Hội nghị đã tập trung đánh giá tình hình triển khai và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này ở các Bộ, ngành, địa phương có vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đánh giá quá trình tổ chức thực hiện và công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện từng nhóm chính sách quy định trong Nghị định này.
Qua thảo luận, các ý kiến đồng tình với dự thảo Báo cáo tổng kết Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Theo đó, trong những năm qua, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định này; phối hợp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện tương đối toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Nổi bật là 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; trong đó gần 85% trường, lớp học được xây dựng kiên cố, các lớp mẫu giáo bước đầu được hình thành và phát triển ở các xã vùng cao. Hỗ trợ bảo hiểm y tế 100% cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Đến năm 2013, 80% số thôn, bản đã có nhân viên y tế; gần 75% số xã có bác sỹ. Chính sách thông tin, truyền thông được đầu tư căn bản, đến nay tỷ lệ xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng đạt 98%...
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, công tác dân tộc và chính sách dân tộc luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, xác định là trách nhiệm của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị được thể hiện bằng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong đó, Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là văn bản pháp quy cao nhất, quan trọng nhất được Chính phủ ban hành từ trước tới nay về công tác dân tộc với các nhóm chính sách và công tác quản lý nhà nước về dân tộc.
Theo Phó Thủ tướng, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị định, các Bộ, ban, ngành đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách dân tộc. Việc thực hiện các chính sách này đã góp phần làm thay đổi đáng kể “bộ mặt” vùng dân tộc và thiểu số; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện chính sách của một số Bộ, ngành chưa kịp thời. Chế độ chính sách cho học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số ở các Bộ, ngành trung ương còn thấp. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng bác sỹ ở các trạm y tế xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thấp. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn…
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các Bộ, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định 05 về công tác dân tộc; phối hợp chặt chẽ trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc hiện hành cho phù hợp với tình hình dân tộc, miền núi.
Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng một số chính sách mới cho giai đoạn 2016-2021.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường nguồn lực đầu tư, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới; xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm nhằm nâng cao số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đề xuất các chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; có chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với với các Bộ, ngành xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm đảm bảo thoát nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị định này và các chính sách dân tộc hiện hành; chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn với chính sách dân tộc.
Các địa phương cần tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn/bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khắc phục đầu tư dàn trải; khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Bên cạnh đó, cần quan tâm quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.