Ngành thuế Đồng Nai hiện đang xếp 850 tỷ đồng nợ này vào diện “khó thu”. Thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng kết quả đạt được không cao. Khả năng thu hồi khoản nợ này rất thấp, bởi doanh nghiệp trong nước thì đã phá sản; chủ doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn, không liên lạc được, tài sản họ để lại có giá trị nhỏ. Bên cạnh hàng trăm tỷ đồng nợ thuế khó thu, trên địa bàn Đồng Nai còn có khoảng 1.000 tỷ đồng nợ thuế đến 90 ngày và trên 90 ngày.
Xảy ra tình trạng doanh nghiệp nợ thuế là do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chế tài quá nhẹ. Đặc biệt, với doanh nghiệp FDI, họ không bị ràng buộc bởi tỷ lệ phần trăm vốn điều lệ; sau khi được cấp phép đầu tư, ngành chức năng không kiểm soát được vốn đầu tư thực tế của doanh nghiệp. Có những nhà đầu tư mua máy cũ, thuê trang thiết bị, nhà xưởng rồi tiến hành sản xuất, kinh doanh. Nhà nước chưa quản lý chặt người đại diện tư cách pháp nhân của doanh nghiệp, để họ xuất, nhập cảnh dễ dàng.
Theo ông Nguyễn Tấn Lợi - Phó Cục trưởng Cục Thuế Đồng Nai, so với các tỉnh, thành khác trong cả nước, nợ thuế cũng như nợ thuế khó thu ở Đồng Nai chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, nợ thuế ảnh hưởng tiêu cực đến thu ngân sách Nhà nước. Để chấn chỉnh, từ nay đến cuối năm 2018, ngành thuế Đồng Nai sẽ tập trung đánh giá, phân tích, sàng lọc và tiến hành thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, đặc biệt là doanh nghiệp có số hoàn thuế lớn; triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng; đôn đốc, cưỡng chế với doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày; rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách Nhà nước để có biện pháp thu hồi kịp thời, kiên quyết xử lý doanh nghiệp không nộp, chậm nộp hồ sơ khai thuế...
Cục Thuế Đồng Nai đang xây dựng đề án tăng cường quản lý, phối hợp giữa các ngành để ngăn chặn thất thu thuế, đặc biệt trong doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp tư nhân trong nước.