Hội đồng nhân dân TP Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố từ năm học 2022 - 2023 đến năm học 2025 - 2026.
Mức học phí dự kiến đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa bảo đảm chi thường xuyên, năm học 2022 - 2023 ở vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 3 là 100.000 - 200.000 đồng/học sinh/tháng; vùng 4 là 50.000 - 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Như vậy, theo từng cấp và khu vực, trừ bậc THPT vùng 1 và 2 có mức học phí tăng từ 217.000 đồng (năm 2021) lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, học phí các bậc còn lại đều tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái. Mức học phí dự kiến trong 5 năm tới có thể tăng gấp 4 lần.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng có văn bản góp ý dự thảo ban hành Nghị quyết quy định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập từ năm học 2022 - 2023 và các năm học tiếp theo của TP. Theo đó, mức tăng học phí của TP Hồ Chí Minh dự kiến gấp 5 lần so với hiện tại. Ở nhóm 2, học sinh bậc THCS, GDTX THCS tăng hơn 2 lần.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình), Đoàn ĐBQH Thái Bình cho rằng, việc tăng học phí là theo quy định. Tại Nghị định 81 hay Nghị định 88 của Chính phủ cũng đều đã đưa ra lộ trình tăng học phí. Bên cạnh đó, học phí cũng phải tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, Nhà nước cũng có các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên trong việc cho vay vốn ưu đãi để chi trả cho học phí. Nhưng sinh viên có vay hay không lại là theo nhu cầu của sinh viên.
"Việc dự kiến tăng học phí ở một số nơi trong thời gian gần đây là do chính sách của từng địa phương và đã có sự cân nhắc, tính toán từng đặc điểm riêng song không thể vượt quá quy định của nhà nước. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là đối với giáo dục phổ thông, Nhà nước phải có hỗ trợ cho người học, bởi chúng ta đã phổ cập bậc phổ thông cơ sở rồi và tiến tới đây sẽ phổ cập bậc phổ thông trung học", đại biểu Dung đề xuất.
Còn Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho rằng, dịch bệnh COVID-19 có gây khó khăn cho một số gia đình, nhưng không phải toàn bộ, cho nên việc tăng học phí là cần thiết, nhưng cần làm rõ, phân loại, các đối tượng cho phù hợp. Trong đó, với các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, gia đình nghèo cần xem xét miễn, giảm học phí; còn những trường hợp đời sống cao hơn so với mặt bằng chung thì việc tăng học phí là có cơ sở.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng, việc tăng các loại phí, thuế, trong đó có học phí là áp lực khách quan. Phân tích cụ thể, ông Vân cho rằng chỉ số giá tiêu dùng tăng hơn trước rất nhiều và đây là tình hình chung khi các nước cũng chịu áp lực lạm phát, vấn đề khủng hoảng Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Mặc dù nguồn cung không khan hiếm nhưng đứt gãy chuỗi cung ứng, dịch vụ cung cấp ngừng trệ dẫn đến chi phí cho giá thành và hàng hóa tăng lên, chỉ số giá tiêu cùng cũng tăng lên.
"Khi chi phí cho tất cả các hoạt động quản lý, sinh hoạt tăng, phải có nguồn bù đắp nên phải tăng thuế, tăng phí", ông Vân chỉ rõ và cho rằng phân tích này là xét trên góc độ của người sử dụng quản lý và dịch vụ. Còn người bị tác động là người phải đóng thuế, phí sẽ lấy nguồn đâu ra? Do đó phải có sự công bằng trong ứng xử, phải có sự chia sẻ rủi ro như nhau.
Theo ông Vân, một bên muốn tăng phí vì những tác động khách quan, nhưng bên nộp phí cũng cần được chia sẻ, người đóng phí cũng chịu tác động bởi khách quan. Về chủ trương tăng học phí của Hà Nội và một số địa phương, việc tăng như thế nào phải tương ứng với tăng chỉ số giá tiêu dùng.
"Người đóng phí cũng chịu các tác động ngoại cảnh, là rủi ro chung nên phải có sự chia sẻ. Mức tăng học phí phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ cả hai chiều. Tôi cho rằng hiện các dấu hiệu phục hồi kinh tế đã xuất hiện, khi có cơ sở bền vững thì tăng và tăng có lộ trình", ông Vân nói thêm.