Phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ: Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 9, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán Nhà nước theo hướng thể chế hóa quy định Điều 118 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.
Sau hơn ba năm thi hành, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở đó, ngày 27/11/2017 Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 07-KH/TW về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong đó nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 được giao cho Đảng Đoàn Quốc hội lãnh đạo thực hiện từ năm 2018 và hoàn thành trong năm 2019. Trong quá trình thực hiện Kiểm toán Nhà nước đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính -Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự quy định.
"Việc Kiểm toán Nhà nước tổ chức hội thảo “Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015” nhằm đánh giá Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đúng thực trạng, nội dung kiến nghị đề xuất sửa đổi đạt chất lượng, đúng yêu cầu thực tiễn, đúng trọng tâm", Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, cho rằng: Hoàn thiện các quy định pháp lý về kiểm toán nhà nước là đòi hỏi tất yếu trong quá trình nhận thức, trong tiến trình phát triển của kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập của Việt Nam. Tuy nhiên, phải tính tới bước đi và lộ trình cũng như cách thức hoàn thiện trong thể chế nhà nước với những đặc thù của nền tài chính, cơ chế quản lý và khai thác tài sản quốc gia ở Việt Nam.
Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam nhấn mạnh, đối tượng của kiểm toán nhà nước là việc quản lý, sử dụng tài chính công tài sản công và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, cần có sự thống nhất trong nhận thức, cách hiểu về "việc quản lý, sử dụng". Đây là công việc của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Tại hội thảo các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề chủ yếu: bảo đảm hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh kiểm tra với hoạt động Kiểm toán Nhà nước; nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật Kiểm toán Nhà nước của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; rà soát và quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp…
Những ý kiến chia sẻ tại hội thảo có ý nghĩa quan trọng giúp Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua Dự án Luật, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước.