Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Long An, một số địa phương lân cận và đại diện thân nhân gia đình đồng chí Võ Văn Ngân đã dự lễ.
Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út đã ôn lại tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân.
Đồng chí Võ Văn Ngân sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân yêu nước, có truyền thống cách mạng ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa, quận Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn xưa (nay thuộc xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Chứng kiến cảnh nước mất, nhà tan, đồng bào sống cơ cực lầm than dưới ách quân xâm lược từ nhỏ, đồng thời chịu ảnh hưởng từ truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình, đặc biệt là người anh trai Võ Văn Tần, đồng chí sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân sâu sắc.
Vào nửa cuối những năm 20 của thế kỷ XX, tuyên truyền của đồng chí Võ Văn Tần về phong trào yêu nước theo lập trường vô sản với những bước phát triển quan trọng đã tác động ảnh hưởng tích cực và là một trong yếu tố quyết định đến tư tưởng, định hướng đi theo con đường cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân.
Những hoạt động tích cực của đồng chí Võ Văn Ngân đã góp phần nhanh chóng mở rộng quy mô, ảnh hưởng của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không chỉ ở Đức Hòa mà đã lan rộng cả vùng nông thôn rộng lớn của Sài Gòn, Chợ Lớn. Sự kiện gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và hoạt động tích cực trong tổ chức Thanh niên, phát triển tổ chức ở tỉnh Chợ Lớn là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành về bản lĩnh chính trị, khả năng vận động, tổ chức và phẩm chất, năng lực hoạt động của đồng chí.
Ngay sau khi An Nam Cộng sản Đảng ra đời, đồng chí Võ Văn Ngân đã nhanh chóng trở thành thành viên của tổ chức này; là một trong những người đầu tiên tham gia thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Đức Hòa (Chi bộ gồm 7 hội viên do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư). Đây là Chi bộ Cộng sản ra đời sớm nhất ở Đức Hòa, vào cuối năm 1929, sau khi thành lập, các thành viên của Chi bộ đã chú trọng công tác phát triển hội viên, xây dựng cơ sở.
Từ một đảng viên đầu tiên của Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam ở làng Đức Hòa, đồng chí Võ Văn Ngân trở thành Bí thư Tỉnh ủy Gia Định (tháng 4/1931), Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn (tháng 4/1932); được Đảng cử đi dự Đại hội lần thứ nhất của Đảng (tháng 3/1935); được bầu trở thành Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1935) và trở về phụ trách Xứ ủy Nam Kỳ, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ (tháng 3/1935).
Đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (mở rộng) họp từ ngày 25/8 đến 4/9/1937, Võ Văn Ngân là một trong 5 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Tháng 3/1938, Hội nghị toàn thể Ban Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương được tổ chức. Tại đây, đồng chí được bầu vào Ban Chấp ủy Trung ương với 11 thành viên. Điều này cho thấy vai trò, cống hiến xuất sắc của đồng chí ở phương diện xây dựng, chỉ đạo lý luận và thực tiễn.
Năm 1938, do bệnh tình ngày một trầm trọng, đồng chí Võ Văn Ngân được Xứ ủy chuyển từ Bình Lý về gia đình ở ấp Bình Tả, làng Đức Hòa chữa trị. Tại đây, đồng chí trút hơi thở cuối cùng vào ngày 7/9/1939, khi mới 37 tuổi.
Trong 13 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Văn Ngân đã có những cống hiến to lớn cho Đảng, cách mạng nước ta, để lại tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của người cộng sản tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, suốt đời phấn đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Ngân là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An khẳng định và tri ân công lao to lớn, đồng thời noi theo tấm gương kiên trung, sự cống hiến, hy sinh của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục về chủ nghĩa yêu nước, truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh sự đóng góp của các Anh hùng Liệt sĩ, các đồng chí lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, của cách mạng Việt Nam.
Tại buổi lễ, cháu ngoại đồng chí Võ Văn Ngân là ông Nguyễn Đô Lương cho biết, gia đình, con cháu luôn tự hào về cha ông mình; luôn nhớ ơn những người đã giúp đỡ đồng chí Võ Văn Ngân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, nhất là nhân dân vùng Đức Hòa, Hóc Môn - Bà Điểm, Chợ Lớn, Gia Định xưa. Sự kính trọng, niềm tự hào về đồng chí Võ Văn Ngân đã dẫn lối các thế hệ con cháu tiếp nối con đường cách mạng mà ông và các tiền nhân đã chọn.
Ông Nguyễn Đô Lương gửi lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lãnh đạo đã thay mặt Đảng và nhân dân, làm sống dậy tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Võ Văn Ngân nói riêng và sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân ta nói chung trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Ông khẳng định, những người trong gia đình ông nguyện sẽ tiếp nối truyền thống cách mạng của Đảng, của nhân dân với phương châm “ngàn đời trung hiếu”.