Theo Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, trong phiên họp Chính phủ sáng cùng ngày, các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022, tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, công tác phòng, chống dịch COVID-19, các nhiệm vụ, giải pháp thời trong gian tới và một số nội dung quan trọng khác.
Về công tác phòng chống dịch, các thành viên Chính phủ khẳng định, tình hình dịch bệnh vẫn cơ bản được kiểm soát. Đến nay, mặc dù số ca mắc tăng nhưng tỷ lệ chuyển nặng, tử vong thấp cho thấy rõ tính hiệu quả của các biện pháp phòng, chống dịch đã được đề ra. Trong công tác phòng chống dịch, luôn coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể. Tập trung chỉ đạo, triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; khẩn trương tiêm vét; chuẩn bị điều kiện, đẩy nhanh nhập khẩu vaccine để tổ chức tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Đến nay, nước ta đã tiếp nhận trên 218 triệu liều vaccine, tiêm gần 202 triệu liều; người từ 18 tuổi trở lên có tỷ lệ tiêm mũi 1,2,3 tương ứng là 100%, 97,9%, 34,5%; trẻ từ 12-17 tuổi tiêm mũi 1, 2 đạt tỷ lệ 83%, 49,1%; trên tổng dân số, tỷ lệ bao phủ tiêm 1 liều đạt 98,6%, 2 liều đạt 93,1%.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, dịch COVID-19 vẫn đang lây lan nhanh, cả nước ghi nhận nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng (đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc), làm gia tăng số người nhập viện, tạo áp lực lên hệ thống y tế. Ở một số địa phương chưa quyết liệt trong đẩy mạnh tiêm chủng. Xuất hiện tình trạng “loạn giá” thuốc, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch tại một số địa phương...
Video Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cung cấp thông tin tại cuộc họp báo:
Tại phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; luôn sẵn sàng, chủ động, tiếp tục tập trung phòng, chống dịch, trong đó đặc biệt quan tâm chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế với các kịch bản dịch bệnh diễn biến phức tạp; theo dõi sát khu vực có số ca mắc tăng cao và những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh nền; không để quá tải hệ thống y tế.
Tập trung nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ điều trị COVID-19 và hậu COVID-19; dự phòng thuốc, vật tư y tế cần thiết tại y tế cơ sở. Triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân an toàn, khoa học, hiệu quả theo đúng mục tiêu, kế hoạch. Cũng theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, về kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng nhanh trở lại.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được giữ vững. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42% và 2 tháng tăng 1,68%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 2 tăng 8,5% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực chính. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Thương mại, dịch vụ khởi sắc; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 2 tăng 3,1%; khách quốc tế tháng 2 tăng 49,6% so với tháng trước, tăng 169% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, chú trọng.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp các ngành đã hỗ trợ cho hơn 57,81 triệu lượt đối tượng chính sách, người lao động với tổng kinh phí là 9.287 tỷ đồng; xuất cấp 21,48 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm 2022. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; đến ngày 24/2 đã hỗ trợ cho 35,64 triệu lượt đối tượng theo Nghị quyết 86/NQ-CP với tổng kinh phí khoảng 39,2 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 116/NQ-CP với tổng kinh phí gần 38,6 nghìn tỷ đồng.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; các hoạt động đối ngoại được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Về triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đến nay hầu hết các bộ, cơ quan và địa phương đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có xác định thứ tự ưu tiên và thời hạn hoàn thành của từng nhiệm vụ; có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.
Bên cạnh những kết quả đạt, các thành viên Chính phủ cho rằng, đất nước ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cần đặc biệt quan tâm xử lý, tháo gỡ, trong đó nổi lên là: một bộ phận người lao động phải nghỉ việc để điều trị, cách ly gây tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời. Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn những rủi ro. Lạm phát chịu sức ép từ thiếu hụt nguồn cung, giá xăng tăng cao. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Tình trạng ách tắc tại các cửa khẩu biên giới chậm được giải quyết. Thương mại, dịch vụ vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh...
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể về kinh tế, xã hội, sau khi phân tích bối cảnh tình hình trong nước, khu vực và quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương bám sát nhiệm vụ, quyết liệt thực hiện và hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 đã được đề ra tại Nghị quyết số 01, 02, 11 của Chính phủ. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là nhiệm vụ phải thực hiện và hoàn thành trong quý I/2022. Điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Quản lý tốt giá các mặt hàng như xăng dầu và thuốc, kit test trong phòng chống dịch...