Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ 4)

Tôi nhớ suốt đời đêm hành quân ấy. Phía trước vừa đánh vừa mở đường. Mọi người cứ bám theo nhau đi trong ánh trăng suông và pháo sáng chập chờn. Vừa đi vừa căng tai mắt để nhận đường, nghe tiếng pháo nổ gần xa để phản xạ kịp thời. Có những lúc pháo biển cấp tập, mảnh đạn xé gió phát đi tiếng rít đến lạnh người.

Khoảng giữa tháng 5, trước khi quân giải phóng tiến công vào Đông Hà, Quảng Trị, phân xã được tăng cường thêm người. Các anh Lam Thanh, phóng viên tin và Minh Trường, phóng viên ảnh cùng xe của anh Ngoạn từ Hà Nội vào. Các anh Lam Thanh, Minh Trường vào như những phái viên của cơ quan tăng cường cho đơn vị, mặc dù chính thức khi đó Phân xã trưởng vẫn là anh Phạm Hoạt. Phân xã đông vui hơn, lực lượng hùng hậu hơn, đặc biệt là với các anh phóng viên lâu năm, có kinh nghiệm như Lam Thanh, Minh Trường.

Chú thích ảnh
Các cán bộ, phóng viên TTXGP Thừa Thiên - Quảng Trị. Từ trái sang, hàng trước: Thanh Phong, Đình Thuyên, Đào Phương Nguyên.

Nghỉ ngơi ít ngày, chúng tôi lại quay lại Quảng Trị cho kịp bước đi của chiến dịch. Lần này, tôi đi cùng anh Phạm Tài Nguyên, người bạn học cùng khoá, nhưng đã ở Vĩnh Linh trước khi tôi vào và khá thông thạo tình hình trong này. Chúng tôi lại quay lại Huyện uỷ Gio Linh. Ở đây, Tài Nguyên và tôi gặp các anh Ngọc Thông, phóng viên ảnh của báo Quân đội, Chí Tân và Thành Thái, quay phim của xưởng phim quân đội. Chúng tôi liền lập thành một đoàn và được đi cùng với Trung đoàn Triệu Hải (trung đoàn 27) đánh từ Gio Linh qua Triệu Phong, Hải Lăng như một mũi vu hồi, phối hợp với mũi chính đánh thẳng vào Đông Hà, Quảng Trị từ phía tây. Lần đầu tiên hành quân với một đơn vị chủ lực, lại có các phóng viên quân đội dày dạn kinh nghiệm, nên chúng tôi rất yên tâm.

Chiều ấy, theo đội hình, chúng tôi rời căn cứ ở gần đồi 31, hướng về phía Cửa Việt. Những trận đánh lớn đã bắt đầu. Khắp vùng ầm ì tiếng súng. Pháo biển bắn suốt ngay đêm. B52 thường xuyên rải bom thành từng đợt trong khi các loại tiêm kích liên tục cắt bom toạ độ vào những hướng tiến quân của ta. Chúng tôi đi theo đội hình chiến đấu có các mũi đi trước mở đường tiêu diệt các cứ điểm theo hình thức “vận động chiến”, thọc sâu vào trong vùng đang bị chiếm đóng. Từ đồi 31 đến Cửa Việt, chúng tôi hành quân trên cát. Đồ nghề lỉnh kỉnh, ba lô, máy móc, súng ống... lại phải cố theo kịp đội hình chiến đấu, nhiều lúc mệt không kịp thở. Cát lỏng, trồi sụt, bước đi rất khó khăn, luôn có cảm giác không vững vì mất lực. Có lúc chỉ mơ được một đoạn nền đất cứng để bước cho đỡ mỏi. Anh Ngọc Thông tuổi khi ấy cũng ngoài 40 rồi, nhưng vẫn rất rắn rỏi. Với vốn sống của người đã qua nhiều năm tháng ở chiến trường, đi nhiều, biết rộng, anh hay kể chuyện cười làm cho mọi người đỡ mệt và quên đi những nguy hiểm đang rình rập. Thương nhất là anh Chí Tân, người gầy leo khoẻo, máy quay thì nặng. Anh Thành Thái trẻ hơn, cố hết sức mang theo thùng phim nhựa khá nặng vì cần đủ cơ số phim quay dài ngày. Có lẽ trong nghề báo, vào lúc đó thì anh em quay phim vất vả nhất, mất nhiều công sức và nguy hiểm nhất. Để quay một đoạn phim, thời gian cần nhiều hơn bấm một kiểu ảnh rất nhiều. Điều ấy đặc biệt nguy hiểm vào những lúc ở thời điểm ác liệt, sự hy sinh cận kề.

Tôi nhớ suốt đời đêm hành quân ấy. Phía trước vừa đánh vừa mở đường. Mọi người cứ bám theo nhau đi trong ánh trăng suông và pháo sáng chập chờn. Vừa đi vừa căng tai mắt để nhận đường, nghe tiếng pháo nổ gần xa để phản xạ kịp thời. Có những lúc pháo biển cấp tập, mảnh đạn xé gió phát đi tiếng rít đến lạnh người. Tình huống gay cấn nhất là lúc trời vừa sáng, chúng tôi còn cách rặng phi lao gần mép sông chừng vài trăm mét thì trời sáng rõ. Mọi người đều giục nhau rảo bước vì máy bay trinh sát dễ dàng phát hiện đội hình trên nền cát trắng. Nhưng đi cả đêm, sức đã kiệt rồi, còn vài trăm mét nữa mà cảm thấy xa quá. Đúng lúc ấy, một tiếng hô to:

- Nằm xuống, không được động đậy. OV 10 đang đến!

Tôi vừa kịp nằm xống thì chiếc OV10 đã sà đến. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy chiếc máy bay gần đến như vậy. Nó như chạm xuống nền cát. Tiếng động đinh tai nhức óc. Có thể thấy rõ đầu của hai phi công ở bên trong. Khi chiếc máy bay vòng lại và đâm thẳng xuống chỗ tôi nằm, một luồng điện chạy dọc sống lưng. Chắc hẳn là chúng đã thấy chúng tôi. Tôi nín thở và chuẩn bị hứng đạn từ máy bay. Một cảm giác bất lực. Nền cát trống trơn. Chúng ta đang ém quân, không được nổ súng. Bầu trời do phía quân địch khống chế. Nếu chúng tôi lộ là cả một trận bom pháo sẽ dội trúng đội hình ngay. Vài tích tắc trôi qua. Khi chiếc OV10 lại vọt lên, tôi vẫn không hiểu vì sao chúng không phát hiện được chúng tôi ở cự ly gần như vậy. Hoặc có thể chúng đã thấy, nhưng vì một lý do nào đó không hiểu được mà chúng bỏ qua. Điều ấy trong chiến tranh có thể coi như sự may mắn của số phận.

Chú thích ảnh
Các phóng viên TTXGP tại Quảng Trị. Từ trái sang: Một cán bộ địa phương, Trần Thị Kim Quy; Trưởng phân xã Thanh Phong; Phạm Tài Nguyên, điện báo viên Trần Ngạn.

Chúng tôi chờ ở vạt phi lao đó để đến tối vượt sông Cửa Việt. Chúng tôi đã tham dự buổi họp bàn kế hoạch tác chiến do anh Nguyễn Huy Hiệu, khi đó là trung đoàn phó, chủ trì. Đến lúc ấy, khi nghe anh Hiệu bàn kế hoạch phối thuộc để đưa “Cua” sang sông, chúng tôi mới biết là có cả xe tăng được điều động tham gia với trung đoàn và lực lượng ở cánh phía đông. Lúc đầu, tinh thần chuẩn bị là lực lượng bộ binh sẽ bơi qua sông. Chúng tôi sẽ có những bao ni lông to, loại bọc bao gạo 50 kg, để trùm ra ngoài ba lô quần áo như những chiếc phao, rồi chia thành từng tốp vượt sông. Mọi người nói Cửa Việt hay có cá sấu làm cho một số người ngần ngại. Nhưng rất may là lực lượng du kích và nhân dân vùng Cửa Việt giúp sức kịp, nên chúng tôi có xuồng máy để sang sông.

Các đơn vị chủ công đánh ở phía trước. Chúng tôi đi với bộ phận tiền phương của trung đoàn bộ, hướng về đồng bằng các xã của Triệu Phong. Trời tối. Địa hình không thuộc. Anh em cứ bám nhau mà đi. Đến Triệu Trạch thì trời sáng. Lúc này, chúng tôi gặp được lực lượng bí mật của Huyện uỷ Triệu Phong đang bám trụ ở vùng này. Chúng tôi còn gặp ở đấy cả anh Nguyễn Lương, khi đó là Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Trị, anh Trần Văn Thạc, Bí thư Tỉnh đoàn. Các anh đã vào trước, nằm vùng để lãnh đạo trực tiếp phong trào nổi dậy ở Triệu Phong. Chúng tôi rất vui khi gặp đựơc các anh. Anh Lương đã có ý kiến rất sâu sát về hoạt động của anh em báo chí chúng tôi trong điều kiện ấy. Tôi nhớ một ý anh nhắc rằng: Phong trào lúc này đang phát triển với tốc độ một ngày bằng hai mươi năm. Sau nổi dậy và giành quyền làm chủ, vấn đề xây dựng chính quyền sẽ là nhiệm vụ hàng đầu của quân và dân trong tỉnh. Điều ấy giúp chúng tôi định hướng được hoạt động của mình.

Chú thích ảnh
Các cán bộ, phóng viên TTXGP Quảng Trị - Thừa Thiên. Từ trái sang, phóng viên Thanh Phong, điện báo viên Nguyễn Luận, phóng viên Nghiêm Sĩ Thái, điện báo viên Trần Ngạn.

Từ Triệu Trạch ngày hôm sau, năm anh em lại theo trung đoàn Triệu Hải và lực lượng của cánh phía đông đi qua Triệu Thành, Trịêu Đại, Triệu Độ… Cả một vùng đồng bằng trù phú đã được giải phóng. Các trận đánh vẫn đang tiếp diễn, nhưng lòng dân thì nô nức vô cùng. Cũng trong thời gian ấy, ở phía Tây, lực lượng chủ công đã giải phóng Đông Hà, rồi tiến về thị xã Quảng Trị. Ngay sau khi nghe tin quân địch rút chạy, chúng tôi quyết định đi theo lực lượng vào thị xã Quảng Trị từ phía Đông. Tình hình còn khá căng thẳng. Quân địch chưa rút chạy hết. Các ổ kháng cự vẫn còn. Các mũi đi trước vẫn phải nổ súng phối hợp với lực lượng chủ công từ phía Tây. Các anh Ngọc Thông, Chí Tân, Thành Thái đều dày dạn kinh nghiệm, lại quen thuộc nhiều lực lượng, nên chúng tôi luôn được giúp đỡ hết lòng. Bởi vì trên thực tế đi với mũi nào thì việc phải lo cho một đoàn nhà báo, đặc biệt là việc tác nghiệp và bảo đảm an toàn, cũng là một trách nhiệm nặng nề.

Chúng tôi là những nhà báo đầu tiên có mặt ở thị xã Quảng Trị giải phóng. Các ngả đường hoang vắng. Khói vẫn cuộn lên từ những ngôi nhà.Thành phố hoang vắng. Vũ khí, quân trang, xe cộ… ngổn ngang. Đây đó tiếng súng chốc chốc lại rộ lên. Tôi nhớ, khi trèo lên một cấy cột cao để chụp ảnh, anh Ngọc Thông đã kêu Tài Nguyên kéo tôi xuống vì nguy hiểm. Các tay súng bắn tỉa của đối phương dễ dàng nhận ra chúng tôi. Tôi chăm chú nhìn cổng khu thành cổ với kiến trúc mái cong, tường gạch và những dòng chữ nho nhoà dấu vết thời gian và không ngờ rằng chỉ ít tuần sau đó, một cuộc chiến đấu quyết tử 81 ngày đêm ở khu vực này sẽ đi vào sử sách. Đêm ấy, chúng tôi ngủ ở tầng hầm toà nhà Tỉnh trưởng, sau khi đã chụp ảnh và thu thập tài liệu, gặp gỡ chiến sĩ và những người dân còn lại trong thị xã. Bữa ăn đầu tiên trong ngày giải phóng thị xã Quảng Trị có cơm nóng, thịt hộp, chúng tôi được uống cả trà nóng và đặc biệt là có cả món kem do các chiến sĩ đang tiếp quản dinh Tỉnh trưởng chiêu đãi. Quân địch rút chạy mà trong tủ lạnh vẫn còn kem! Thật là một điều bất ngờ thú vị! Có lẽ đây là lần ăn kem nhớ đời của tôi!

Ngày hôm sau, tôi và Phạm Tài Nguyên thấy cần có người mang ảnh và viết bài về sự kiện Quảng Trị giải phóng. Nhưng ở Triệu Phong còn có một đỉểm rất quan trọng nữa là thôn Bích La Đông, xã Triệu Thành, Triệu Phong, quê hương Tổng bí thư Lê Duẩn. Cũng cần có người về Bích La Đông để viết về cuộc sống của người dân ở đây những ngày đầu giải phóng. Chúng tôi nhất trí để Phạm Tài Nguyên về trước, còn tôi sẽ ở lại. Các anh nhiếp ảnh, quay phim quân đội cũng có những kế hoạch khác. Anh em chia tay nhau nhiều lưu luyến.

Tiễn Phạm Tài Nguyên theo đường giao liên trở về Vĩnh Linh cùng phim ảnh, tài liệu, tôi một mình vác ba lô trở lại Triệu Thành, tìm về Bích La Đông. Các anh ở Huyện uỷ Triệu Phong đã gíup đỡ rất nhiệt tình. Tôi đi theo đoàn công tác của Huyện uỷ nhằm ổn định tình hình, xây dựng chính quyền. Những ngày đầu giải phóng thật là vui. Đâu cũng như một ngày hội lớn. Bà con tụ họp, gặp gỡ, thanh thiếu niên ca hát, cờ giải phóng nửa đỏ nửa xanh tung bay khắp các ngả đường… Nước sông Bích La năm ấy rất xanh trong. Bến đò đông nghẹt người. Khi xuống bến đò, thấy tôi mang ba lô, túi xách, cắm cúi ghi chép, mấy cô gái trẻ rất tò mò.

Tôi đùa: - Mấy o nhìn chi mà mà khiếp rứa?

Môt cô đùa lại: - Anh nói giọng miền Bắc nghe hay quá… Chúng em đang đoán xem anh có phải là thư ký tỉnh không?

Tôi cười phá lên vì tên gọi “thư ký tỉnh” làm mọi người trong đoàn công tác cười theo. Một anh ở huyện giải thích: - Anh ấy là nhà báo, từ Hà Nội vào! Có o nào muốn chụp ảnh không?

Chú thích ảnh
Phát tin về Tổng xã tại mặt trận. Từ trái sang, các phóng viên Trần Mai Hưởng, Trưởng phân xã Thanh Phong và điện báo viên Nguyễn Luận.

Những ngày ở Bích La Đông tôi cói dịp gặp nhiều người dân, cán bộ ở Triệu Thành. Tôi nhớ nhất là chị Phương, cán bộ hoạt động bí mật. Chị đã ở vùng này nhiều năm, bây giờ được phân công lo việc xây dựng chính quyền ở Bích La Đông, xây dựng phong trào sau giải phóng. Tôi cũng đến thăm cụ Lê Điểu, chị ruột của Tổng Bí thư Lê Duẩn, một người phụ nữ rất phúc hậu. Nhà của cụ lúc nào cũng đông người. Cụ hay nấu chè để mời cán bộ giải phóng. Tôi cũng đã đến thăm đền thờ dòng họ Lê ở Bích La, dự một cuộc gặp mặt đông đảo bà con trong họ; chụp ảnh ngôi nhà thờ này và những người có mặt ở Bích La vào thời điểm đó. Tôi ghi chép cẩn thận tên tuổi từng người để làm tư liệu sau này.

Chị Phương và các đồng chí ở Triệu Thành chuẩn bị cho lễ ra mắt chính quyền cách mạng ở thôn Bích La. Tôi góp phần cùng với anh em thanh niên trong thôn trang hoàng cờ, khẩu hiệu cho ngày thành lập chính quyền. Thiếu bàn ghế, một số thanh niên còn lên tận thị xã Quảng Trị để chuyển về. Việc ra mắt chính quyền cách mạng ở Bích La, ngoài yêu cầu chung của xã, của huyện, cá nhân tôi rất mong sự kiện này sớm được tổ chức. Một lý do về nghiệp vụ thông tin. Bài viết về Bích La chỉ có thể hoàn chỉnh với lễ ra mắt này, mà thời gian thì không chờ đợi. Tin tức về giải phóng Triệu Phong, Quảng Trị… đang làm nức lòng cả nước. Không thể không có sớm bài về Bích La Đông!

Tôi đã làm hẳn một phóng sự ảnh và viết bài “Bích La Đông giải phóng”, một bài viết tôi để nhiều tâm tư, sự xúc động của mình. Sau này, tôi được biết, bài viết và phóng sự ảnh đựơc Thông tấn xã phát, được dùng rộng rãi trên báo, đài. Các bức ảnh về dòng họ của bác Lê Duẩn tôi gửi ra Hà Nội và được chuyển đến văn phòng Tổng Bí thư. Tôi được nghe nói, Tổng Bí thư cho hỏi Thông tấn xã xem đồng chí phóng viên này hiện ở đâu để ông gặp và hỏi chuyện. Cơ quan báo cáo lên trên là phóng viên vẫn đang ở chiến trường, không có mặt ở Hà Nội… Điều ấy cũng là một niềm động viên đối với một phóng viên trẻ như tôi trong thời gian ấy.

Chú thích ảnh
Lễ thành hôn của Trưởng phân xã TTXGP Quảng Trị, nhà báo Thanh Phong và vợ, chị Nguyễn Thị Nguyệt, chính trị viên huyện đội Gio Linh sau ngày giải phóng.

Buổi sáng ra mắt chính quyền ở Bích La xong, tôi lên đường ra Vĩnh Linh ngay. Thời gian không chờ đợi. Một cuộc chia tay nhiều lưu luyến với cán bộ và nhân dân Bích La. Tôi theo đường giao liên của huyện về Triệu Trạch. Tại đây, tôi lại gặp anh Nguyễn Lương, Trưởng ban tuyên giáo. Và cũng là một sự tình cờ, tôi gặp đoàn công tác của Cục tuyên huấn Mặt trận B5 do anh Cao Bá Đồng dẫn đầu cũng đang nghỉ chân ở Triệu Trạch. Trong đoàn của Cục tuyên huấn có anh Vũ Tín, phóng viên ảnh của Tổng xã được biệt phái vào mặt trận B5. Tôi mừng vô cùng. Ở Hà Nội, tôi chỉ biết anh Vũ Tín là một phóng viên rất giàu kinh nghiệm, tác giả bức ảnh bốn nhà lãnh đạo đứng túc trực bên linh cữu Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác. Anh em gặp nhau tay bắt mặt mừng. Anh Đồng, anh Tín hỏi tôi tình hình ở thị xã Quảng Trị và Triệu Phong. Tôi tranh thủ báo cáo mọi việc. Anh Cao Bá Đồng nghe rất chăm chú, còn ghi chép vào sổ tay những ý cần thiết. Chúng tôi chia tay nhau vào lúc cuối chiều. Tôi không ngờ đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối tôi gặp anh Cao Bá Đồng. Chỉ ít ngày sau, chúng tôi bàng hoàng nghe tin anh Cao Bá Đồng hy sinh. Chúng tôi ra trạm trung chuyển thương binh ở Cửa Tùng để đón anh Vũ Tín. Anh đã bị thương nặng, cụt một chân. Các anh bị bom tọa độ đúng ngôi nhà ở Triệu Độ mà tôi đã từng nghỉ lại. Tôi vẫn còn nhớ buổi đến thăm ấy. Anh Vũ Tín đã ôm lấy anh Minh Trường, người bạn đồng nghiệp, rất gần gũi với anh mà khóc òa lên… Mất mát quá lớn. Tôi hiểu rằng, đối với một phóng viên ảnh, bị mất một chân, cuộc đời cầm máy sẽ khó khăn biết chừng nào!

Bài thơ: ÁNH SÁNG

Ba năm ở hầm
Ngày đầu tiên lên mặt đất
Chị không chịu nổi ánh sáng thiên nhiên
Mắt nhìn chói buốt
Phải tập quen dần
Mỗi ngày chịu sáng thêm một ít

Ba năm trong bóng tối
Chị sống với những âm thanh
Tiếng thở dài suốt năm canh
Cơ sở đợi người liên lạc
Giọt lệ lặng lẽ rơi
Khóc người ngã xuống
Rặng tre rì rào
Con dế rúc trong đêm thanh vắng
Pháo cầm canh
Tiếng chân lính đi tuần

Chị cảm nhận bằng đôi tay
Gương mặt nhăn nheo của mẹ
Phút giây gặp mặt
Mặt vải mềm của lá cờ
Ngày tuyên thệ
Bàn tay thô ráp
Người đồng đội
Chất thép lạnh tanh
Đạn đã lên nòng

Chị hít thở
Hương lúa lên đòng
Làn gió quê hương
Mặn mòi vị biển
Nồng khét những hố bom
Mùi mồ hôi đã thành quen
Người bạn cùng hầm

Ngày đầu tiên ngập tràn ánh sáng
Chị lại ngỡ ngàng
Người ta phải làm quen
Cả với những niềm vui sướng
Những gì trong bóng đêm hiện ra nguyên vẹn
Con người không chỉ nhìn bằng mắt
Ôi ánh sáng diệu kỳ!

 

(Còn nữa)

Trần Mai Hưởng
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)

Lần ấy về phân xã, tôi tập trung viết xong các bài bút ký “Trên vành đai điện tử”, ”Đất quê hương”… Tôi cũng viết truyện ngắn “Mẹ Tư” vào mấy ngày nghỉ trước đợt công tác mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN