Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ 6)

Sau chuyến đi từ Bích La Đông về lần ấy, nghỉ ngơi ít ngày, tôi lại cùng tổ công tác quay lại Quảng Trị. Sau khi giải phóng thị xã, tình hình đang nóng dần lên với các ý đồ phản kích của đối phương. Đoàn đi lần này do trưởng phân xã Phạm Hoạt dẫn đầu, gồm cả các anh Minh Trường, Xuân Lâm và tôi. Không khí giải phóng đang rộn ràng dọc cả một vùng rộng lớn. Đâu đâu cũng thật nô nức.

Chú thích ảnh
Các phóng viên Lam Thanh và Xuân Lâm ở thị xã Quảng Trị giải phóng.

Chúng tôi qua sông Bến Hải rồi cứ theo trục đường một về hướng Đông Hà. Bà con ở các khu tập trung đã trở về, dựng làng, khai hoang sản xuất. Đồng ruộng bỏ hoang lâu ngày, cỏ mọc cao. Muốn sản xuất lại, người ta phải đốt cỏ để giải phóng đất mà cũng là một cách phá bom mìn còn sót lại. Cả một vùng giới tuyến đâu cũng thấy khói đốt đồng cuộn bay trong nắng, mặc dù máy bay địch vẫn dòm ngó và cắt bom bất thình lình, pháo vẫn căn dọc theo các tuyến đường, B52 vẫn đánh vào các trọng điểm nghi ngờ…

Chuyến đi ấy, lần đầu tiên tôi mới theo quốc lộ 1, đi ngang qua khu tập trung Quán Ngang, vượt Dốc Miếu về Đông Hà. Bữa đứng trên đỉnh Dốc Miếu, tôi mới có dịp nhìn toàn cảnh vùng vành đai điện tử. Những xác xe tăng, xe thiết giáp địch nằm rải rác hai bên đường. Một vùng vĩ tuyến 17 rất gần gũi. Mảnh đất này sẽ mãi đi vào lịch sử của một thời kỳ chia cắt, giằng xé với bao cảnh ngộ, bao đau thương xé lòng. Đây cũng là vùng đất tiêu biểu cho ý chí quật cường, khát vọng thống nhất của người Việt Nam qua bao nhiêu thế hệ. Đấy cũng là lần duy nhất chúng tôi chụp được ảnh khu tập trung Quán Ngang chen chúc những mái tôn lụp xụp, nơi giam giữ hàng ngàn con người. Bởi vì, rất nhanh sau đó, bà con đã tháo dỡ những khu nhà ấy, lấy nguyên vật liệu về để dựng nhà trên nền đất cũ! Bao nguy hiểm, chết chóc vẫn đang còn, những thử thách ở phía trước, nhưng sự sống đã trở về với bao chuyển động hối hả.

Chúng tôi có một bữa trưa nhớ đời ở Dốc Miếu. Sau khi đi chụp ảnh căn cứ, thăm thú các nơi, mấy anh em xem lại thì bi đông nước của người nào người ấy đều cạn. Trời nắng và khát quá, ai cũng phải uống nhiều. Chỉ có lương khô và sữa bột. Có gạo thì cũng chẳng biết nấu bằng gì. Bí quá, mấy anh em phải lấy nước ở hố bom dưới chân dốc lên rồi cho thuốc sát trùng vào hòa tan, sau đó quấy sữa bột ăn với lương khô cho dễ nuốt, đồng thời cũng là nước uống luôn. Lúc đầu, tôi ngửi mùi nước tanh tanh, không dám uống. Sau cũng nhắm mắt làm một ca sau khi cho thuốc sát trùng và mấy thìa sữa. Không ăn thì không có sức đi tiếp vào Đông Hà. Đường cũng còn xa, nhà dân cũng không gần. Rất may bữa ấy, anh em trong đoàn không ai bị đau bụng! Có lẽ bản năng sinh tồn mạnh hơn trong lúc khó khăn này vì nếu bình thường ra, thế nào cũng bị đau bụng với món ăn đặc biệt ấy.

Mỗi vùng đất đều có những đặc sản riêng. Nhớ những ngày đi bộ trên cát, dưới trời nắng ở Quảng Trị, tôi lại nhớ tới nước lá nổ, một loại cây mọc trên cát, được người dân ở đây phơi khô, đun nước uống như nước trà, nước vối ngoài Bắc. Nước lá nổ có vị đậm, hăng hăng, nhưng đi đường, trời nắng uống rất đỡ mất sức. Hương vị ấy nhiều năm sau này tôi vẫn không quên.

Sau một hồi nghỉ ngơi, mấy anh em lại đi tiếp về Đông Hà. Cuối giờ chiều, chúng tôi tìm đến nơi dừng chân của tiểu đoàn 8, gọi là K8, bộ đội địa phương của tỉnh. Gọi là bộ đội địa phương, nhưng chính trị viên Khuông, tiểu đoàn trưởng Vững đều là người ngoài Bắc. Cứ tưởng được nghỉ ngơi, cả tối hôm đó, chúng tôi được tin B52 sẽ đánh vào địa bàn đóng quân. Lại một đêm không ngủ và sẵn sàng đối phó với mọi chuyện. Nhưng ở với bộ đội, ít nhất là được ăn no và vững tâm hơn nhiều. Rất may đêm đó không có chuyện gì xảy ra.

Chúng tôi ở với các chiến sĩ K8 một ngày. Đời sống mặt trận của đám lính trẻ dẫu ác liệt vẫn không kém phần vui nhộn. Ngoài bộ phận trực chiến, anh em vẫn ca hát, chơi cờ hoặc tán chuyện. Tôi nhớ mãi lúc ngồi xem chơi cờ tướng ở tiểu đoàn bộ, mọi người cứ trêu chính trị viên Khuông không biết bơi mà cũng chỉ huy anh em vuợt sông. Mấy anh cần vụ phải bơi kèm để dìu chính trị viên. Tiểu đoàn trưởng Vững thì rất mạnh mẽ, tháo vát. Tài đánh cờ của Vững được mọi người thừa nhận từ lâu. Trong hoàn cảnh khó thế nào anh cũng tìm được giải pháp, nhiều nước đi rất độc đáo. Có một cán bộ trẻ, tên là Hiền, cứ thích cái bao súng ngắn còn mới của tôi. Anh cứ nằn nì xin đổi mãi. Nể quá, tôi cũng đồng ý, mặc dù trong bụng cũng thấy tiếc. Thực ra, súng ngắn với cánh phóng viên cũng ít dùng, chỉ để phòng thân và gọi đò ở bến sông. Khi ấy, tôi không ngờ là những người lính K8 sau đấy đã hy sinh gần hết trong chiến dịch chống phản kích và bảo vệ Thành cổ. Tôi chỉ nhận ra tiểu đoàn trưởng Vững vào đầu năm 1973, khi đã ký Hiệp định Paris. Anh chính là người đã cầm lá cờ nửa đỏ nửa xanh phất cao khi đứng bên cạnh Chủ tịch Cuba Fidel Castro tại thị xã Đông Hà, khi Fidel là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Quảng Trị sau giải phóng.

Ngày hôm sau, chúng tôi vào Đông Hà. Mấy lần chỉ đi ngang qua, hôm đó tôi thật sự ngỡ ngàng khi vào thị xã nhỏ nằm ở ngã ba quốc lộ 1 và đường 9 này, một điểm quyết chiến những ngày qua. Đông Hà gần như bị san phẳng. Cả thị xã chỉ còn cái tháp lô cốt cao bằng cỡ một tòa nhà ba tầng, còn lại là đổ nát, hoang tàn. Bà con đã sơ tán khi chiến sự, giờ mới trở về thu dọn nhặt nhạnh để dựng lại nhà cửa. Trong buối trưa nắng gắt của miền Trung, âm thanh ấn tượng nhất là tiếng những mái tôn kêu lạch cạch trong gió mạnh cứ chói lên mãi. Tôi cứ đứng nhìn mãi mặt đường 9 chi chít vết bom pháo, con đường ấy chạy thẳng lên Lao Bảo, Khe Sanh, Làng Vây…, những địa danh đã đi vào lịch sử cùng với con đường này.

Rời Đông Hà, chúng tôi rẽ vào Triệu Thượng rồi qua Ái Tử, lên Triệu Độ và vào thị xã Quảng Trị. Ở Triệu Thượng, mấy anh em ghé thăm lại nhà chị Hoa, vợ anh Thi Hương, phóng viên báo Quảng Trị. Lần trước Phạm Tài Nguyên và tôi cũng ghé nhà chị trên đường về Triệu Phong. Chị vừa là cơ sở cách mạng, lại là vợ một đồng nghiệp làm báo, rất quan tâm đến anh em báo chí. Mấy mẹ con chị tíu tít lo cơm canh cho mọi người. Bữa ăn có canh rau nấu với cá sông rất ngon miệng và đậm hơi ấm gia đình. Cái làng nhỏ của chị Hoa nằm ngay ngã ba sông, tấp nập bộ đội và người dân qua lại, Anh Minh Trường đã chụp nhiều ảnh ở bến đò này.

Dọc đường vào Quảng Trị, qua Ái Tử, thấy sân bay bỏ không, chỉ có vài người lính gác. Hỏi ra mới biết bà con rất thích lấy những tấm sắt làm sân bay về làm hàng rào, cầu ao, nên bộ đội phải giữ. Sân bay còn phải tiếp tục sử dụng cho nhiều hoạt động sau này. Nhưng cuộc sống không dừng lại. Người ta vẫn cần phải làm nhà, xây dựng làng xóm… mà vùng chiến địa mênh mông cát trắng này chẳng có nguyên vật liệu xây dựng gì đáng kể.

Trên quốc lộ 1, không khí đã căng thẳng hơn. Sau khi rút khỏi thị xã Quảng Trị, quân Sài Gòn đang củng cố lại lực lượng. Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh quân khu I kêu gọi tái chiếm. Pháo bắn dọc theo quốc lộ. Máy bay trinh sát suốt ngày treo lơ lửng, chiếc này đi, chiếc khác đến. B52 đánh liên tục. Lúc chúng tôi leo qua một cây cầu nhỏ gần Ái Tử, một chiếc F4 to như một chiếc thùng phi bay sát mặt cầu trinh sát. Lúc qua cầu xong, mọi người hò nhau chạy thật xa. Quả không sai. Một lúc sau, trận pháo biển cấp tập vào khu vực cây cầu. Chắc có chỉ điểm của thằng F4 lúc trước.

Lần vào thị xã Quảng Trị thứ hai thật là vui. Chúng tôi gặp cả anh Thanh Phong cũng đang ở đó. Mấy anh em đi chụp ảnh, ghi chép tài liệu khắp khu Thành cổ và các xã xung quanh. Tôi theo các anh Minh Trường, Xuân Lâm chụp ảnh cả ngày. Anh Minh Trường còn tỷ mỉ chụp cận cảnh các cổng Thành cổ, các khu phố để làm tư liệu. Phong cách làm việc của anh dạy tôi rất nhiều. Anh bày cho tôi cách để tốc độ chụp thế nào để đạt hiệu quả hình ảnh như ý muốn. Chẳng hạn, người chiến sĩ xông lên, nếu để tốc độ chậm phù hợp thì sẽ thấy bàn chân hơi bị nhòe đi, rất sống động. Hoặc chụp ảnh ban đêm, muốn lấy được lửa từ nòng súng B40 phải để tốc độ và cửa điều sáng thế nào...

Chúng tôi lại vào trong Dinh Tỉnh trưởng với ban chỉ huy lực lượng bảo vệ thị xã. Chẳng còn kem như ngày mới vào, nhưng đổi lại, mấy anh em ra bờ sông để tập bắn vì ít khi có điều kiện thử súng. Anh Thanh Phong đặt chiếc mũ sắt lên một chiếc cọc, cách chừng mươi mét. Mấy anh em thi bắn. Hóa ra bắn súng ngắn còn khó hơn cả súng trường. Tôi bắn cả một băng sáu viên mà đạn toàn bay đi đâu mất! Anh Minh Trường và anh Thanh Phong bắn giỏi hơn cả.

Mấy ngày sau, chúng tôi rời Quảng Trị để ra lại Vĩnh Linh. Lại mấy ngày cuốc bộ trong cái nắng ghê người và giữa những trận bom pháo bất chợt. Về đến Gio Linh, anh Xuân Lâm và tôi rẽ vào Trung Hải và Gio Mỹ để lấy thêm tài liệu. Tôi có kế hoạch viết một bài về vành đai điện tử. Chúng tôi về Gio Mỹ, mang theo mấy tấm ảnh chụp tặng anh chị em trong đội du kích, mấy người rất mừng. Anh Đồng, xã đội trưởng Em, các cô Hương, Bé, Hoa, Cúc… đã là người quen thân. Chỉ tiếc là Thu Hồng không còn nữa! Chúng tôi rẽ vào Bến Ngự viếng mộ Hồng. Nấm mộ còn mới mà người đã đi xa. Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn cô trở về với đất mẹ yên lành trên quê hương giải phóng, mảnh đất thắm máu xương của cô và bao anh hùng liệt sĩ khác!

Có một chi tiết nhỏ: chuyến vào Quảng Trị vừa rồi, tình cờ chúng tôi lại ghé vào thăm nhà ông bà nội của cô, các cụ thân sinh ra bác Nguyễn Thư. Chúng tôi không dám nói chuyện Thu Hồng hy sinh sợ các cụ buồn. Tôi có chụp cho hai cụ hai bức ảnh mặc áo dài, ngồi trên ghế rất trang trọng. Chẳng ngờ sau này, khi phản kích, các cụ bị đưa trở lại khu tập trung. Mấy bức ảnh đó bác Nguyễn Thư và bác Toàn có được và rất cảm ơn. Các bác có ảnh để thờ cụ ông vì sau đó, cụ mất khi chiến sự trong vùng vẫn còn ác liệt và chưa kịp gặp lại con cháu.

Trong đội du kích còn có Hoa, một cô gái rất xinh đẹp với gương mặt tròn, cặp mắt sáng, lúc nào cũng lấp lánh một nét cười. Hoa cũng khác so với các cô gái miền biển ở đây, làn da trắng, mái tóc đen dày. Mấy lần tôi ghé vào Gio Mỹ, Hoa đều rất ân cần. Cô nấu cho chúng tôi ăn, lo cho từng chậu nước rửa mặt, cái dây mắc võng… Tôi rất thích thấy Hoa vui khi nhận được bức ảnh của mình. Nhờ Trời, tôi chụp cũng khá đẹp bức ảnh ấy, toát ra được sự vui tươi tinh nghịch của cô. Có lẽ, đấy là một bức ảnh hiếm hoi Hoa có được trong điều kiện ở chiến trường. Buổi tối ấy, Hoa ngồi chung với các cô du kích trong đội sau bữa ăn. Chúng tôi toàn nói chuyện đâu đâu, hương thơm từ mái tóc của Hoa cứ lặng lẽ lan tỏa trong căn nhà hầm. Khi ấy, tôi chỉ thầm mong rằng, Thu Hồng đã hy sinh rồi, bom đạn sẽ không cướp đi sự sống của Hoa và các bạn còn lại của cô, để sau này hòa bình, họ sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Ngày ấy chắc không quá xa xôi.

Khi từ Gio Mỹ về, tôi chia tay anh Xuân Lâm, một mình đi về Trung Hải. Tôi muốn tìm hiểu thêm về cuộc sống ở vành đai và muốn gặp một người nữ du kích nổi tiếng, chị Hoàng Thị Chẩm. Từ lâu, tôi đã được nghe kể về người dũng sĩ bắn tỉa nổi tiếng trên vành đai điện tử, người đã khiến cho lính Sài Gòn ở Dốc Miếu phải kinh sợ về tài thiện xạ của mình. Từ cả ngàn mét, Chẩm có thể bắn gục một mục tiêu di dộng khiến cho lính địch ở Dốc Miếu đi ra ngoài luôn phải canh chừng. Hai mươi tuổi, nhưng Chẩm đã có 6, 7 năm là du kích, từng là khẩu đội trưởng 12 ly 7… Với tài bắn tỉa của mình, Chẩm đã hạ gục 36 lính Sài Gòn ở Dốc Miếu.

Về Trung Hải, tôi được gặp anh Trần Văn, bí thư xã. Anh kể cho tôi những năm tháng gian khó khi cả xã bị dồn lên khu tập trung Tân Tường, rồi những ngày đánh giặc bám trụ giữ làng. Tối hôm đó, tôi đến thăm gia đình bác Triệc, bố của Chẩm, nghe bác kể về cuộc sống gia đình trong bao gian khó hy sinh. Tôi ăn với bác và mọi người trong gia đình một bữa cơm. Sáng hôm sau, các anh ở xã bố trí để Chẩm đưa tôi đi thăm vành đai. Dọc đường, những câu chuyện về cuộc đời của chị cuốn hút tôi. Chẩm có dáng vẻ đặc trưng của những phụ nữ vùng này. Nước da ngăm đen, dáng người thấp đậm, gương mặt dẫu sạm đen vì nắng gió và những cam go ác liệt, những vẫn có nét duyên thầm. Chẩm kể về những khó khăn của người bắn tỉa khi suốt ngày đêm phải bám trụ, tập trung theo dõi các mục tiêu, không kể thám báo, biệt kích hay bom pháo, bất chấp thời tiết nắng mưa, chẳng quản ngày đêm. Nhờ công lao khổ luyện, với khẩu súng trường chuyên dụng của Ba Lan, Chẩm trở thành một xạ thủ bắn tỉa lừng danh trên vành đai điện tử. Nghe nói rằng, có dự định phong danh hiệu anh hùng cho Chẩm, nhưng rồi vì những lý do nào đó lại thôi…

Dọc đường hôm ấy, Chẩm kể cho tôi nghe câu chuyện về cuộc đời của mình. Gia đình Chẩm rất nghèo, chị phải đi ở cho một gia đình tại thị xã Đông Hà lúc còn nhỏ. Sau lớn lên một chút thì Chẩm về quê phụ giúp cha mẹ làm đồng. Rồi như một lẽ tự nhiên, chị vào du kích. Với bản tính chịu khó, kiên trì, chị được đào tạo thành một xạ thủ bắn tỉa. Trong câu chuyện kể của Chẩm, có một chi tiết rất thú vị: Khi giải phóng Dốc Miếu bữa trước, Chẩm vào tiếp quản căn cứ ngay những giờ đầu tiên cùng bộ đội. Rất tình cờ, một thương binh ngụy còn ở trong căn cứ lại chính là con của gia đình mà chị đã từng đi ở tại Đông Hà năm nào. Hai người nhận ra nhau trong một tình huống hoàn toàn khác, cô người ở và con ông chủ giờ một người là tù binh, một người đại diện cho lực lượng giải phóng! Chẩm kể, bữa đó, chị giúp băng bó và cho con của người chủ cũ đi điều trị theo chính sách nhân đạo của cách mạng. Nhiều năm đã qua, tôi vẫn nhớ mãi vẻ mặt khoan dung và giọng nói rất chân tình của Chẩm khi kể lại câu chuyện đó.

Lần ấy chia tay Trung Hải, các cô trong đội du kích còn tiễn tôi ra tận đường quốc lộ, khi tôi xuôi về Hiền Lương thì các cô đi giúp dân dựng nhà ở phía bên kia đường để đến tối họ còn học văn hóa. Khói đốt đồng bay trên giới tuyến ì ầm tiếng pháo. Một luồng khói gần làm mắt cay cay. Chẩm hẹn lần sau quay lại và dặn dò tôi nhớ cẩn thận, giữ gìn. Tiếng các cô du kích trêu đùa còn vẳng lại khi tôi xốc ba lô cuốc bộ về phía bờ sông. Không muốn chờ đến tối, tôi lại bọc quần áo, đồ đạc vào bao ni lông, chọn chỗ gần chân cầu để bơi sang. Cây cầu gãy nằm chơ vơ giữa dòng, nhưng cũng có thể làm chỗ nghỉ nếu chẳng may bị mệt hoặc đạn pháo bất ngờ chụp đến.

Bài thơ: MONG
(Trò chuyện với một nữ du kích trên vành đai điện tử)

- Em mong gì khi im tiếng súng
Mỗi sáng ra là thấy trời xanh?
- Còn được sống thật vui anh nhỉ
Em muốn đi thăm khắp đất nước mình!

- Em mong gì khi chiến tranh đã hết
Từng xóm làng từng vùng đất hồi sinh?
- Sức đã yếu lại thêm thương tật
Em chỉ mong được nhận vô nông trường!

- Em mong gì cho tháng năm còn lại
Mái ấm bình yên cuối cuộc đời?
- Quá lứa rồi, chẳng có ai anh ạ
Em chỉ mong có một đứa con thôi!

 

(Còn nữa)

Trần Mai Hưởng
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị: Trên những nẻo đường chiến dịch (kỳ cuối)

Lần ấy về phân xã, tôi tập trung viết xong các bài bút ký “Trên vành đai điện tử”, ”Đất quê hương”… Tôi cũng viết truyện ngắn “Mẹ Tư” vào mấy ngày nghỉ trước đợt công tác mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN