Kiểm tra việc thi hành Luật phòng, chống mua bán người tại Lạng Sơn

Trong hai ngày 20, 21/3, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát thực tế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị về việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Tại các điểm khảo sát, Đoàn Khảo sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nắm thông tin về việc triển khai thi hành Luật phòng, chống mua bán người; công tác tiếp nhận, chính sách hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các đơn vị liên quan để xác nhận, thu thập thông tin, xác minh điều tra; tình hình địa bàn biên giới; hoạt động của tội phạm mua bán người; việc triển khai các biện pháp phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ; hoạt động đấu tranh, phát hiện và điều tra tội phạm mua bán người; việc tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tổ chức tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân mua bán người…

Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua tỉnh đã tích cực chỉ đạo chính quyền các cấp và các ngành chức năng làm tốt công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Đặc biệt các cấp chính quyền của tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về pháp luật phòng, chống mua bán người, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… qua đó các lực lượng chức năng của tỉnh đã nắm chắc thực trạng tình hình hoạt động của tội phạm mua, bán người để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

Cùng với đó Lạng Sơn cũng luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp thực hiện tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, tái hòa nhập cộng đồng; thực hiện hiệu quả Đề án 3 “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”. Về hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người, tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức triển khai Hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Lạng Sơn, công tác phòng chống mua bán người còn gặp nhiều trở ngại như: nhiều vụ án, đối tượng chính là người Trung Quốc hoặc sinh sống ở Trung Quốc nên đã gây không ít khó khăn cho công tác điều tra; việc phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng ở các tỉnh nội địa còn chưa kịp thời…


Phát biểu kết luận chuyến công tác, Trưởng Đoàn khảo sát Nguyễn Mạnh Cường biểu dương, tỉnh Lạng Sơn đã có nỗ lực trong công tác chỉ đạo và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về phòng, chống mua bán người; Đoàn khảo sát sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để tổng hợp, bổ sung, trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi nhằm hoàn thiện Luật Phòng, chống mua bán người; trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới.

Thái Thuần (TTXVN/Tin Tức)
Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 3 khu vực Tiểu vùng sông Mê công: Cam kết mạnh mẽ hợp tác đấu tranh phòng, chống mua bán người

Sáng 16/2, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 3 khu vực Tiểu vùng sông Mê Công về phòng, chống mua bán người (IMM3) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN