Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh: Tham nhũng không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước mà còn làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển quốc gia.
Kiểm toán Nhà nước là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Không có tha hóa quyền lực thì khó có tham nhũng xảy ra, việc kiểm soát được quyền lực là vấn đề rất khó, nhưng nhất thiết phải làm tốt, nếu không thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước sẽ không thể đạt hiệu quả.
"Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực hiện rất nhiều công việc, rất nhiều biện pháp, trước hết cần công phá mạnh vào các vấn đề then chốt, trong đó phải thực hiện nghiêm việc giới hạn quyền lực nhà nước bằng Hiến pháp, pháp luật; kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước, gắn với việc nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát; nâng cao chất lượng và bổ sung cán bộ có phẩm chất đạo đức và nghiệp vụ tốt trong công tác kiểm tra, giám sát...", Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh khẳng định.
Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào vấn đề kiểm soát quyền lực, trên cơ sở đó giúp Đảng, Chính phủ, các địa phương kiểm soát quyền lực để để phòng, chống tham nhũng. Mục đích của hội thảo nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm soát quyền lực công, góp phần phòng, chống tham nhũng.
Theo Tiến sỹ Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán Nhà nước Chuyên ngành IV, tham nhũng và lạm dụng quyền lực là một vấn đề nhức nhối và có mối quan hệ khăng khít với nhau. Quyền lực có thể xem như bệ đỡ để nảy sinh tham nhũng và tham nhũng là cơ sở để tăng cường quyền lực. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực chính là cơ chế để ngăn chặn, loại bỏ tham nhũng.
Tiến sỹ Hoàng Phú Thọ cho rằng việc kiểm soát quyền lực cần được thực hiện bởi nhiều chủ thể, thông qua hình thức, phương tiện với những nội dung và quy trình kiểm soát khác nhau ở các thời điểm khác nhau; có thể kiểm soát công khai, kiểm soát ngầm; kiểm soát giai đoạn, kiểm soát liên tục...
Tổng biên tập báo Kiểm toán Đỗ Hồng Công cho biết: Việc kiểm soát quyền lực đòi hỏi phải thường xuyên, toàn diện và chặt chẽ, tránh nảy sinh tình trạng cửa quyền, quan liêu, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động kiểm toán, qua đó góp phần quan trọng vào việc kiểm soát quyền lực trong các cơ quan nhà nước để phòng, chống tham nhũng.
Luật Kiểm toán Nhà nước cần được cân nhắc, sửa đổi các quy định về tổ chức, hoạt động của Kiểm toán Nhà nước để thực hiện trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cần kiên quyết xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai phạm được phát hiện qua hoạt động kiểm toán, xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp không nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách để bịt các lỗ hổng để chống thất thoát, lãng phí, phòng ngừa tham nhũng... nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
Các đại biểu dự hội thảo đã tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề lý luận về quyền lực và kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, trong đó phải chú ý đến quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền lực và kiểm soát quyền lực; mục tiêu, quan điểm, chủ trương và giải pháp của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Các ý kiến đại biểu tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm soát quyền lực góp phần phòng, chống tham nhũng, thực trạng việc kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán cũng như thực trạng thi hành các quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng tại Kiểm toán Nhà nước trong thời gian qua.
Các đại biểu cũng chia sẻ các bài học, kinh nghiệm quốc tế về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng của các cơ quan kiểm toán tối cao và những gợi mở cho Việt Nam; tập trung làm rõ các vướng mắc, bất cập đối với cơ chế giám sát, phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng.