Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tháng 5 về thăm Long Đức anh hùng

Trung tuần tháng 5, tôi có dịp về thăm Long Đức, một xã vùng ven của thành phố Trà Vinh (Trà Vinh), nơi có công trình Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Gần 43 năm thực hiện công cuộc xây dựng và phát triển, Long Đức đã phát huy cao độ truyền thống anh hùng cách mạng, vươn lên trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Công trình của trái tim

Mở đầu câu chuyện, Bí thư Đảng xã Long Đức Lê Văn Mạnh tự hào giới thiệu quá trình xây dựng và bảo vệ Đền thờ Bác Hồ trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Anh Mạnh cho biết: Đền thờ Bác là biểu tượng kiên trung, tình cảm yêu thương vô hạn của người dân Trà Vinh đối với Bác.

Riêng đối với Đảng bộ và nhân dân xã Long Đức, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh là niềm tự hào, nguồn động lực lớn để vượt qua những khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng và phát triển. Long Đức không thể không phát triển, không thể không đổi mới để báo công dâng Bác, xứng đáng với truyền thống anh hùng.

Năm 1969, nghe tin Bác mất, trong niềm tiếc thương vô hạn, quân và dân xã Long Đức đã quyết định xây dựng một ngôi đền tại ấp Vĩnh Hội để tưởng nhớ Bác. Để xây dựng ngôi đền, lực lượng du kích tiến hành đắp công sự, đào chiến hào, cắm hàng vạn cây chông, bao vây đồn bót địch khu vực xung quanh và sẵn sàng chiến đấu hy sinh để bảo vệ.

Toàn bộ công việc xây dựng đền thờ đều tiến hành vào ban đêm nhằm tránh bom, pháo tấn công phá hoại của địch và bảo đảm an toàn cho lực lượng. Mặc cho địch dùng hỏa lực đánh phá, đưa lực lượng tấn công đốt cháy, đền thờ Bác vẫn được xây dựng. Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cho rằng, Đền thờ Bác Hồ ở Long Đức là "Công trình của trái tim", một biểu tượng tấm lòng trung kiên của người dân Trà Vinh nên không có bất cứ gì xóa được.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong tỉnh, Trà Vinh đã trùng tu, tôn tạo ngôi đền. Hiện toàn bộ công trình đã được tỉnh đầu tư thành khu di tích, có diện tích hơn 4ha với các hạng mục như Bảo tàng lịch sử tỉnh, Nhà trưng bày thân thế sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phiên bản nhà sàn Bác Hồ.

Hạng mục chính là ngôi đền được phục chế theo nguyên trạng ban đầu là tre lá, đúng vị trí cũ. Ðể bảo quản lâu dài, ngôi đền được cất một vỏ bao che được thiết kế theo dạng đóa hoa sen hồng cách điệu để che chắn  .

Từ đó đến nay, Đền thờ Bác Hồ ở Long Đức là điểm đến của hàng trăm lượt du khách trong và ngoài tỉnh khi đến Trà Vinh. Tại đây còn diễn ra các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tổng kết phong trào thi đua yêu nước, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ… vào những các dịp lễ, tết hàng năm.

Tiếp nối truyền thống xây dựng quê hương

Bước ra khỏi những năm tháng kháng chiến, Long Đức cũng như vùng quê cách mạng khác gánh trên mình hậu quả nặng nề của chiến tranh. Tuy nhiên, với truyền thống cách mạnh anh hùng, Đảng bộ và nhân dân Long Đức đã vượt những trở ngại, thách thức để xây dựng quê hương tươi đẹp, cuộc sống no ấm hơn. Thành quả đáng trân trọng nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long Đức đã xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên trong tỉnh.

Bí thư Đảng ủy xã Long Đức Lê Văn Mạnh cho biết, năm 2011, khi mới triển khai thực hiện nông thôn mới, địa phương còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa sản xuất nông nghiệp và chỉ đạt 8/19 tiêu chí so với Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn.

Có một số tiêu chí còn ở mức rất thấp như trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, nhà ở dân cư, môi trường, thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, bằng quyết tâm chính trị, sự đồng thuận của nhân dân, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và thành phố Trà Vinh, năm 2013, xã Long Đức đã hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch đề ra.

Để gìn giữ và tiếp nối thành quả này, hàng năm, Đảng ủy và UBND xã đều xây dựng và triển khai kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay tất cả 12 ấp trong xã đều được công nhận và tái công nhận ấp nông thôn mới. Năm 2017, xã có 4.197/4.597 hộ đạt chuẩn hộ nông thôn mới (đạt 91,56%), tăng 582 hộ so với năm 2016.

Toàn xã hiện có 145km đường nông thôn được trải nhựa, tráng xi măng, cơ bản đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của nhân dân; hệ thống thủy lợi được đầu tư, nạo vét đáp ứng 98% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp; số hộ sử dụng điện đạt 99,8%, sử dụng nước sạch đạt 95,2% và 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, 95% hộ có hố xí, nhà tắm hợp vệ sinh.

Cuối năm 2017, toàn xã còn 52 hộ nghèo (chiếm 1,1%), 164 hộ cận nghèo (chiếm 3,5%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 39 triệu đồng/năm, tăng 23 triệu đồng/người/năm so với thời điểm chưa xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Mạnh cho biết thêm, xã đang tập trung thực hiện các mặt công tác để chuẩn bị được tái công nhận xã nông thôn mới. Theo đó, Đảng bộ xã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng môi trường, hệ thống giao thông, thủy lợi, đảm bảo cho sản xuất, phát triển kinh tế bền vững, nâng cao hơn nữa mức thu cho người dân.

Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể các cấp trong xã đang tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới có giá trị kinh tế cao như: nuôi gà vườn, rau thủy canh, vườn cây ăn trái đặc sản, hoa cảnh.

UBND xã còn triển khai nguồn vốn khen thưởng xã nông thôn mới 2 tỷ đồng và tranh thủ từ các nguồn vốn hỗ trợ khác để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Với quyết tâm phấn đấu và sự ủng hộ đồng tình của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền xã Long Đức sẽ giữ vững và phát triển hơn nữa xã nông thôn mới, để xứng đáng với truyền thống anh hùng cách mạng.

Phúc Sơn (TTXVN)
Hoạt động kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào và Cuba
Hoạt động kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Lào và Cuba

Nhân kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và Cuba đã tổ chức lễ dâng hương tưởng nhớ Người.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN