Đại biểu Phạm Văn Thịnh, Đoàn ĐBQH Bắc Giang:
Luật Thủ đô ban hành từ năm 2012, đã tạo động lực phát triển Thủ đô trong hơn 10 năm qua về nguồn lực, cơ chế liên quan xây dựng, quy hoạch hạ tầng, phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ... Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển hiện nay, đang bộc lộ những hạn chế về cơ chế chính sách, thẩm quyền triển khai các vấn đề lớn của Thủ đô.
Hiện tại, các vấn đề về hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu đi lại, mạng lưới giao thông, đường sắt, môi trường, văn hóa xã hội, khoa học công nghệ cần phát triển để xứng tầm với Thủ đô nghìn năm văn hiến, văn minh hiện đại. Do đó, cần có dự thảo luật mới, với cơ chế chính sách mạnh hơn, khắc phục những bất cập nảy sinh, giúp Thủ đô có cơ chế chính sách đột phá hiện thực được mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Trung ương.
Luật Thủ đô sửa đổi nêu các chính sách đề ra bám sát với thực tế và xuất phát từ vướng mắc trong thực tiễn. Điều này thể hiện tầm nhìn dài hạn. Nếu thực hiện được triệt để cơ chế chính sách mới đề ra trong dự thảo Luật lần này, Thủ đô sẽ phát triển đột phá toàn diện.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Đoàn ĐBQH Bình Dương:
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có 7 chương và 54 điều. Dự thảo Luật đã bổ sung, chỉnh lý nhiều nội dung để thực hiện chủ trương tăng cường phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền TP Hà Nội trên nhiều lĩnh vực.
Để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, dự thảo luật đã tập hợp, bổ sung, sắp xếp lại các quy định về nguyên tắc và các nội dung cụ thể về phân cấp, ủy quyền trong dự thảo Luật do Chính phủ trình. Từ đó quy định thành điều riêng, bảo đảm rõ ràng về chủ thể, đối tượng, nội dung, trách nhiệm trong phân cấp, ủy quyền, thay thế cho việc áp dụng các quy định về phân cấp, ủy quyền theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Luật Thủ đô sửa đổi đưa ra những điều kiện cho Thủ đô phát triển. Sự cần thiết nhất là ở kỳ họp lần này có sự đồng thuận của đa số đại biểu để Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua. Các chính sách được hiện thực hóa chắc chắn góp phần nâng cao đời sống của người dân, xứng tầm là Thủ đô văn minh, hiện đại.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội:
Thủ đô là chung của cả nước, do vậy, việc xây dựng Luật Thủ đô chính là mong muốn tạo ra một khuôn khổ pháp lý mang tính chất vượt trội, mang yếu tố đặc thù để phát triển Thủ đô trở thành hình ảnh đại diện quốc gia. Còn TP Hà Nội phải thực hiện trọng trách và sứ mệnh được Nhân dân, cử tri, các địa phương giao phó là trở thành bộ mặt của Việt Nam.
Kỳ họp này, Quốc hội đồng thời thảo luận và thông qua 3 nội dung quan trọng là quy hoạch Thủ đô, quy hoạch chung Thủ đô và Luật Thủ đô. Đây là cơ hội hiếm có, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện những định hướng phát triển chung, tổng thể, dài hạn cho Thủ đô, xứng tầm với thủ đô của các nước trên thế giới. Trong quy hoạch chung sẽ cụ thể hóa những nội dung đặc biệt về hạ tầng đô thị đã được chỉnh lý trong quy hoạch Thủ đô. Để triển khai định hướng và ý tưởng này, cần có các hành lang pháp lý, cơ chế và khuôn khổ pháp lý. Đây chính là Luật Thủ đô.
Dự thảo Luật Thủ đô cơ bản đã hoàn thiện tốt. Đặc biệt là tinh thần phân cấp, trao quyền và trao trách nhiệm cho Hà Nội. Tuy nhiên, cũng còn một điểm cần phải có quy định rõ ràng, nhất là vấn đề khai thác, phát triển thành phố hai bên sông Hồng, đảm bảo sông Hồng trở thành trục trung tâm về văn hóa, sinh thái, du lịch của thành phố.