Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang: 'Nóng' các vấn đề về giáo dục

Theo chương Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bắc Giang, sáng 12/7 các đại biểu thảo luận tại hội trường. Tại đây, vấn đề tăng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo được các đại biểu thảo luận sôi nổi.

Đa số các ý kiến đều cho rằng việc điều chỉnh học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từ năm học 2022- 2023 để phù hợp với Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp, ngày 11/7. 

Tuy nhiên, việc tăng học phí cần có thời điểm phù hợp, ngoài mức tăng, lộ trình tăng cụ thể thì các cơ quan đề xuất cần có các kế hoạch và cam kết triển khai hiệu quả để phụ huynh thấy việc tăng là cần thiết, phù hợp, là sự đầu tư thỏa đáng cho tương lai của con em mình.

Theo đại biểu Ngụy Thị Tuyến, tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Yên Dũng, ước tính gia đình có 1 con học phổ thông ở các trường công lập tiền đóng góp đầu năm không dưới 3 triệu đồng đối với miền núi, từ 5-7 triệu đồng/học sinh trở lên đối với nông thôn và thành thị. Nếu có 2 con học phổ thông thì số tiền này sẽ tăng lên 2 lần, tùy theo cấp học. Các gia đình ở nông thôn, miền núi, gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc bố mẹ công việc không ổn định khi vừa trải qua đại dịch, đây là vấn đề mà các gia đình còn nhiều băn khoăn, lo lắng, nhất là khi phải đóng gộp các khoản thu trong một lần.

Bên cạnh đó, việc đưa ra một số khoản thu như: Dịch vụ phòng, chống thiên tai... theo đại biểu Ngụy Thị Tuyến là không phù hợp vì thực tế cha mẹ học sinh đã đóng góp khoản này ở địa phương, cơ quan, công ty.

Đại biểu Lê Xuân Thắng, tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Lục Ngạn cho biết: Học phí và các khoản dịch vụ tăng cũng đồng nghĩa với tăng áp lực chi tiêu trong gia đình trong khi thu nhập không tăng, đối với bậc học Mầm non sẽ là áp lực rất lớn trong việc huy động trẻ ra lớp…

“Những khó khăn của đời sống đại bộ phận người dân sau 3 năm dịch bệnh, sự leo thang của giá cả tiêu dùng, sự phân hóa mức sống ngày càng rõ rệt ở các đô thị… khiến mỗi sự điều chỉnh tăng chi phí đều đặt người nghèo, người khó trước nỗi phấp phỏng, lo âu. Đây là điều cần được tính toán cân nhắc khi lựa chọn mốc thời điểm, xác định lộ trình tăng học phí”, đại biểu Lê Xuân Thắng nói.

Các đại biểu đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để có giải pháp trình UBND tỉnh ban hành quy định theo hướng giảm phụ phí kèm theo. Chọn thời điểm, chia các khoản đóng góp theo kế hoạch để tránh dồn các khoản đóng góp cùng một lúc gây khó khăn cho các gia đình. Về các khoản đóng góp phụ phí nên nghiên cứu để có giải pháp lựa chọn nhà cung ứng, hợp đồng theo hướng giảm mức chi phí thấp nhất, với giá thành thấp nhất để bớt đi gánh nặng, giảm chi phí đóng góp cho các gia đình có con học phổ thông, nhất là đối với các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, công việc, thu nhập còn bấp bênh, không ổn định. Cùng đó, quản lý chặt chẽ việc thu, chi, nhất là các khoản thu theo hình thức xã hội hóa, thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh học sinh cần làm đúng quy định, quy trình, đảm bảo minh bạch, thu đủ chi và chi đúng mục đích, hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của học sinh, giảm bớt chi phí cho các gia đình.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, tổ đại biểu HĐND tỉnh khu vực huyện Hiệp Hòa cho rằng: Mức thu học phí do HĐND tỉnh quy định không được thấp hơn khung học phí đã quy định trong Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Do đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã tham mưu xây dựng Nghị quyết mới của HĐND tỉnh để áp dụng từ tháng 9 năm 2022, theo đó mức thu học phí áp dụng theo 3 vùng (thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số và miền núi). Các bậc học áp dụng mức thu tối thiểu của Nghị định 81.

Theo đại biểu Tạ Việt Hùng, song song với việc tăng thu học phí, Chính phủ cắt giảm 2,5% kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho cơ sở giáo dục, theo đó tổng kinh phí ngân sách cắt giảm khoảng 124 tỷ đồng/năm. Với đề xuất mức thu học phí theo mức sàn như dự thảo Nghị quyết, tăng thu học phí chỉ bổ sung kinh phí chi sự nghiệp giáo dục đào tạo khoảng 73 tỷ đồng, ngân sách tỉnh phải bù thêm khoảng 51 tỷ đồng. Như vậy, mặc dù nhân dân phải đóng học phí cao hơn trước đây, song ngân sách tỉnh đã phải bù thêm một khoản khá lớn.

Về các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục, trong bối cảnh mức thu học phí năm học 2022-2023 tăng, điều kiện kinh tế - xã hội đang bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; để tạo điều kiện, giảm áp lực cho người học, Sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tham mưu mức thu tối đa của các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục theo mức thu không tăng. Ngoài ra, để phù hợp với tình hình thực tế, đề xuất bỏ khoản thu sổ liên lạc giấy, sách giáo khoa và bổ sung dịch vụ hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, thiên tai theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; dịch vụ ứng dụng chuyển đổi số phục vụ khai thác, trao đổi thông tin giữa gia đình và nhà trường...

Tin, ảnh: Đồng Thúy (TTXVN)
Bên lề Quốc hội: Tăng học phí cần có lộ trình và phân loại đối tượng
Bên lề Quốc hội: Tăng học phí cần có lộ trình và phân loại đối tượng

Nhiều địa phương đã tăng học phí đối với một số cấp học, theo các đại biểu Quốc hội, việc tăng học phí cần có lộ trình và phân loại đối tượng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN