Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)

Lần ấy về phân xã, tôi tập trung viết xong các bài bút ký “Trên vành đai điện tử”, ”Đất quê hương”… Tôi cũng viết truyện ngắn “Mẹ Tư” vào mấy ngày nghỉ trước đợt công tác mới.

Chú thích ảnh
Trên vành đai điện tử, từ trái sang, các phóng viên Lam Thanh, Xuân Lâm và Minh Trường.

Các bài viết này đều được dùng rộng rãi trên các báo. Truyện “Mẹ Tư” tôi viết từ nguyên mẫu một người mẹ ở khu tập trung Quán Ngang, nhiều năm giả điên để làm cơ sở cho cách mạng. Anh Mai Văn Đồng, Bí thư Gio Mỹ kể cho tôi nghe chuyện này. Tất nhiên tôi đã đổi tên nhân vật và một số chi tiết để cho câu chuyện sinh động hơn. Tôi gửi bản viết tay ra Hà Nội. Ít tuần sau mọi, người nhắn vào là báo Văn Nghệ đã đăng truyện ngắn đầu tiên của tôi. Điều này làm tôi rất vui. Sau đó, tôi viết tiếp các truyện ngắn khác như “Mùa bướm trắng”, “Đôi mắt mặt trận”… Do điều kiện lúc đó, đấy mới chỉ là những phác thảo.

“Mùa bướm trắng” viết về số phận một người phụ nữ chờ chồng đi tập kết, phải làm xấu mình đi để những kẻ khác không chú ý và tìm mọi cách thoát khỏi những cám dỗ của cuộc sống đơn côi, cả những ý đồ nham hiểm của đối phương nhằm đánh đổ những“ biểu tượng” cho lòng chung thủy với người thương, với cách mạng. Tôi đặt tên truyện như vậy vì năm đó, không hiểu sao, sau giải phóng, bướm trắng về vùng đồng bằng nhiều vào đúng mùa lúa chín, với mấy câu thơ đề từ cho đoạn mở đầu:

Cánh bướm ngày xưa sao trắng lạ lùng
Trắng nỗi thương em bao đêm dài trắng
Cánh bướm ngày nay sao trắng lạ lùng
Trắng nỗi thương em vạn ngày cay đắng…

Truyện “Đôi mắt mặt trận” viết về tình cảm giữa một cô bé ở hậu phương với một chú phóng viên ảnh ở mặt trận, tên là Thắng. Cô bé viết thư với các bạn cùng lớp gửi ra mặt trận động viên các chú bộ đội. Tình cờ, bức thư ấy đến với Thắng. Anh viết thư trả lời và nhờ đó, cô bé và các bạn biết được về nghề phóng viên ảnh chiến trường nhiều gian lao. Sau này, truyện ngắn “Đôi mắt mặt trận” đăng trên báo Văn Nghệ, được họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ minh họa rất đẹp. Có người hỏi tôi có phải tôi viết về nhà nhiếp ảnh Minh Trường không. Tôi không biết trả lời thế nào. Khi tôi viết, quả thực tôi cũng nghĩ đến anh. Nhưng tôi cũng nghĩ đến những người khác. Văn học là xây dựng hình tượng, tính cách nhân vật. Tôi đã lấy những nét đặc trưng của người phóng viên ảnh chiến trường từ những đàn anh, những đồng nghiệp của mình để tổng hợp nên hình ảnh người phóng viên trong câu chuyện đó. Chỉ biết rằng anh Minh Trường rất thích truyện ngắn này. Đấy cũng là một kỷ niệm nghề nghiệp đối với tôi.

Đầu tháng 7, cuộc chiến phản kích của quân Sài Gòn diễn ra quyết liệt. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ cũng quyết liệt không kém. Không chỉ như vậy, cuộc chiến diễn ra trên toàn mặt trận, cả ở Triệu Phong, Hải Lăng và các nơi khác. Vào thời điểm này, một lực lượng tăng cường khá lớn của Thông tấn báo chí quân sự được đưa vào Quảng Trị. Một lớp sinh viên báo chí vừa ra trường bổ sung vào quân đội. Đoàn do anh Hồ Minh Khởi, cán bộ Thông tấn quân đội phụ trách, khi vào mặt trận, đoàn có ghé thăm phân xã Vĩnh Linh.

Trong đoàn đó có các nhà báo sau này trở nên quen thuộc với bạn đọc cả nước như Quang Thống, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Nguyễn Dĩnh, Khánh Toàn, Diệp Xuân Phong, Nguyễn Đức Thiện… Tôi không nhớ hết mấy chục người trong đoàn, nhưng chỉ biết rằng, nhiều người đã mau chóng thích nghi với chiến trường và làm việc rất có hiệu quả. Hầu hết anh em trong đoàn đều bám theo các mũi chính của bộ đội trên chiến trường, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tuyên huấn mặt trận B5. Chỉ tiếc là anh Hồ Minh Khởi, ít tuần sau khi đến Quảng Trị, đã hy sinh trong một trận bom. Tôi vẫn nhớ anh, người thấp đậm, giọng miền Trung dễ gần, vui vẻ, thân thiện với đồng nghiệp. Con người có số phận. Anh đã ngồi phía trong hầm, nhưng một mảnh bom đã trúng vào ngực anh, trong khi mấy người ngồi trước lại không việc gì. Sau anh Nghĩa Dũng, anh là liệt sĩ thứ hai của cơ quan thông tấn quân sự ngã xuống ở Quảng Trị năm 1972!

Nói về bom pháo ở Quảng Trị hồi đó thì thật là đủ loại. Những bộ óc thông minh nhất của người Mỹ đã nghĩ ra các kiểu đạn giết người rất tinh vi. Có loại bom tấn, bom tạ, bom bi, nổ nhanh, nổ chậm, rải từ các loại máy bay tiêm kích, cường kích đến B52 cho mọi loại mục tiêu. Có loại pháo thông thường, đạn nổ trên mặt đất, có các loại mìn sát thương với nhiều mục đích khác nhau. Có các loại pháo chơm, pháo chụp, nổ cách mặt đất chừng mười mét với đủ các loại đinh ở bên trong, khi đạn nổ, tầm sát thương trong bán kính mấy chục mét. Có loại pháo khoan, xuyên sâu vào lòng đất để phá các công sự. Có loại xuyên sâu, đến khi nào gặp khoảng không, như trúng hầm của đối phương, mới được kích nổ. Có một câu chuyện được truyền nhau là chuyện có thật mà như đùa. Một phụ nữ ở Gio Linh nằm hầm. Trời nóng quá, chị quay đầu vào trong, chân để ngoài khi ngủ. Một quả pháo lùi rơi trúng giữa hai chân chị, làm bỏng cả hai đùi mà chị không chết. Quả pháo đó chỉ phát nổ khi khoan sâu xuống và gặp khoảng không. Vùng đó là đất cát, phía dưới chẳng có công sự gì. Một sự tình cờ rất hy hữu trong chiến tranh.

Nhân nói về lớp phóng viên Thông tấn quân sự tăng cường cho Quảng Trị, tôi nhớ mãi câu chuyện liên quan đến bác Lê Lâm, phụ trách công tác tổ chức của ngành. Phóng viên Ngọc Đản, trong một lần vào thị xã Quảng Trị công tác, anh chụp ảnh các chiến sĩ đang giữ Thành cổ. Trong số đó, có một người lính trẻ. Anh giới thiệu là con của bác Lâm. Ngọc Đản chụp ảnh chân dung người lính ấy. Ảnh gửi ra Hà Nội, đăng báo, bác Lê Lâm nhận ra con trai mình… Rất buồn là sau đó ít ngày, trong một trận đánh, người con trai của bác đã hy sinh. Đấy là bức ảnh cuối cùng về người chiến sĩ ấy. Sau này khi ra Hà Nội, tôi gặp bác Lâm và nghe lại câu chuyện bác kể. Tôi không thể nào quên gương mặt đau buồn của bác, một người cán bộ tận tụy với ngành, sống rất liêm khiết, mẫu mực. Bác trước ở Ban miền Bắc, sau chuyển về làm công tác tổ chức, rồi làm công tác Đảng. Một cán bộ đã qua hai cuộc kháng chiến. Hàng triệu gia đình người Việt Nam đã chịu đựng những nỗi đau ấy, nhưng câu chuyện về người con của bác và phóng viên Ngọc Đản tôi cứ nhớ mãi! Cũng là một sự tình cờ, Ngọc Đản và tôi cùng một số anh em lớp phóng viên Thông tấn quân sự ấy còn có dịp cùng nhau đi chiến dịch Hồ Chí Minh trong mùa xuân 1975 lịch sử và cả những năm tháng ở Campuchia sau này.

Cũng vào dịp đó, anh Xuân Lâm bị thương trên đường cùng Trương Đại Chiến mang tài liệu, phim ảnh về chiến dịch ra Hà Nội. Pháo bắn dọc đường. May là anh Xuân Lâm chỉ bị mảnh đạn găm vào ngực. Cũng là một lần thần chết chạm vào người. Chiến tranh là vậy, ngay cả đường trở ra cũng nguy hiểm chẳng khác gì ở mặt trận. Năm ấy, Xuân Lâm đã có con gái. Bút danh Xuân Lệ anh dùng là tên cô con gái đầu lòng. Anh là một phóng viên có tay nghề, sống hiền lành, nhường nhịn, nên được mọi người rất quý. Tôi nhớ hôm rời Hà Nội vào trong này, chị Xiêm vợ anh cũng đến đưa tiễn. Tôi hiểu rằng, với những người đã có gia đình, việc đi vào nơi sống chết là một thử thách nặng nề hơn rất nhiều so với đám thanh niên chúng tôi. Vì thế, tôi càng thêm nể phục các anh.

Thời gian đó, theo sự phân công chung, phân xã vẫn tập trung đưa tin về các hoạt động xây dựng chính quyền cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng ở phía Nam và các mặt hoạt động của đặc khu Vĩnh Linh. Các chuyến đi sang bên kia sông vẫn tiếp tục. Hồi đó có chủ trương giới thiệu điển hình anh hùng liệt sĩ Trần Thị Tâm, một nữ cán bộ xã ở Quảng Trị đã kiên trì bám dân, bám đất, không ngại hy sinh gian khổ để xây dựng phong trào. Các anh Lam Thanh, Tài Nguyên, Minh Trường dành nhiều thời gian viết các loạt bài về người nữ anh hùng này.

Tôi vẫn đi về giữa hai bờ sông Bến Hải cùng với anh Phạm Hoạt, Hồ Bích Sơn làm tin, viết bài, chụp ảnh về những hoạt động khác. Địa bàn rộng, chiến sự ngày càng ác liệt khi chiến dịch chống phản kích ở đỉnh cao. Mỗi chuyến đi là một nguy hiểm, gian lao riêng, nhưng tôi nhớ nhất là chuyến đi về Triệu Phong lần ấy. Hình như tôi có duyên nợ với mảnh đất ấy nhiều hơn những nơi khác trong tỉnh, kể từ lần viết bài về Bích La Đông và những lần khác sau này.

Khoảng tháng 8, tôi được cử về Triệu Phong để viết về chiến dịch chống phản kích. Lúc này, cường độ ác liệt trên toàn chiến trường tăng cao. Phía trước là các trận đánh giáp mặt ở thị xã Quảng Trị và trên toàn tuyến, suốt từ Triệu Phong, Hải Lăng, rồi ngược lên miền tây. Ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, mật độ phi pháo dày đặc. Ở trong bối cảnh ấy, tôi một mình vác ba lô qua sông Hiền Lương. Tôi đến phân xã Quảng Trị trên đất Gio Linh, gặp anh Thanh Phong. Anh giúp tôi nắm tình hình qua cơ quan tiền phương của Tỉnh ủy và mặt trận cánh Đông. B52 thường xuyên bay trên bầu trời, khi tốp ba, lúc tốp sáu, cùng với dàn OV10 chỉ điểm lơ lửng suốt ngày. Pháo bắn liên tục từ biển và từ đất liền phía đối diện, nơi quân đội Sài Gòn kiểm soát. Các loại phản lực cắt bom tọa độ, ném bom bi, bom nổ chậm, đánh theo mục tiêu thường xuyên. Ngại nhất là B52, vì mỗi lần cắt bom là hàng chục quả nổ thành lớp, thành hàng dày đặc, nếu ở trong vòng oanh tạc thì tỷ lệ thương vong vô cùng lớn. Bình thường, B52 cắt bom theo đội hình, có lúc “ăn lên”, nghĩa là loạt bom đầu gần mình, rồi các loạt sau tiến dần lên (ba hoặc sáu loạt). Có lúc, chúng cắt theo kiểu “ăn xuống”, nghĩa là loạt đầu ở xa, loạt sau càng gần. Bom bay theo loạt, tiếng bay lao xao trong không khí khi đi qua đầu nghe như có ai đang vò một lớp lụa mỏng trên không trung. Nghe thấy tiếng kêu ấy, coi như an toàn, bom sẽ vượt lên chỗ mình đứng và mục tiêu là ở đâu đó phía trước hoặc sau mình. Sợ nhất là bom đánh trúng nơi mình đang ở, vì chẳng có dấu hiệu gì để nhận biết. Thậm chí, chỉ thấy đất dềnh lên đột ngột, từng cột khói bom nối nhau giăng hàng, lửa chớp liên hồi, rồi sau đó mới nghe thấy tiếng nổ, mà đã nổ thì đinh tai nhức óc, ù cả hai tai, tức ngực hoặc ngất đi, khó có thể di chuyển kịp.

Hôm ấy, tôi và anh Thanh Phong đã nếm mùi một trận B52 đúng như thế. Chúng tôi đang đi ở khoảng giữa Dốc Miếu và Đông Hà, men theo đoạn quốc lộ 1 để đến cơ quan tiền phương của Tỉnh ủy. Hai anh em đang qua một cánh ruộng rồi vượt qua một bãi tha ma gần một ngôi làng thì trúng bom. Đột nhiên, đất chuyển, rồi tôi thấy những loạt bom giăng ngay trước mặt, cảm giác về một khoảng chân không làm mình cảm thấy khó thở, rồi những đợt sóng trong không gian ập tới. Anh Thanh Phong là người phản xạ rất nhanh, với kinh nghiệm trận mạc của mình, anh kéo ngay tôi nằm xuống giữa hai ngôi mộ, ấp mặt xuống đất, tay che lên đầu. Những tiếng nổ như sấm sét nối nhau. Tôi không còn cảm giác gì nữa, chỉ nghe lơ mơ anh Phong hét:

- Nằm xuống Mai Hưởng! Chạy là chết đấy!

Loạt thứ hai, rồi loạt thứ ba... Nhờ Trời, hôm ấy, bom “ăn lên”. Những loạt sau cứ xa dần chúng tôi. Mảnh bom bay dày dặc trong không gian. Tôi chẳng nghe thấy gì, nhưng có thể cảm nhận được độ lạnh của những vật thể chết chóc ấy bay ngang sát qua mình. May mà có mấy ngôi mộ. May mà anh Phong và tôi kịp nằm xuống và không chạy. Vì lúc ấy chỉ cần sợ quá, đứng lên, vùng chạy, tức là tự sát trong một biển những mảnh bom đang bay trên mặt đất. Một lúc sau, tôi còn bàng hoàng sờ khắp người xem mình có bị thương không. Sau đó, hai anh em mới ôm nhau, mừng cho một phen chạm mặt thần chết mà không ai bị làm sao, tôi chỉ bị cảm giác tức ngực mất vài hôm, nhưng không có gì là ghê gớm lúc đó. Bởi vì đối mặt với cái chết, bản năng sinh tồn rất lớn. Cũng chẳng có thời gian mà sợ nữa. Những nguy hiểm khác đang ập đến rồi. Phải vững lòng và cố gắng vượt qua thôi.

Ngay tối hôm ấy, khi chia tay anh Phong để cùng tổ công tác của An ninh tỉnh vượt sông Hiếu sang đất Triệu Phong, tôi còn dính mấy trận bom pháo nữa. Càng ra phía trước, mức độ ác liệt càng tăng. Thương nhất là lúc trời chập choạng, chúng tôi ngang qua một làng bên sông Hiếu. B52 vừa đánh xong. Mọi người đang cấp cứu các nạn nhân. Mấy chục xác người mới được đưa từ trong bãi bom ra, nhiều người bị sức ép, quần áo bay hết. Chúng tôi cũng dừng lại giúp bà con một tay. Về chuyện này, sau này tôi có viết bài “Có gì trong những bãi bom B52” để tố cáo tội ác vô cùng dã man của quân đội Mỹ dùng loại vũ khí được coi là “chiến lược” này, đánh vào những khu dân thường ở Quảng Trị.

Sau đó, chúng tôi lại lên đường vượt sông Hiếu vào Triệu Phong. Trong khi ngồi chờ đò, tôi còn cẩn thận ghi tên tuổi, địa chỉ vào một mảnh giấy, cho vào môt cái túi ni lông trong đó có giấy giới thiệu của cơ quan, cất vào túi áo ngực và lấy kim băng cài lại. Một sự phòng xa cần thiết. Nếu tôi có mệnh hệ gì thì mọi người cũng biết tôi là ai và báo về cho cơ quan hay gia đình được biết. Vì có nhiều trường hợp, đồ đạc bay đi mất, chỉ còn lại xác người trong bãi bom, có trường hợp không có gì để biết nạn nhân là ai cả!

Chúng tôi đến ngay xã Triệu Trạch, nơi sở chỉ huy của phân đội 1 bộ đội địa phương huyện Triệu Phong và Đảng ủy xã. Các đồng chí lãnh đạo phân đội, các anh Phan Minh, Bí thư Đảng ủy, Nguyễn Văn Hường, Xã đội trưởng,… rất quan tâm đến tôi, một nhà báo mới vào, chưa am hiểu tình hình lúc đó, mặc dù Triệu Trạch là nơi tôi đã từng qua như đã nói đến trong các phần trên. Chúng tôi nắm tình hình, rồi từ đó đi các thôn Long Quang, Lễ Xuyên, Linh Quang, sang Triệu Hòa, Triệu Tài, Triệu Long… Chúng tôi đã có dịp chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt giành giật từng tấc đất với quân Sài Gòn. Có không ít tình huống nguy hiểm khi làm việc ở vùng chiến sự trực tiếp, đan xen giữa hai bên. Một sự di chuyển dù ngắn nhất cũng phải tính toán. Một bữa ăn cũng phải co kéo sao cho hợp lý và an toàn, vừa ăn vừa sẵn sàng nổ súng chiến đấu. Có đêm, tôi ở Long Quang với anh em trong đội du kích. Đầu thôn là quân ta. Cuối thôn là quân Sài Gòn. Trận đánh có thể xảy ra bất cư lúc nào. Tôi nhớ đêm ngủ lại đó rất căng thẳng. Súng ngắn lên đạn sẵn để bên người. Máy ảnh, túi tài liệu một bên vì ba lô đã gửi lại chỗ Đảng ủy xã cho gọn. Mấy anh em du kích dặn tôi:

- Có gì là anh theo tụi em di chuyển ngay nhé. Nhớ bám sát nhau, khi thật cần mới nổ súng…

Giấc ngủ đêm ấy rất chập chờn, vì mệt mỏi, nên có lúc thiếp đi, nhưng sự căng thẳng làm mỗi người không thể ngủ yên giấc. Tiếng súng lâu lâu lại nổ. Pháo bắn cầm canh suốt đêm cho tới sáng. Sau chuyến đi ấy, tôi có viết các bài “Bám trụ quê hương đánh giặc giữa làng”, "Tội ác và lòng hận thù"…

Những ngày ấy, tôi gặp nhiều người, cán bộ, du kích, bộ đội, ai cũng thương yêu và che chở cho mình. Nhưng có một người phụ nữ làm tôi nhớ nhất. Đó là chị Khuya. Chị là cán bộ phụ nữ xã Triệu Trạch, khi đó lo công việc hậu cần cho bộ phận chỉ huy của xã. Trong điều kiện ác liệt như vậy, lo được bữa ăn cho mọi người cũng là một cố gắng lớn và một công việc không kém nguy hiểm. Một đám khói lên cũng có thể là mục tiêu pháo kích. Hàng ngày, người phụ nữ thấp nhỏ, có gương mặt bình thản đến lạ kỳ đó cần mẫn lo bữa ăn cho mọi người. Chị rất quan tâm đến tôi vì biết tôi là nhà báo từ ngoài Hà Nội vào. Ăn lương khô mãi cũng xót ruột, nên một bát cơm nóng, một ít rau luộc hái vội trong các nhà dân cũng rất quý. Tôi nhớ mãi câu chuyện chị kể trong một lần hai chị em có khoảng thời gian rảnh rỗi. Chị đã tham gia công tác từ ngày chưa giải phóng. Nhiều năm, chị đã ở hầm để gây dựng phong trào. Chỉ ban đêm chị mới lên hoạt động, chắp nối các cơ sở, mãi thành quen. Đến ngày giải phóng, những ngày đầu chị không dám ra đường vì không quen ánh sáng mặt trời. Cả tuần sau mới quen được điều đó. Cái tên Khuya rất ấn tượng và đúng với con người chị. Những năm tháng khó khăn ác liệt, chính những người như chị là điểm tựa cho đồng bào trong mỗi thôn làng giữ vững lòng tin ở cách mạng, nhen nhóm những đốm lửa nhỏ trong đêm đen để chờ thời cơ bùng lên thành những ngọn lửa lớn, thành sức mạnh cho công cuộc giải phóng quê hương. Chia tay Triệu Phong trong những ngày chống phản kích ác liệt, tôi nhớ mãi hình ảnh người phụ nữ lặng thầm ấy ở Triệu Trạch trong nhiều năm tháng sau này.

Sau lần đi Triệu Phong ấy, lo xong bài vở, tôi lại cùng anh em phân xã thực hiện các chuyến đi khác. Vẫn lại qua hai bờ giới tuyến để phản ánh về công cuộc giành dân, giữ đất, xây dựng chính quyền ở vùng giải phóng cũng như các mặt hoạt động bảo vệ quê hương, chi viện cho phía trước trên Vĩnh Linh, đất thép anh hùng. Có thể nói rằng, dưới sự chỉ đạo của Tổng xã từ Hà Nội, anh em phân xã trong điều kiện rất khó khăn, ác liệt đã không ngại hy sinh, gian khổ, gắn bó thương yêu nhau để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đến khoảng giữa tháng 11, khi những tin tức tại Hội nghị Paris về Việt Nam thu hút sự quan tâm hơn và có những chuyển biến mới thì một bộ phận phân xã được lệnh trở ra Hà Nội, trong đó có các anh Phạm Hoạt, Minh Trường, Hồ Bích Sơn, Ngô Duy Phùng và tôi. Phạm Tài Nguyên và Cù Yến Vũ ở lại tiếp tục công việc. Lúc ấy, anh em trong đơn vị chưa hiểu rõ được tình hình, chỉ biết chấp hành mệnh lệnh và tổ chức lên đường. Chúng tôi chia tay Tài Nguyên và Cù Yến Vũ với bao lưu luyến. Không có gì sâu nặng bằng tình người đã gắn bó với nhau trong lúc hiểm nguy. Chúng tôi đều chúc cho nhau sự may mắn, bình yên. Vì người ở lại nhiệm vụ còn nặng nề. Người lên đường trở ra cũng phải đối mặt với những nguy hiểm, bởi vì, trên trục đường ra Bắc, máy bay Mỹ đánh phá rất ác liệt. Không ít gian nan đang chờ đón chúng tôi trên đường trở ra.

Khi ấy, tôi cũng không thể nghĩ rằng ít tuần sau đó, tôi lại trở lại Quảng Trị để tiếp tục làm nhiệm vụ của một phóng viên TTXVN, tham gia vào việc thông tin quá trình đấu tranh thực thi Hiệp định Paris về Việt Nam trên mảnh đất đã chịu vô vàn hy sinh mất mát này.

Bài thơ: TRỞ LẠI HIỀN LƯƠNG

Thanh bình quá sáng nay sông vẫn chảy
Tự xa xưa trong trẻo cội nguồn
Như chẳng có một thời lửa đạn
Từng câu hò mảnh pháo cũng cắt ngang

Tôi gặp lại mình tuổi hai mươi yêu dấu
Lần đầu bên sông một thoáng sững sờ
Đất nước chia đôi nơi dòng sông bé nhỏ
Bão đạn mưa bom gieo chết chóc cả đôi bờ

Một nhát chém giữa lòng tổ quốc
Biết mấy lỡ làng đau đớn xót xa
Bầm dập hoang tàn nát tan xứ sở
Trong tầm tay mà cay đắng chia lìa

Như thấy lại cây cầu xưa gãy gục
Mấy nhịp chơ vơ ở giữa dòng
Chỉ nhói lên vết sơn ở giữa
Ranh giới hai miền chỉ một lằn ngang

Hàng triệu người ngày ấy đã qua sông
Những ám ảnh một thời lửa cháy
Nhiều người ra đi không một lần trở lại
Gửi bóng mình vào sóng nước hôm nay

Những nẻo đường tôi qua trên mặt đất này
Nửa thế kỷ bao nhiêu là bờ bến
Trở lại đây cuối đời như hò hẹn
Gặp lại sông mà để gặp lại mình

Đất nước mình bao nhiêu dòng sông
Nhưng duy nhất chỉ Hiền Lương là một
Mong những chia cắt một thời mãi liền da thịt
Trong lòng sông và cả lòng người.

 

(Hết)

Trần Mai Hưởng
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ 6)
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ 6)

Sau chuyến đi từ Bích La Đông về lần ấy, nghỉ ngơi ít ngày, tôi lại cùng tổ công tác quay lại Quảng Trị. Sau khi giải phóng thị xã, tình hình đang nóng dần lên với các ý đồ phản kích của đối phương. Đoàn đi lần này do trưởng phân xã Phạm Hoạt dẫn đầu, gồm cả các anh Minh Trường, Xuân Lâm và tôi. Không khí giải phóng đang rộn ràng dọc cả một vùng rộng lớn. Đâu đâu cũng thật nô nức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN