấu nhất, đó là Mỹ trở lại. Nhưng từ tất cả các yếu tố và thông tin chúng ta nắm được, từ phương châm, cách đánh “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với một sức mạnh như vậy, khả năng của Mỹ trở lại Việt Nam là rất khó!
Các tuyến phòng ngự của nguỵ quân Sài Gòn đã nhanh chóng bị đập tan trên tất cả các hướng, kể cả tuyến phòng ngự chủ lực được coi là trọng yếu nhất như “cánh cửa thép Xuân Lộc”, Bến Cát… Do đó, chúng ta đã đánh giá là không có khả năng Mỹ quay trở lại và chúng ta sẽ nhanh chóng giành được thắng lợi. Thắng lợi này của ta là thắng lợi trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao. Là thắng lợi của cả một dân tộc, thắng lợi của thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Những ngày cuối tháng Tư năm 1975, chế độ nguỵ quyền Sài Gòn vẫn cho rằng có thể Hà Nội sẽ chấp nhận đàm phán, thương lượng về một chế độ quá độ vì “Hà Nội chưa chắc đã có một bộ máy hành chính để quản lý toàn quốc”. Nhưng thực tế thời điểm đó thì sao, thưa Thượng tướng?
Thực tế là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với 5 cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn đã giành lấy toàn thắng, đất nước thống nhất, Sài Gòn được giữ gần như nguyên vẹn và ta nhanh chóng tiếp quản thành phố.
Chúng ta đã chuẩn bị giải phóng miền Nam bằng tất cả sức mạnh quân sự, chính trị, ngoại giao và tính toán đến vấn đề xây dựng miền Nam sau khi giải phóng, đất nước thống nhất. Việc nhanh chóng hiệp thương hai miền để thống nhất đất nước cũng là biểu hiện tầm chiến lược của Đảng, Nhà nước. Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, khi chúng ta đánh vào Sài Gòn, do cách đánh của chúng ta, do nghệ thuật chiến tranh của chúng ta nên chúng ta đã giữ được Sài Gòn gần như nguyên vẹn, không để thành phố rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát của một đô thị sau cuộc chiến, không như phía bên kia nói là “tắm máu”.
Phía bên kia sau khi mất chỗ dựa vào sự chi viện của Mỹ cũng nhanh chóng sụp đổ. Điều này chúng ta cũng đã hoàn toàn nắm bắt được từ trước để tổng tấn công.
Sau giải phóng, quân đội chúng ta cũng nhanh chóng củng cố cơ sở cách mạng, ổn định được trận địa lòng dân, tạo nên sự đoàn kết quân với dân. Đây có lẽ là điều kiện vô cùng quan trọng, thậm chí là quan trọng nhất bởi không có nhân dân thì chúng ta không bao giờ thành công. Chỉ có nhân dân giúp đỡ mới có được tất cả, mới giúp chúng ta làm nên chiến thắng.
Vai trò của miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là như thế nào, thưa Thượng tướng?
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước kéo dài hơn hai mươi năm. Phải nói suốt thời gian dài đó, hậu phương lớn miền Bắc có vai trò rất lớn trong việc chi viện sức người, sức của, chia lửa cho tiền tuyến lớn miền Nam. Riêng việc chi viện sức người, hầu hết các gia đình miền Bắc đều có con em vào quân đội. Các chiến trường từ Tây Nguyên, Đông Nam Bộ cho đến Bình – Trị - Thiên, đều có chiến sỹ miền Bắc tham gia chiến đấu, sát cánh với đồng bào miền Nam trong Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Suốt thời gian dài như vậy, sự hy sinh, mất mát là rất lớn mới có thắng lợi vào mùa Xuân năm 1975.
Nhìn lại, tất cả các nghĩa trang, từ Đông Trường Sơn (Quảng Trị) đến nghĩa trang của các tỉnh, thành phố phía Nam đều có liệt sỹ là người miền Bắc vào miền Nam chiến đấu cùng những phần mộ là liệt sỹ chưa có tên. Hàng vạn người hiện nay mất tích vẫn chưa tìm được. Sau chiến tranh, chúng tôi có tổng kết lại là mất mát rất lớn. Việt Nam đang còn hơn 30.000 người mất tích trên chiến trường, nghĩa là hơn 3 vạn bà mẹ mất con. Đảng, Nhà nước, nhân dân đã làm tất cả những gì có thể làm được để tìm kiếm, quy tập anh em về các nghĩa trang nhưng đó vẫn là những day dứt lớn. Còn lại số nhiễm chất độc đi – ô – xin trên cả nước cũng lên đến hơn 3 triệu người, rồi người bị ảnh hưởng bởi chất độc này. Phần đông các trường hợp đó là ở các tỉnh, thành phố miền Bắc. Ngoài ra, còn có những trường hợp bị thương tật sau chiến tranh, khi khắc phục hậu quả chiến tranh như rà phá bom mìn, vật nổ sót lại. Việt Nam đã tiếp tục mất đi hàng trăm ngàn người sau chiến tranh. Chúng ta cũng đã yêu cầu phía Mỹ cũng như các nước giúp đỡ Việt Nam trên tinh thần nhân đạo để tiếp tục khắc phục hậu quả này.
Nhìn lại 45 năm sau chiến tranh, chúng ta càng thấy cần phải truyền đi thông điệp về giá trị của Giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, sự đóng góp cho miền Bắc cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Phải thấy rằng, tổn thất xương máu cha anh cho độc lập – tự do – hoà bình là một giá lớn đến nhường nào. Sự hy sinh, mất mát, tổn thất to lớn đó là của cả một dân tộc chứ không chỉ riêng một bên nào. Cũng chính vì thế chúng ta càng nhận thức rõ hơn về giá trị của đại đoàn kết dân tộc, hoà hợp dân tộc, sự đồng thuận để xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là thành quả vĩ đại, mang nhiều ý nghĩa to lớn cũng như những bài học vô cùng giá trị. Những bài học này sẽ được vận dụng như thế nào nếu trong tương lai công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước ta bị đe doạ bởi kẻ thù hùng mạnh, vượt trội về quân sự, quốc phòng, công nghệ cao, thưa Thượng tướng?
Chúng ta đã có kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đặc biệt hiện nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược đó, chúng ta đã có kế thừa và phát huy một cách chọn lọc. Đối với công cuộc hội nhập quốc tế, chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu và phát huy kinh nghiệm của các nước, kể cả của đối phương. Do đó, chúng ta sẽ có cách đánh của Việt Nam và không chỉ bằng vũ khí hiện có.
Chúng ta hiện còn xây dựng và phát triển không gian mạng thành một binh chủng để phát hiện, đấu tranh kịp thời. Các trang thiết bị mà chúng ta đã, đang cải tiến, mua sắm phù hợp với đối tượng tác chiến trong tương lai. Do đó, chúng ta có điều kiện để hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong giai đoạn mới. Điều quan trọng là chúng ta phải làm chủ khoa học, công nghệ, phải có đường lối và chủ trương hết sức sáng suốt là độc lập, sáng tạo trong công cuộc xây dựng đất nước gắn với xây dựng lực lượng vũ trang đủ mạnh, để bảo vệ nền độc lập của chúng ta trong giai đoạn hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Thượng tướng!