Ngày 28/8/1998, Cục Cảnh sát biển Việt Nam được thành lập, với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn biển đảo của Tổ quốc trong thời kỳ mới. Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Cục Cảnh sát biển Việt Nam (28/8/1998-28/8/2013) và đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất, phóng viên báo Tin Tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương (ảnh), Chính ủy Cục Cảnh sát biển Việt Nam về những thành tựu sau 15 năm xây dựng và trưởng thành.
Nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Cục Cảnh sát biển Việt Nam, xin đồng chí Thiếu tướng giới thiệu khái quát về quá trình xây dựng và trưởng thành cũng như kết quả hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam?
Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển (CSB) Việt Nam đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu và đã đạt được một số kết quả nổi bật: Đã tổ chức hàng trăm lượt tàu thuyền làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của ta trên biển. Thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật. Đã tổ chức 1.837 lượt tàu, xuồng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và đã tiến hành kiểm tra 10.821 lượt tàu thuyền các loại, xử phạt vi phạm hành chính 4.687 lượt tàu thuyền, số tiền xử phạt vi phạm hành chính và phát mại hàng hóa nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại đã bắt giữ và xử lý 202 vụ vi phạm, khởi tố 22 vụ hình sự, bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính 180 vụ, thu giữ nhiều tang vật có giá trị. Phòng Phòng chống tội phạm ma túy thuộc Cục CSB Việt Nam đã phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành điều tra, khám phá 773 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt giữ 1.458 đối tượng.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa, CSB đã biên soạn được 40 văn bản quy phạm pháp luật mang tầm quốc gia và nhiều văn bản cấp Bộ, tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ cho lực lượng CSB hoạt động đúng pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn; bảo vệ tài nguyên, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trên biển. Đặc biệt là vụ phát hiện, khống chế, bắt giữ 11 tên cướp biển người Inđônêxia cướp Tàu chở dầu Za-fi-ra mang quốc kỳ Malaysia tháng 11/2012 bảo đảm an toàn về người, trang bị, tàu, cùng 300 tấn dầu nhẹ trên tàu.
Duyệt đội ngũ trên quân cảng Vùng CSB1. Ảnh: Đức Hạnh – Cục CSB Việt Nam |
Cùng với nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ vùng biển chủ quyền, công tác tham gia tìm kiếm, cứu nạn giúp dân, bảo vệ dân đã được các chiến sĩ Cảnh sát biển xác định là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, Thiếu tướng có thể nói cụ thể hơn về công tác tìm kiếm cứu nạn?
Xuất phát từ tình cảm và trách nhiệm đối với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ CSB Việt Nam luôn xác định cứu dân, giúp dân, bảo vệ dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh của trái tim, là hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sỹ Cảnh sát biển”, coi ngư dân bị nạn trên biển như chính người thân trong gia đình bị nạn. Chính vì lẽ đó, những năm vừa qua, lực lượng CSB đã tổ chức 23 vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển xa, cán bộ, chiến sỹ CSB dũng cảm, quên mình trong mưa bão, đã cứu được 27 phương tiện và 278 người, nhiều vụ cứu nạn diễn ra trên các vùng biển cách đất liền 500 - 700 km, trong điều kiện thời tiết dông, bão. Đã tiến hành lai dắt hàng trăm tàu thuyền của ngư dân, của các tổ chức, doanh nghiệp đang làm ăn, hoạt động trên biển gặp nạn vào bờ an toàn và đã hỗ trợ hàng nghìn lít dầu, thuốc men, lương thực, thực phẩm. Đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ sự cố tràn dầu trên các vùng biển trong phạm vi được phân công; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ tài nguyên, phòng chống ô nhiễm môi trường biển.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân hoạt động trên biển và sự phối hợp với các lực lượng được CSB Việt Nam triển khai có kết quả như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật CSB Việt Nam đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân trên các địa phương ven biển. Hoạt động này đã tạo động lực tinh thần, phát huy sức mạnh tổng hợp, toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc, phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trên biển. Đồng thời, làm cho các ngư dân yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn dài ngày trên biển.
Nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam rất quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, Thiếu tướng có gửi gắm gì với các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển để thực hiện tốt trọng trách của mình?
Những năm tới, tình hình an ninh trật tự trên các vùng biển, đảo của nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định. Hoạt động xâm phạm chủ quyền của tàu thuyền nước ngoài khai thác, thăm dò tài nguyên biển, ngăn cản, phá hoại các hoạt động kinh tế của ta có thể gia tăng; các hành vi vi phạm, tội phạm trên biển diễn ra dưới nhiều hình thức ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Tình hình đó đã và đang đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, khẩn trương và yêu cầu ngày càng cao đối với các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, trong đó có CSB Việt Nam.
Nhiệm vụ thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng hiện nay là tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tiếp tục nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Phát huy cao độ ý chí tự lực, tự cường, xây dựng CSB Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và tham gia tích cực, có hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” công tác huấn luyện chiến đấu của các lực lượng CSB phải theo đúng phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”. Huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế, yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, đối tượng tác chiến, sát với tổ chức biên chế, trang bị hiện nay và những năm tới, theo kịp với sự phát triển của tình hình và phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam. Kết hợp giáo dục chính trị với bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ CSB và xây dựng nề nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật. Chất lượng công tác huấn luyện của lực lượng CSB phải đạt được yêu cầu phục vụ ngày càng tốt hơn cho việc duy trì thực thi pháp luật trên biển, đúng với luật pháp Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Mục tiêu cần đạt được trong huấn luyện là “Nghiệp vụ tinh thông - Kỷ luật nghiêm minh - Phẩm chất chính trị vững vàng - Sức khỏe dẻo dai”; tăng cường tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập, nhằm nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng tác chiến, hoàn thiện các phương án chiến đấu, rèn luyện khả năng chịu đựng gian khổ, sóng gió, nâng cao trình độ, kinh nghiệm và bản lĩnh cho cán bộ, chiến sỹ, trinh sát viên, cảnh sát viên. Đồng thời tổ chức tốt lực lượng tuần tra, trinh sát, theo dõi nắm chắc tình hình mặt biển, các hoạt động xâm phạm chủ quyền, gây rối an ninh, trật tự, an toàn trên biển, nhất là các vùng biển trọng điểm. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, luôn nêu cao tinh thần tích cực, chủ động tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nhằm kịp thời phát hiện và đấu tranh kiên quyết, liên tục với các loại tội phạm, theo phương châm: “Không can thiệp và không để ai can thiệp vào chống buôn lậu và gian lận thượng mại”.
Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho thực hiện nhiệm vụ, chủ động phối hợp với các đơn vị trong lực lượng vũ trang và địa phương xử lý kịp thời, chính xác, hiệu quả các tình huống theo đúng quan điểm đường lối của Đảng, luật pháp của nước cộng hòa XHCN Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Cùng với đầu tư phù hợp để mua sắm trang bị, đóng mới tàu thuyền, xây dựng hạ tầng cơ sở, cần phát huy ý chí tự lực, tự cường, thực hiện tốt Cuộc vận động 50 về "Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông". Duy trì tốt hoạt động của vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, sử dụng có hiệu quả các loại phương tiện trang bị mới, chủ động nắm bắt các thành tựu khoa học công nghệ mới để nghiên cứu cải tiến, sáng chế, góp phần đổi mới trang thiết bị, cơ sở hậu cần, kỹ thuật đáp ứng ngày càng đầy đủ nhiệm vụ của đơn vị.
Xin trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!
Nguyễn Viết Tôn(thực hiện)