Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu. Ảnh: Hồng Thái/ TTXVN |
Tại buổi làm việc, ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, tỉnh Hậu Giang đã thực hiện khá tốt công tác dân tộc; ghi nhận ý kiến của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh về công tác dân tộc.
Ông Lê Sơn Hải cho biết, Ủy ban Dân tộc sẽ xem xét lại vấn đề cử tuyển; trong hoạch định chính sách sắp tới sẽ tập trung cử tuyển vào nhóm 16 dân tộc rất ít người ( dưới 10.000 người ) và những dân tộc không có người học đại học. Đối với những dân tộc đã đạt trình độ phát triển khá sẽ chuyển sang hỗ trợ cho vay, lập các quỹ học bổng trong quá trình học.
Trao đổi với tỉnh Hậu Giang về việc thực hiện công tác dân tộc thời gian tới, ông Lê Sơn Hải cho rằng trên cơ sở những kết quả đã đạt được, tỉnh cần sáng tạo thêm những cách làm mới cho phù hợp với tình hình địa phương. Nếu tỉnh có ngân sách và được Hội đồng Nhân dân đồng ý, cần nâng mức hỗ trợ đối với người uy tín trong đồng bào dân tộc.
Cùng với đó tỉnh cần đổi mới phương hướng giảm nghèo, phương thức cho vay vốn nhằm khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Ngân hàng chính sách xã hội cần tham gia giải quyết "đầu ra" cho sản phẩm nông nghiệp do đồng bào dân tộc sản xuất.
Từ năm 2013 - 2018, tỉnh Hậu Giang giải ngân trên 31,6 tỷ đồng cho Chương trình 135; hỗ trợ đồng bào dân tộc vay vốn phát triển sản xuất theo Quyết định 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng; giải ngân trên 4,8 tỷ đồng hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2016 - 2017, bình quân tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là 4,3%, thu nhập bình quân đầu người tăng trên 1,4 lần so với năm 2013.