Tại buổi làm việc, Đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Thanh Thúy, Bí thư Tỉnh đoàn Tây Ninh đã khái quát tóm tắt các nội dung chương trình dự kiến sẽ làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi làm việc, ông Bùi Đăng Khoa, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa kiến nghị, tỉnh Tây Ninh cần có các giải pháp căn cơ hơn nữa trong việc bảo vệ nguồn nước tại hồ Dầu Tiếng, bởi đây là nguồn nước chính cung cấp nước sinh hoạt cho các nhà máy nước tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh, Long An… Hiện nay, nguồn nước đang bị đe dọa ô nhiễm từ các nguồn xả thải lén từ các nhà máy, công ty, trang trại chăn nuôi ở đầu nguồn đổ vào hồ Dầu Tiếng. Ông Bùi Đăng Khoa cũng kiến nghị nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, tăng cường bảo vệ an toàn hồ đập tại công trình thủy lợi hồ Dầu Tiếng trong thời gian tới.
Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Định Khuê, kiến nghị Chính phủ xem xét, cho gia hạn lùi thời gian áp dụng 1 năm về quy định việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, được quy định tại Khoản 20 và Khoản 23, Điều 23, Nghị định 40/2019-NĐ-CP có hiệu lực từ 31/12/2021. Lý do là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, thiếu hụt nguồn vốn để sản xuất trở lại. Việc đầu tư hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động phải tốn kinh phí từ 2-3 tỷ đồng, là một gánh nặng rất lớn đối với doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty cổ phần NATANI, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Tây Ninh đề nghị, Chính phủ, các sở, ngành tỉnh Tây Ninh cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để tái sản xuất sau đại dịch; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đưa ra các giải pháp giãn nợ, hạ lãi xuất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ngành nông nghiệp, công thương cần có các giải pháp giúp người nông dân tiêu thụ các hàng nông sản, tránh tình trạng mùa vụ nào cũng phải giải cứu nông sản cho nông dân.
Trả lời vấn đề liên quan đến thời gian áp dụng việc lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động theo Nghị định của Chính phủ, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh, Kiều Công Minh bày tỏ sự đồng cảm cho các khó khăn của doanh nghiệp. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh làm cơ sở kiến nghị Chính phủ xem xét, giải quyết, đến nay tỉnh vẫn đang chờ ý kiến từ Trung ương.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa tỉnh Tây Ninh ra khỏi danh sách là những tỉnh, thành phố an ninh lương thực quốc gia. Bởi trên thực tế, nhiều diện tích đất lúa ở Tây Ninh từ lâu đã không thể canh tác lúa (đất gò cao, không có nguồn nước tưới); cho phép chuyển đổi công năng theo đúng nhu cầu cho trên 20.000 ha đất lúa (không thể trồng lúa hoặc trồng lúa không hiệu quả) vào các dự án phát triển kinh tế.
Kết luận tại buổi làm việc, ông Phạm Hùng Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chuyển đến các sở, ngành chuyên môn xem xét, xử lý. Các kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của Trung ương, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận, tổng hợp và chuyển tới các cơ quan có liên quan xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Chia sẻ trước những khó khăn của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, ông Phạm Hùng Thái nhấn mạnh, trong thời gian qua, tỉnh Tây Ninh có nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ một số khó khăn cho các doanh nghiệp, tuy nhiên do phải tập trung chống dịch, vừa thúc đẩy phục hồi kinh tế, nên những khó khăn mà các doanh nghiệp đã kiến nghị, tỉnh sẽ có phương án phù hợp. Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua mọi khó khăn, từng bước ổn định sản xuất.