Kiểm toán Nhà nước vẫn đề nghị truy thu 575 tỷ đồng nợ thuế của Unilever

Trao đổi với báo giới ngày 6/12, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN đã có công văn đề nghị Tổng cục Thuế có biện pháp truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

Cơ quan chức năng đã nhiều lần làm việc với Unilever Việt Nam nhưng công ty này không cung cấp được tài liệu chứng minh được miễn trừ nghĩa vụ thuế.

Trước đó, theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này, Unilever đã phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được hưởng ưu đãi thuế. Vì vậy, phía KTNN kiến nghị truy thu Unilever. Mặc dù đã tạo điều kiện tận 6 tháng để Unilever cung cấp tài liệu nhưng đến nay, đơn vị này vẫn không cung cấp được chứng cứ, ngoại trừ chỉ biện minh rằng, doanh nghiệp chấp hành đúng nghĩa vụ thuế.

“Cơ quan chức năng đã làm việc với Uniever nhiều lần, mời cả Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và Tổng cục Thuế để xác định số thuế phải nộp. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp vẫn không chứng minh được”, Tổng KTNN Hồ Đức Phớc nói. Về số tiền phạt chậm nộp, ông Phớc cho rằng, đây là vấn đề do cơ quan thuế căn cứ vào quy định để đưa ra mức phạt.

Đề cập vấn đề này trước đó, ông Vũ Văn Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho biết, cơ quan này đã yêu cầu Cục Thuế TP.HCM phối hợp với công ty giải quyết vụ trên. Tuy nhiên, phía Unilever chưa đồng ý với số tiền truy thu trên. 

Theo ông Vũ Văn Cường, giai đoạn 2009-2013, pháp luật không ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với các hoạt động đầu tư mở rộng. Unilever Việt Nam đã đầu tư mở rộng nhưng không kê khai, tính, nộp thuế riêng đối với phần thu nhập phát sinh từ các hoạt động này là không đúng quy định.

Do đó, khi kiểm toán ngân sách TP.HCM năm 2015, KTNN đã kiến nghị truy thu hơn 800 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi làm việc lại, con số kiến nghị truy thu đã được giảm xuống còn 575 tỷ đồng. Từ căn cứ này, Cục thuế TP.HCM đã yêu cầu Unilever nộp; Tổng cục Thuế cũng có công văn nhắc Unilever thực hiện kết luận của KTNN. Tuy nhiên đến nay, Unilever vẫn chưa đồng ý số tiền này; đồng thời vẫn đang kiến nghị cơ quan cấp trên. 

Phía Unilever Việt Nam cho rằng: Đó là thuế thu nhập doanh nghiệp do đầu tư mở rộng giai đoạn 2009-2013, do có sự khác nhau trong Luật Thuế Đầu tư và Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp trước giai đoạn 2014. Sự khác biệt này là nguyên nhân dẫn đến có sự hiểu khác nhau cũng như gây nên sự bất cập đối với việc thực hiện trong thực tế doanh nghiệp và các cơ quan hữu trách.

"Công ty đã giải trình và kiến nghị với Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài chính và KTNN để tìm ra các giải pháp thoả đáng cho các doanh nghiệp, trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam và tôn trọng thông lệ và pháp luật quốc tế vì Unilever Việt Nam không phải là doanh nghiệp duy nhất gặp phải vấn đề này. Unilever đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong thời gian qua nhằm tìm được giải pháp chung. Hiện vấn đề này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan xử lý", đại diện Unilever Việt Nam nói.

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Doanh nghiệp ngưng hoạt động, Đồng Nai 'khó thu' gần 850 tỷ đồng nợ thuế
Doanh nghiệp ngưng hoạt động, Đồng Nai 'khó thu' gần 850 tỷ đồng nợ thuế

Theo Cục Thuế Đồng Nai, đến thời điểm này, có hàng trăm doanh nghiệp đã ngưng hoạt động, phá sản, có chủ bỏ trốn trên địa bàn Đồng Nai đang nợ tiền thuế gần 850 tỷ đồng; trong đó, doanh nghiệp trong nước nợ hơn 750 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nợ trên 93 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN