Không lơ là phòng, chống dịch COVID-19, tiêm chủng vaccine thần tốc hơn

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 cho thấy, công tác phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta hiện cơ bản phù hợp, sát tình hình và đang được thực hiện có hiệu quả. Dịch cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, số ca mắc, chuyển nặng và tử vong vẫn diễn biến phức tạp ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội. Thủ tướng đã yêu cầu không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết đương lịch và Tết Nguyên Đán...

Chú thích ảnh
Tiêm mũi thứ 3 cho người lao động ở Công ty Trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng. Ảnh: Minh Thu/TTXVN

Bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam

Dự báo thời gian tới, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng Delta, chưa có đánh giá chính thức về độc lực và khả năng kháng vaccine của biến chủng này, đồng thời không loại trừ xuất hiện các biến chủng mới.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát, rút kinh nghiệm, cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Để ngăn chặn ca lây nhiễm, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường xét nghiệm tầm soát với đối tượng, địa bàn có nguy cơ cao; đặc biệt chú ý công tác phòng, chống dịch tại các đô thị lớn, khu công nghiệp.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu thần tốc hơn nữa trong thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine, tổ chức tiêm an toàn, nhanh nhất. Chậm nhất là ngày 31/12/2021 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; không để sót, đặc biệt người có bệnh nền, người trên 50 tuổi; hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022; chủ động có kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 tuổi đến 11 tuổi sau khi có ý kiến của cấp có thẩm quyền và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh, thành phố gia tăng, có thể gây tác động lớn đến hệ thống y tế. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện “Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ” bằng các biện pháp: rà soát các đối tượng chưa được tiêm đủ vaccine phòng COVID-19, đặc biệt chú trọng các đối tượng nguy cơ cao và rất cao (người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch... để tiêm đầy đủ vaccine ngay cho đủ liều và phòng chống lây nhiễm cho đối tượng nguy cơ. Đồng thời, các cơ sở phải cập nhật và áp dụng các hướng dẫn điều trị; tăng cường theo dõi tình trạng người bệnh để tiên lượng sớm, kịp thời phát hiện các dấu hiệu tăng nặng; quan tâm cung cấp dinh dưỡng, nước uống... đầy đủ cho người bệnh.

Điều trị tại nhà để thích ứng với trạng thái mới

Những ngày gần đây, số ca mắc mới COVID-19 của Hà Nội luôn dẫn đầu cả nước. Riêng tối 26/12, Hà Nội ghi nhận 1.887 ca dương tính mới, trong đó có 794 ca cộng đồng, 1.321 ca tại khu cách ly và 122 ca tại khu phong tỏa. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp thành phố ghi nhận trên 1.700 ca mắc mới mỗi ngày. Hiện Hà Nội đã có 8 quận cấp độ 3 (vùng cam, nguy cơ cao)...

Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 26/12, tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 20.154 người, trong đó hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, hơn 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung của quận, huyện, số còn lại điều trị tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố. Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội cũng đã ghi nhận 109 người tử vong do COVID-19.

Từ khi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao, Hà Nội đã cho phép theo dõi, quản lý F0 không triệu chứng tại nhà nhằm tạo thuận lợi cho người dân đồng thời cũng nâng cao vai trò của tuyến y tế cơ sở; giảm tải cho các bệnh viện, cơ sở thu dung tập trung. Tuyến y tế cơ sở sẽ theo dõi sức khỏe người dân ngay tại nhà, phát hiện sớm người có dấu hiệu chuyển tầng để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế phù hợp.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, để việc quản lý người mắc COVID-19 nhẹ, không triệu chứng tại nhà hiệu quả rất cần rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngành y tế và các cấp chính quyền cơ sở, nhất là sự giám sát của chính quyền địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Người dân cần được tuyên truyền, nâng cao ý thức khi được điều trị tại nhà.

Hiện ở Hà Nội mỗi phường, xã đều thành lập các tổ hỗ trợ chăm sóc F0 điều trị tại nhà cùng với y tế cơ sở, Sở Y tế Hà Nội cũng tăng cường lực lượng hỗ trợ cho y tế cơ sở cùng làm nhiệm vụ theo dõi, chăm sóc F0.  Sở Y tế cũng phân bổ các túi thuốc điều trị tại nhà cho 30 Trung tâm Y tế quận, huyện của thành phố, từ đó đưa xuống các trạm y tế lưu động và y tế xã, phường phát cho người mắc COVID-19 điều trị tại nhà; tăng số lượng ác túi thuốc gồm Paracetamol 500mgx 20 viên; Vitamin C 500mg (hoặc Multivitamin) X 20 viên...

Điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại nhà, nơi cư trú đang được xem là mô hình điều trị phù hợp khi tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 của Hà Nội đạt mức rất cao. Hướng điều trị này không chỉ giúp giảm áp lực cho các cơ sở điều trị COVID-19, tạo thuận lợi cho các gia đình mà còn được xem là hình thức phổ biến khi chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Hướng dẫn chăm sóc, cách ly F0, F1 tại nhà

Theo hướng dẫn của ngành y tế: F0 điều trị tại nhà là người có kết quả xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính. Vậy F0 nào được điều trị tại nhà? Đó là những người không triệu chứng hoặc triệu chứng mức độ nhẹ là sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, giảm vị giác, khứu giác…; SpO2 bằng hoặc trên 96%, nhịp thở dưới hoặc bằng 20 lần/phút; tuổi bằng hoặc trên 3 tháng và dưới hoặc bằng 49 tuổi. Ngoài ra, đối tượng F0 này chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine; không mang thai. Những ca F0 điều trị tại nhà có khả năng tự chăm sóc bản thân; biết cách đo thân nhiệt; có khả năng liên lạc với nhân viên y tế; tự dùng thuốc theo đơn thuốc của bác sĩ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: TTXVN

Khi điều trị tại nhà, các F0 phải được cách ly riêng biệt và cần có người thân chăm sóc; phải lưu số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch; nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe; phải có không gian dành riêng cho F0. Gia đình cần chuẩn bị khẩu trang y tế dùng một lần; găng tay y tế sạch; dung dịch sát khuẩn tay/xà phòng; dụng cụ cá nhân riêng biệt. Ngoài ra cần trang bị nhiệt kế, máy đo độ bão hòa oxy đầu ngón tay (SpO2); máy đo huyết áp; thùng rác thải y tế; túi thuốc điều trị tại nhà.

Khi cách ly, điều trị tại nhà, F0 không được tự ý rời phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly; không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và khi chăm sóc.

F0 điều trị tại nhà nếu có một trong 8 dấu hiệu sau đây thi phải báo ngay với nhân viên y tế: khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường (thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào); nhịp thở tăng (người lớn nhịp thở >21 lần/phút; trẻ từ đến dưới 5 tuổi nhịp thở: ≥40 lần/phút; Trẻ từ 5- dưới 12 tuổi: nhịp thở ≥ 30 lần/phút); SpO2 < 96%; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; huyết áp thấp (huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức (lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật); tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; không thể uống; trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn, có biểu hiện sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết...

Nếu F0 là người lớn có sốt trên 38,5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều thì uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như Paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống Oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước. Trẻ em, sốt trên 38,5°C thì phải được cho uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi trẻ dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ thì người chăm sóc phải thông báo ngay cho nhân viên y tế chuyên quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để xử lý. Ngoài ra, nếu người bệnh ho thì có thể dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sĩ hoặc có thể dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ...

Theo Bộ Y tế, hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã đạt tỷ lệ cao về bao phủ vaccine phòng COVID-19 cho người trong độ tuổi tiêm chủng, nhiều người thuộc trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1) đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã được điều trị khỏi bệnh COVID-19.

Bộ Y tế  đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau: Những người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 6 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19), thì thực hiện cách ly y tế 7 ngày tại nhà, nơi lưu trú (nếu đủ điều kiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú), tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.

Trường hợp F1 thì phải tuân thủ Thông điệp 5K, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR hoặc xét nghiệm bằng kháng nguyên nhanh 2 lần (lần 1 khi bắt đầu thực hiện cách ly, lần 2 vào ngày thứ 7). Các đơn vị có liên quan tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện.

Theo Bộ Y tế, với người bệnh COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và đủ điều kiện cách ly, điều trị tại nhà theo quy định thì sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày. Ngoài ra, ca bệnh có kết quả test nhanh âm tính do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép). Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hoặc trạm y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh...

PV (TTXVN)
Bộ Y tế kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng COVID-19
Bộ Y tế kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng COVID-19

Ngày 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao, tổ chức lễ mít tinh bằng hình thức trực tuyến, kết nối 63 tỉnh, thành phố trong cả nước hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng, chống dịch bệnh (27/12) với chủ đề "Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN