Không phân biệt người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng 3/6 đã chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, UBND các địa phương tại 63 điểm cầu trực tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Tháo gỡ khó khăn

Mặc dù năm 2015, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã thực hiện vượt chỉ tiêu với trên 76,5% dân số cả nước có BHYT; đầu năm 2016 cũng đã có trên 70,8 triệu đối tượng tham gia. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2020 cả nước có ít nhất 90% dân số có BHYT theo kỳ vọng của chính phủ thì vẫn còn gặp khó lớn, mà trước hết là cơ quan BHXH chưa được giao đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn để chủ động, tích cực hơn trong việc tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, đề xuất những giải pháp phù hợp để phát triển, mở rộng đối tượng tham gia BHYT. Chính sách hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại của các đối tượng thuộc hộ cận nghèo nhưng đến nay vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ một phần mức đóng BHXH còn lại của các hộ cận nghèo…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để tăng tỉ lệ và tính hấp dẫn của BHYT, Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, thu hút người dân khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, cải cách, giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh khoảng 50 phút, ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y tế...; xử lý hơn 7.000 nhân viên, cán bộ y tế các tuyến từ cơ sở đến Trung ương có hành vi không đúng với người bệnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc nâng chỉ tiêu tới năm 2020 từ mức 80% như Quốc hội yêu cầu lên mức 90% cần nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên phải tăng cường nhận thức và tuyên truyền; đồng thời phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không phân biệt giữa người khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị phải thực hiện các biện pháp tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện, hiện mới chỉ đạt 10%; mở rộng hỗ trợ người tham gia BHYT tự nguyện lúc đầu. Đối với vấn đề ứng dụng tin học hóa trong thanh toán BHYT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, thanh toán BHYT giống như ngân hàng với 14.000 “điểm giao dịch”, vì vậy BHYT phải lựa chọn một hệ thống thống nhất.

Trước mắt nếu bệnh viện nào không thực hiện kết nối liên thông dữ liệu phục vụ giám định, thanh toán BHYT thì BHYT treo lại không thanh toán”, Phó Thủ tướng đề nghị. Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH cần nghiên cứu, xem xét ngoài việc bán dịch vụ BHYT cơ bản thì phải mở ra thị trường BHYT cao cấp hơn, đây chính là phát triển thị trường bảo hiểm.

Báo cáo tại hội nghị, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp tham gia đóng BHYT, tránh hiện tượng trốn đóng BHYT cho người lao động… Hà Nội đưa ra một số đề xuất, như nâng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thêm 20%, hiện hỗ trợ 30%, hỗ trợ các đối tượng tham gia theo hộ gia đình thêm 10%...

Còn đại diện UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết 3 năm gần đây UBND thành phố đều giao chỉ tiêu phát triển BHYT cho các quận, huyện. Tính đến cuối tháng 4/2016, toàn thành phố có 5,8 triệu người tham gia BHYT, đạt 75,37% dân số nhưng vẫn chưa đạt so với chỉ tiêu của Chính phủ giao là 76,4%.

Quyết tâm đạt trên 90% người dân tham gia BHYT vào năm 2020

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc phấn đấu đến năm 2020 sẽ có trên 90% người dân tham gia BHYT. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện Luật BHYT. Công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn thiếu thông tin về chính sách, quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT…

Thủ tướng nêu rõ, tỉ lệ bao phủ BHYT ở một số địa phương còn thấp. Đến cuối năm 2015 vẫn còn 31 địa phương tỉ lệ bao phủ BHYT dưới 75% và 22 địa phương chưa đạt tỉ lệ bao phủ BHYT so với kế hoạch. Nhiều nhóm đối tượng phải tham gia BHYT đạt tỉ lệ thấp và thiếu bền vững. Ngoài ra, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT mặc dù đã có chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần được tiếp tục cải thiện. Người dân vẫn chưa hài lòng về thủ tục trong khám chữa bệnh, chuyển tuyến, thanh toán BHYT.

Chưa bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đến cơ sở khám, chữa bệnh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính và trong giám định chi phí khám, chữa bệnh còn chậm, thiếu đồng bộ. Giá dịch vụ y tế chưa tính đúng tính đủ, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, làm cho chi trả tiền túi của người dân có thẻ BHYT vẫn còn cao, từ đó làm giảm tính hấp dẫn của chính sách BHYT.

Trên cơ sở nhận định, đánh giá tình hình, lắng nghe ý kiến các bộ, ngành, địa phương, khẳng định BHYT là bắt buộc theo luật định, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là quyền lợi và trách nhiệm của mọi người dân. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT, Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam tổ chức tốt việc triển khai phát triển đối tượng tham gia BHYT, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành về những giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến việc mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT và tổ chức triển khai thực hiện, tổ chức hệ thống mạng lưới đại lý thu theo cơ chế dịch vụ công tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tham gia BHYT.

Thủ tướng chỉ đạo ngay trong năm 2016, cho phép sử dụng nguồn kinh phí kết dư của BHXH Việt Nam để thực hiện hỗ trợ theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. BHXH Việt Nam kết nối liên thông toàn bộ hệ thống khám chữa bệnh của các cơ sở khám chữa bệnh để tạo điều kiện thanh toán cũng như khám chữa bệnh thuận lợi hơn.

Thủ tướng giao Bộ Y tế chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ người tham gia BHYT, không phân biệt đối với người bệnh được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Ngành Y tế cũng cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT khám, chữa bệnh và giảm chi từ tiền túi của người bệnh.

Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đưa tỉ lệ tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, 5 năm của địa phương và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về tổ chức thực hiện chỉ tiêu này.

Không chỉ có Bộ Y tế, Thủ tướng cũng đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tinh thần, thái độ phục vụ; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán khám, chữa bệnh BHYT.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính đổi mới phương thức chi ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực y tế theo hướng chuyển dần từ cấp cho các cơ sở khám, chữa bệnh sang hỗ trợ mua BHYT cùng với lộ trình tăng giá dịch vụ, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho học sinh, sinh viên, bảo đảm đến năm 2017 có 100% đối tượng này tham gia. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an cần chủ động xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT cho các nhóm đối tượng thuộc diện quản lý, bảo đảm đến năm 2018 đạt 100% quân nhân, cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tham gia BHYT.

Nhấn mạnh: “Một xã hội văn minh, một đất nước tiên tiến, phát triển cần phải có hệ thống BHYT tốt”, Thủ tướng đề nghị MTTQ Việt Nam, các đoàn thể tiếp tục vận động hội viên, đoàn viên, vận động các tổ chức, người có điều kiện hỗ trợ người dân tham gia BHYT.

Quang Vũ (TTXVN)
Thủ tướng yêu cầu không chủ quan trong kiềm chế lạm phát
Thủ tướng yêu cầu không chủ quan trong kiềm chế lạm phát

Ngày 2/6, Chính phủ dành trọn 1 ngày trong họp Phiên thường kỳ tháng 5 để đánh giá, phân tích kỹ tình hình kinh tế-xã hội của đất nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN