Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã trao Bằng công
nhận Trạm Phẫu là Di tích lịch sử cấp tỉnh cho lãnh đạo UBND huyện Hoài
Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định trao Bằng chứng nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh cho lãnh đạo huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Trạm Phẫu là một trạm y tế được huyện đội Hoài Nhơn xây dựng năm
1971. Đây là điểm điều trị cho thương binh khu vực phía Đông Quốc lộ 1
trong chiến tranh của huyện Hoài Nhơn.
Đúng ngày này 46 năm trước, vào
ngày 24 và 25/2/1972 (tức mồng 9 và 10 tháng Giêng năm Nhâm Tý), Mỹ ngụy
đã tổ chức hai trận càn qua Trạm Phẫu. Địch lật giở từng căn hầm bí
mật, thả lựu đạn, giết hại 17 nhân viên y tế và thương binh; 6 người
sống sót do địch tưởng rằng đã chết.
Trong số 17 người hy sinh, có 5
thương binh mới được đưa về trạm, cho đến nay vẫn chưa xác định được
danh tính. Nhiều nữ nhân viên y tế chỉ vừa 16 - 17 tuổi và không có vũ
khí phòng vệ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định và huyện Hoài Nhơn tặng quà cho những nhân chứng sống sót và thân nhân của các liệt sĩ. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Năm 2014, TTXVN lần đầu tiên thông tin về Trạm Phẫu nêu rõ quá trình
hình thành, lịch sử bi tráng tại đây. Năm 2015, chính quyền địa phương
xây dựng nhà bia, bia tưởng niệm ngay tại khu lán trại chữa bệnh cho
thương binh khi xưa và bảo tồn các căn hầm bí mật. Tiếp đó, Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cùng huyện ủy, UBND huyện, Ban Chỉ
huy Quân sự huyện Hoài Nhơn đã lập hồ sơ di tích và được UBND tỉnh Bình
Định công nhận Trạm Phẫu là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đông đảo nhân dân đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử Trạm Phẫu. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn Cao Thanh Thương cho biết, việc công
nhận Trạm Phẫu là Di tích lịch sử cấp tỉnh đã sự ghi nhận xứng đáng về
những hi sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ, là niềm tự hào của nhân
dân Hoài Nhơn. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng sáng
ngời, giúp lớp lớp người con Hoài Nhơn, Bình Định phát huy truyền thống
của một địa phương anh hùng.