Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ 2)

Chuyến đi Vĩnh Chấp lần ấy còn những kỷ niệm vui. Có một cô cán bộ đoàn ở xã, tên là Cống, rất quý Trưởng phân xã Phạm Hoạt. Khi đó anh Hoạt ba mươi tuổi vẫn chưa vợ. O Cống, theo cách gọi của người Vĩnh Linh, người nhỏ nhắn, khá xinh, nói năng rất có duyên.

Lần đó anh Hoạt cùng tôi rẽ vào thăm, hai người nói chuyện rất thân mật. Anh Hoạt chắc cũng rung động với tình cảm ấy. Chỉ tiếc là chiến tranh, còn bao nhiêu việc, mọi chuyện chưa thể nói trước được điều gì. Sẵn máy ảnh trong tay, lại muốn thử tay nghề, tôi làm một phóng sự nhỏ về buổi gặp đó. Tôi chụp lúc hai anh chị không để ý vì còn mải chuyện trò. Sau này, về tráng phim, làm ảnh, treo lên vách nhà hầm, phóng sự đó được anh em phân xã rất thích. Mọi người nói đùa là không cần chú thích cũng biết là hai người đang quý mến nhau, lúc cười vui, lúc cầm tay, lúc giận hờn, trách móc…

Chú thích ảnh
Phóng viên Xuân Lâm và các nữ du kích trên Vành đai điện tử ở Trung Hải, Gio Linh.

Chiến lợi phẩm của chuyến đi đó là mấy cân cá o Cống tặng cho anh em phân xã. Lúc về, đang xuống dốc thì mấy chiếc máy bay F5 lao tới cắt bom. Hai anh em lao xe xuống dốc tìm chỗ tránh. Gói cá rơi ra, rải từ đầu đến cuối dốc. Lúc máy bay đi xa, hai anh em phải lẽo đẽo ngược dốc đi nhặt từng con. Một chuyện nhớ đời!

Sau một thời gian nắm tình hình, gặp gỡ các cơ quan của Khu ủy và Tỉnh ủy Quảng Trị (một số có hậu cứ trên đất Vĩnh Linh), chúng tôi có chuyến công tác đầu tiên sang bên kia giới tuyến. Lần đi ấy có các anh Hồ Bích Sơn, Xuân Lâm, Phạm Tài Nguyên và tôi.

Chúng tôi qua sông vào lúc cuối chiều, cách cầu Hiền Lương không xa. Có một bến đò dã chiến ở đó mặc dù địa điểm này thường xuyên bị máy bay Mỹ trinh sát và hay bị pháo kích bất ngờ. Chúng tôi đến bến đò, chờ ở trạm, có giao liên dẫn đi. Cuối giờ chiều, con đò dìm ở mé sông được vớt lên. Đây là lúc máy bay trinh sát của Mỹ “thay ca”, pháo thường chưa bắn cầm canh dọc sông. Đồ đạc phải hết sức gọn nhẹ, sẵn sang cơ động, kể cả nhảy xuống sông để bơi khi tình huống đột xuất xảy đến.

Trong khi chờ đò, tôi đứng trên một mỏm đất cao nhìn sang bên kia sông. Một cảm giác thật đặc biệt. Vành đai trắng im lìm. Dốc Miếu ngay trước mặt. Xa xa là Cồn Tiên bên phải, đồi 31 bên trái. Xa sau đấy nữa sẽ là Cửa Việt… Con đường số 1, đoạn gần gíới tuyến bỏ hoang đã lâu, cỏ mọc um tùm. Mặt đường chi chít các hố pháo, hố bom. Giới tuyến im ắng lạ thường. Thỉnh thoảng chỉ nghe tiếng pháo đề-pa đâu đó trong ánh sáng của những trái hỏa châu luôn lơ lửng trên bầu trời. Cảm giác ấy có vẻ như đánh lừa người bình thường. Vì trong lòng đất, trong những dải cát dài dọc theo bờ sông, cả một cuộc sống vẫn đang tiếp diễn. Cuộc sống ấy đang đợi chúng tôi.

Dù đã chuẩn bị truớc, nhưng ngày đầu tiên ấy vẫn để lại ấn tượng rất đặc biệt trong tôi. O du kích mũ tai bèo, quàng ngang chiếc khăn dù cùng con đò như hiện ra từ trong cổ tích. Mặt sông loáng ánh chiều tà, in hình cây cầu Hiền Lương xiêu vẹo và chơ vơ giữa dòng. Trong lòng cây cầu ấy có một vết sơn trắng hằn ngang. Đấy là ranh giới mỏng manh phân chia hai miền đất nước chúng ta mà để xoá đi lằn ranh ấy, máu hàng triệu người đã đổ.

Chú thích ảnh
Hành quân trên sông Thạch Hãn. Từ trái sang, các phóng viên Lam Thanh, Xuân Lâm, một cán bộ quân đội, phóng viên Vũ Tạo (Thông tấn quân sự) và phóng viên Hồng Khanh (báo Nhân Dân).

Tôi lần đầu đặt chân lên bờ phía nam khi đò cập bến. Một cảm giác mừng vui xen lẫn hồi hộp, lạ lẫm. Lần đầu tiên tôi chạm tới miền Nam của đất nước, miền Nam trong khói lửa, chia cắt đến với tôi qua những bài học đầu tiên cắp sách đến trường, một miền Nam trước đó rất xa xôi đã trở nên gần gũi và hiện thực. Chúng tôi hành quân ngay về Trung Hải, cách giới tuyến không xa. Đội hình theo hàng môt, cách nhau khoảng 5 đến 7 mét, súng trong tay, đạn lên nòng. Ở khu vực này,không loai trừ thám báo, biệt kích phục kích trên đường. Hành trang tuy gọn nhẹ nhưng ba lô, bi đông nước, súng ngắn, máy ảnh, quần áo, tăng võng, lương khô… cũng làm cho mọi thứ lỉnh kỉnh với những người mới ra trận lần đầu. Chúng tôi đến căn cứ tiền tiêu của Huyện uỷ Gio Linh trụ bám ở khu vực này. Những căn hầm chìm sâu vào lòng cát, lòng đất, ẩn dưới những vạt cây xanh còn sót lại, cách Dốc Miếu không xa.

Tại đây, lần đầu tiên chúng tôi được gặp nhà báo Thanh Phong, Trưởng phân xã Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) tại Quảng Trị. Anh em tay bắt mặt mừng, vui mừng khôn xiết. Vào thời điểm đó, phân xã TTXGP Quảng Trị ngoài anh Thanh Phong còn có các anh Trần Luận và Nguyễn Văn Ngạn, điện báo viên và các cháu Hồ Nhân, Hồ Nghĩa, người dân tộc Vân Kiều giúp việc cho phân xã. Sự hợp tác giữa anh em Phân xã B Vĩnh Linh và Phân xã TTXGP Quảng Trị trong điều kiện chiến trường khắc nghiệt thắm tình đồng chí, anh em một nhà, tuy hai mà một, thực sự đá giúp cho chúng tôi rất nhiều.

Ngày hôm sau, với sự giúp đỡ của anh Thanh Phong, chúng tôi được gặp và làm việc ngay với anh Ba Trần (tên thật là Phan Chung), Bí thư huyện ủy Gio Linh. Năm ấy anh mới ngoài ba mươi tuổi nhưng trông dáng vể rất từng trải. Trách nhiệm của người đứng đầu một huyện trên vành đai trắng vô cùng khốc liệt này làm anh già hơn tuổi. Nhưng anh Ba Trần lại cuốn hút mọi người với vẻ ngoài cởi mở, vui vẻ, đặc biệt là nụ cười rất thân thiện, dễ gần.

Khi ấy tôi cũng không ngờ rất nhiều năm sau này tôi còn có dịp gặp và gắn bó với anh, với một tình cảm rất đặc biệt. Anh Ba Trần cho chúng tôi biết về tình hình Gio Linh. Có thể nói ngắn gọn là có một cuộc chạy đua quyết liệt của quân và dân Gio Linh để bắt kịp với những bước đi của chiến dịch lớn đang đến gần. Nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân nổi dậy, phá khu tập trung, giành chính quyền, phối hợp và giúp đỡ các đơn vị chủ lực đang là nhiệm vụ trọng tâm lúc này. Những thông tin do anh Ba Trần cung cấp rất kịp thời, rất cần cho công việc của chúng tôi trên địa bàn mới, vào thời điểm quan trọng.

Chú thích ảnh
Các phóng viên Xuân Lâm (phải) và Trần Mai Hưởng trên đường hành quân.

Sau khi làm việc với huyện, anh Ba Trần bố trí cho chúng tôi làm việc với cơ quan phụ trách dân vận để tìm hiểu tình hình, trực tiếp bố trí cho chúng tôi gặp các nhân chứng đang sống trong khu tập trung Quán Ngang, một khu tập trung lớn nằm khoảng giữa đường từ Dốc Miếu đến Đông Hà. Cùng với khu tập trung Của Việt, đây là một khu tập trung rất đông dân trên vành đai, một mục tiêu rất quan trọng của chiến dịch nhằm thực hiện kế hoạch nổi dậy khi có thời cơ. Cuộc sống của bà con trong khu Quán Ngang rất cơ cực. Trên nền cát trắng, hàng trăm mái tôn chen chúc, xung quanh dây kẽm gai quay kín, bốt gác lính Nguỵ nối nhau, là nơi giam hãm mấy ngàn con người. Phần lớn dân trên vành đai quanh khu Dốc Miếu và Đồi 31 đều bị dồn vào đây. Những tài liệu có được sau những cuộc gặp gỡ này đã giúp tôi viết bài đầu tiên trên đất Quảng Trị với tiêu đề “Lá thư từ một khu tập trung”. Tôi nhớ rất rõ buổi nghe qua làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài viết này mang tên tôi với tư cách là một phóng viên TTXGP. Một cảm giác khó tả tràn ngập. Cùng các bạn đồng nghiệp, tôi đã có sản phẩm đầu tiên góp vào cuộc đấu tranh chung với danh xưng cao quý “Phóng viên TTXGP”.

Sau đó, chúng tôi đi thực tế về nơi dừng chân của đội du kích xã Gio Mỹ. Khu căn cứ này nằm ở khoảng giữa Đồi 31 và sông Hiền Lương, trên một triền cát trắng có những hàng phi lao còn sót lại qua đạn bom. Những căn hầm chìm sâu trong cát. Cuộc sống của những người du kích, ngay trong tầm pháo của kẻ địch, vẫn căng tràn sức sống của tuổi trẻ. Hầu hết anh chị em trong đội đều là thanh niên trong xã, tuổi trong ngoài đôi mươi. Họ bám trụ trên vành đai làm nhiệm vụ bám dân, giữ đất và theo dõi các động tĩnh của kẻ địch để trợ giúp cho bộ đội chủ lực sau này. Tôi nhớ rõ buổi anh em trong đoàn, với sự giúp đỡ của Bí thư xã Mai Tiến Đồng và Xã đội trường Nguyễn Văn Em đi thăm anh em trong đội. Các nhà báo trẻ và những người du kích trẻ rất dễ gần, chuyện trò, đùa nghịch như pháo rang. Chúng tôi tìm hiểu cuộc sống của anh chị em trong đội và chụp ảnh cuộc sống sinh hoat ở đây: Cảnh luyện tập, sẵn sàng chiến đấu, tăng gia sản xuất, sinh hoạt tập thể.

Trong số những cô gái vùng cát đen giòn, mạnh mẽ, tôi để ý đến một cô gái mà vẻ ngoài rất khác với số đông. Đó là Thu Hồng, đội viên kiêm giáo viên văn hoá của đội. Đấy là một cô gái trắng trẻo, xinh đẹp với gương mặt bầu bĩnh, nét cười tươi, giọng nói nhẹ nhàng. Chúng tôi chụp ảnh cô trên bãi luyện tập cùng đồng đội, rồi lại gặp cô trong hầm khi đang dạy văn hoá cho anh chị em. Khi hỏi chuyện, chúng tôi mới biết cô vừa từ miền Bắc trở về và gia nhập đội du kích được mấy tháng nay. Cô là con của một cán bộ cao cấp, được gửi ra Bắc học, nhưng đang học phổ thông cô đã tình nguyện xin về quê chiến đấu.

Qua Bí thư Mai Tiến Đồng, chúng tôi được biết Thu Hồng chính là con gái của bác Nguyễn Thư, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Trưởng ban dân vận và bác Nguyễn Thị Toàn, Hội phó Hội phụ nữ giải phóng tỉnh. Điều cảm nhận của tôi khi đó là Thu Hồng rất gần gũi, cởi mở khi trò chuyện, nhắc nhiều về những ngày học trên đất Bắc với nhiều kỷ niệm. Cô học ở Đông Triều, trong một trường dành cho học sinh miền nam, nơi cả bốn anh chị em trong nhà đều theo học. Thu Hồng là chị cả, khi ở ngoài đó, vì bố mẹ ở chiến trường, đã sớm trưởng thành, lo toan cho các em trong điều kiện sống ở hậu phương thời chiến nhiều khó khắn. Nguyện vọng lớn nhất của cô là được về quê hương chiến đấu. Cuối cùng tổ chức cũng đã đồng ý với nguyện vọng của cô. Về Quảng Trị, mặc dù bố mẹ đều là lãnh đạo, nhưng cô đã tình nguyện về tham gia du kích xã, chấp nhận cuộc sống nhiều gian khổ hy sinh ở cơ sở.

Chú thích ảnh
Phóng viên Xuân Lâm tại thị xã Đông Hà vừa giải phóng.

Sau chuyến đi ấy, bức ảnh về du kích xã M (Gio Linh) của anh em trong đoàn được nhiều báo ở Hà Nội dùng. Riêng bức ảnh tôi chụp Thu Hồng đang ngắm bắn, gương mặt xinh đẹp sáng lên trong nắng và rất duyên dáng dưới vành mũ tai bèo được báo Quân đội Nhân dân dùng rất trang trọng. Có lẽ đấy cũng là bức ảnh đăng báo đầu tiên trong đời cầm máy của tôi.

Tôi nhớ mãi hình ảnh Thu Hồng lúc chia tay. Cô đứng bên cửa hầm, dưới tán phi lao, ánh mắt nhìn xa xăm. Chúng tôi chúc nhau nhiều điều may mắn, hẹn sẽ gặp lại khi quê hương giải phóng... Cả hai chúng tôi cũng như mọi người đều cảm nhận rất rõ chiến dịch lớn đang đến gần. Ngày Quảng Trị giải phóng không còn xa nữa.

Khi ấy tôi không thể ngờ rằng đây là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Hơn một tháng sau, ngay trong đêm đầu tiên nổ súng trên toàn tuyến, Thu Hồng đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội đánh chiếm căn cứ địch ở Bến Ngự… Những điều liên quan đến người nữ du kích anh hùng đó tôi sẽ kể tiếp ở phần sau.

Sau chuyến đi đó, chúng tôi trở về căn cứ ở Vĩnh Nam. Mọi người đều biểt chiến dịch sắp nổ ra, nhưng vì bí mật chiến trường, không ai biết chính xác thời điểm. Chỉ biết sẵn sàng lên đường khi có lệnh thôi.

Chiến dịch bắt đầu ngày 30 tháng 3. Quân ta nổ súng tấn công trên toàn tuyến, từ miền tây xuóng miền đông, trong đó có Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt... Rạng sáng ngày 1 tháng 4, anh Phạm Họat vào hầm gọi mọi người:

- Dậy thôi! Bà con ở khu tập trung Cửa Việt đã bung ra, một số đã ra đến Cửa Tùng rồi!

Phân xã hội ý và cử ngay các nhóm lên đường. Tôi và anh Xuân Lâm được phân công ra Cửa Tùng để gặp bà con. Cần kịp thời có bài viết về sự nổi dậy ở phía Đông… Cùng với lái xe Trương Đại Chiến, chúng tôi nhanh chóng đến Vĩnh Chấp. Một số bà con đã vượt sông sang bên này và được người dân Vĩnh Linh đón như những người ruột thịt. Chúng tôi gặp bà con ngay trên bãi đón tiếp, cách bờ sông không xa. Tiếng súng vẫn rền vang dọc giới tuyến. Pháo biển vẫn bắn và máy bay trinh sát quần đảo trên đầu. Thời gian không có nhiều, bài vở cần gấp, tôi tập trung hỏi sâu vào mấy gia đình, trong đó có gia đình ông Con. Nhờ bà con kể lại quá trình cùng quân giải phóng nổi dậy, phá khu tập trung, trở về vùng giải phóng. Khi những diễn biến chính đã nắm được, chúng tôi trở về Vĩnh Nam ngay. Tôi đặt bút viết bài “Lòng dân Cửa Việt” để tối hôm đó phát về Hà Nội. Trong bài viết ngắn đó, tôi cố gắng nói lên sự khao khát, mong chờ giải phóng của nhân dân Cửa Việt và đồng bào trong các khu tập trung nói riêng, cùng với khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng. Trong bài viết, tôi khắc họa sâu vào gia đình ông Con, vì lý do bí mật nên trong bài tôi gọi là ông C bởi tình hình lúc đó còn những điều chưa lường được hết.

Chú thích ảnh
Phóng viên Trần Mai Hưởng trên đường đi chiến dịch.

"Lòng dân Cửa Việt” là một bài viết kịp thời và được cho là sinh động ngay ngày đầu chiến dịch. Nhiều báo đăng và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc nhiều lần. Tôi rút ra một kinh nghiệm cho mình: Trong điều kiện chiến trường, vào những thời điểm quan trọng, phải rất khẩn trương để có tin, bài, ảnh. Bên cạnh việc nắm tình hình, phải tìm ra cách viết phù hợp với tư liệu và điều kiện cụ thể để sớm có thông tin gửi về! Sau này trong những năm tháng ở chiến trường, tôi luôn cố gắng theo phương châm ấy. Nếu không, tài liệu dù quý đến mấy cũng chỉ là tài liệu lưu giữ, không trở thành sản phẩm, không đáp ứng được yêu cầu thông tin kịp thời mà tình hình đòi hỏi.

Bài thơ: SÓNG CỬA TÙNG

Bao nhiêu thương nhớ từng con sóng
Lấp lánh biển chiều thuở Xa Khơi
Câu hát băng qua hai bờ giới tuyến
Lắng đọng thẳm sâu trong trái tim người

Dâu bể xót xa từng con sóng
Bão đạn mưa bom tan nát biển trời
Máu chảy dọc Hiền Lương lửa cháy
Những đau thương không thể cất thành lời

Chứa chan hy vọng từng con sóng
Ngày hoà bình đầu tiên khúc ân tình
Mấy chục năm trời mới yên tiếng súng
Cho mặt đất con người cây cỏ hồi sinh

Những con sóng vẫn nối nhau mê mải
Mãi ngân nga bờ cát trắng rạng ngời
Vẫn đâu đây bóng mình cùng bè bạn
Một Cửa Tùng xanh mãi tuổi hai mươi.

 

(Còn nữa)

Trần Mai Hưởng
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)

Lần ấy về phân xã, tôi tập trung viết xong các bài bút ký “Trên vành đai điện tử”, ”Đất quê hương”… Tôi cũng viết truyện ngắn “Mẹ Tư” vào mấy ngày nghỉ trước đợt công tác mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN